Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Doanh nghiệp bị ép đưa hối lộ?

Ngọc Bích 21/07/2023 08:50

Ngày 20/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” tiếp tục với phần tranh luận. Trong phần tự bào chữa, các bị cáo là đại diện doanh nghiệp bị truy tố về tội “đưa hối lộ” khai: Việc tổ chức chuyến bay là do đồng cảm với kiều bào, song buộc phải phạm pháp vì bị ép buộc, đòi hỏi.

Bị cáo Lê Hồng Sơn (cựu Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) bị dẫn giải đến tòa.

Với tổng số tiền đưa, nhận hối lộ trong toàn vụ án được cơ quan tố tụng xác định lên tới 165 tỷ đồng, Blue Sky là công ty chi tiền “bôi trơn” nhiều nhất trong 19 doanh nghiệp liên quan.

Tự bào chữa, bị cáo Lê Hồng Sơn (cựu Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) không phủ nhận sai phạm và cũng “không muốn nhắc nhiều” đến hành vi phạm tội, nhưng mong Hội đồng xét xử cân nhắc đến bối cảnh dẫn tới phạm tội vào thời điểm đó.

Theo bị cáo Sơn, đầu năm 2020, Blue Sky được Hãng hàng không Vietnam Airlines chỉ định phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tổ chức chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước. Nhiều người nghĩ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, điều này là không thể chối cãi, song giữa lúc dịch bệnh, nhất là đại dịch thì không đúng. Trước cáo buộc “doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh để tranh thủ trục lợi”, bị cáo Sơn than phiền: Lúc đó, để tổ chức được một chuyến bay, cả công ty đã rất vất vả. Blue Sky phải bàn bạc để xây dựng giá thành cho phù hợp, tìm nơi lưu trú kỹ lưỡng để công dân được trở về trong sự an toàn nhất. “Bị cáo cũng có tình người, cũng cảm nhận được nỗi đau của đồng bào. Bởi thế, bị cáo càng quyết tâm thực hiện càng nhiều chuyến bay đưa công dân về nước càng tốt” - bị cáo Sơn biện bạch.

Lý giải về những khoản lợi nhuận “bị thêu dệt” của doanh nghiệp, bị cáo Sơn khẳng định: Các chuyến bay phải chịu chi phí như khứ hồi, hãng hàng không thì thu tiền đắt gấp đôi, nhưng lại chỉ được bay một chiều. Khi đưa công dân về nước phải phục vụ họ ăn ngày 3 bữa, cộng thêm hàng loạt các chi phí nên mỗi chuyến bay Blue Sky phải mất “rất nhiều chi phí”. Trước cáo buộc doanh nghiệp hiệp thương giá, độc quyền giá để thực hiện chuyến bay, bị cáo Sơn phủ nhận: “Độc quyền hay hiệp thương chỉ khi có một doanh nghiệp. Ở đây lại có mấy chục doanh nghiệp nên việc hiệp thương giá là không thể".

Bào chữa cho bị cáo Sơn, Luật sư Giang Hồng Thanh liệt kê: Trong 10 tháng (4/2020-1/2022), Chính phủ đã duyệt 372 chuyến bay, trong đó Blue Sky có 109 chuyến, tức gần 1/3. Theo luật sư Thanh, lời khai của nhiều chủ doanh nghiệp đã đưa ra bức tranh chung: Đó là một số cán bộ gây khó khăn, ép buộc doanh nghiệp đưa tiền mới tạo điều kiện. Nếu không đưa, doanh nghiệp chắc chắn sẽ thiệt hại rất lớn do không được cấp phép chuyến bay. “Vậy doanh nghiệp có sự lựa chọn nào khác không? Chắc chắn là không, chỉ là đưa tiền hoặc đừng tổ chức chuyến bay nữa” - luật sư Thanh đặt vấn đề.

Luật sư Thanh cũng đưa ra giả thiết: Nếu tất cả doanh nghiệp đều không đưa tiền, chưa chắc 93.000 người của các chuyến bay combo đã được về nước. Từ đó luật sư Thanh cho rằng, hành vi đưa hối lộ của bị cáo Sơn xuất phát từ những khó khăn mà không phải do doanh nghiệp tự gây ra. “Xét cho cùng, ở một góc độ nào đó, họ cũng là nạn nhân của cơ chế xin - cho trong vụ án này” - luật sư Thanh nhấn mạnh.

Tương tự, bị cáo Đoàn Minh Dương (cựu Giám đốc Công ty VijaSun) trong phần tự bào chữa cũng kể lể: 28 năm gây dựng doanh nghiệp đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước. Nhiều năm sinh sống, làm việc tại Nga, bị cáo rất đồng cảm với kiều bào không thể hồi hương trong đại dịch. Trong quá trình xin cấp phép chuyến bay, dù nhiều lần bị đòi hỏi, yêu cầu chi phí “bôi trơn”, bị cáo và doanh nghiệp vẫn nỗ lực đưa càng nhiều người về nước càng tốt. Bị cáo Dương phân bua rằng trong một số chuyến bay đã giảm giá vé 30-70%, thậm chí có lúc giá vé các chuyến bay của VijaSun rẻ hơn cả chuyến bay thương mại được Chính phủ phê duyệt.

Liên quan đến “nỗi khổ” phải đưa hối lộ cho các quan chức ở một số bộ, ngành, Luật sư Phạm Quang Biên bào chữa cho bị cáo Phan Thị Mai (cựu Giám đốc Công ty Sao Hà Nội) phân tích: Nguyên nhân chính dẫn đến đưa hối lộ do khi đăng ký hồ sơ chuyến bay đều không được cơ quan có thẩm quyền phản hồi, chấp thuận. Các chủ doanh nghiệp như “bà mai dắt mối” nên phải liên hệ để tìm hiểu lý do và hoàn thiện hồ sơ. Và dĩ nhiên trong khi liên hệ thì “bà mai” nhiều lần bị đặt vấn đề tiền bạc. Theo luật sư Biên, quy trình phức tạp, nhiều thủ tục, chồng chéo khi xét duyệt các chuyến bay giải cứu cũng tạo điều kiện hình thành cơ chế xin - cho.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Doanh nghiệp bị ép đưa hối lộ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO