Hơn 7 năm qua, hơn 20 nạn nhân trong vụ án vợ chồng Võ Khánh Dương, Nguyễn Thị Quỳnh Anh (trú tại TP Thái Nguyên) lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng đã liên tục khiếu nại (báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh). Mới đây, Hội đồng Thẩm phán của TAND tối cao đã ra phán quyết hủy cả hai bản án hình sự sơ thẩm (TAND tỉnh Thái Nguyên) và hình sự phúc thẩm (TAND Tối cao tại Hà Nội) để điều tra lại vì vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng.
Viện KSND tỉnh Thái Nguyên.
Sai phạm có hệ thống
Theo đó, ngày 15/6/016, TAND Tối cao đã mở phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Hội đồng Thẩm phán, TAND Tối cao xác định, trong vụ án vợ chồng Võ Khánh Dương đã thực hiện hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 27 bị hại với tổng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng nên việc Cơ quan điều tra tiến hành kê biên tài sản của các bị cáo để đảm bảo cho việc thi hành án là đúng quy định tại Điều 146, Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo lời khai của Dương, Anh thì từ cuối năm 2005 đến tháng 8 năm 2008, vợ chồng Dương, Anh đã vay tiền của nhiều người. Các bị cáo đã sử dụng tiền vay của các cá nhân để đầu tư kinh doanh, nhận chuyển nhượng một số diện tích đất đai. Trước tháng 3/2008, các bị cáo đã vay của một số cá nhân khoảng 30 tỷ đồng để mua nhà đất và xây dựng nhà hàng, trong đó có 12 thửa đất tại Tổ 17 phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên. Do không có tiền trả, nên từ tháng 3/2008, vợ chồng Dương tiếp tục vay tiền của nhiều người khác và sử dụng chủ yếu để trả lãi và gốc cho các khoản vay trước đó dẫn đến mất khả năng thanh toán. Tại đơn đề nghị giám đốc thẩm, Võ Khánh Dương cho rằng, các tài sản đã bị kê biên và một số tài sản khác mà vợ chồng Dương bị bắt ép trả cho một số bị hại, những tài sản này đều hình thành từ tiền vay của những bị hại. Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện trong khoảng thời gian từ cuối năm 2005 đến tháng 8-2008, Dương, Anh đã nhận chuyển nhượng một số diện tích đất đai và sau đó bị cơ quan điều tra kê biên.
Từ những căn cứ trên, Hội đồng Thẩm phán - TAND Tối cao xác định, trong thời gian thực hiện hành vi phạm tội, vợ chồng Võ Khánh Dương đã sử dụng một số tiền chiếm đoạt của người bị hại để nhận chuyển nhượng hoặc trúng đấu giá một số diện tích đất đai và bị kê biên. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra chưa điều tra làm rõ tài sản nào của vợ chồng Dương, Anh sử dụng tiền vay của những người bị hại trong vụ án để mua, tài sản nào do phạm tội mà có, là những vật chứng của vụ án, tài sản nào thuộc diện kê biên… để làm căn cứ xử lý theo đúng quy định.
“Việc kê biên tài sản của các bị cáo để giải quyết vụ án là rất cần thiết, nhưng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên lại căn cứ vào thỏa thuận giữa vợ chồng Dương, Anh và một số ít bị hại, người liên quan để ban hành các Quyết định hủy bỏ Lệnh kê biên tài sản và ban hành Quyết định trả lại vật chứng cho một số người là trái với quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng…”- Hội đồng Thẩm phán - TAND Tối cao khẳng định.
“Khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện những thiếu sót nêu trên trong quá trình điều tra và chấp thuận những sai lầm nghiêm trọng của Viện KSND tỉnh Thái Nguyên trong việc hủy các Quyết định kê biên tài sản, cũng như việc xử lý các tài sản sau khi được giải tỏa kê biên, mà quyết định buộc các bị cáo bồi thường cho 23 người bị hại (trừ 5 người bị hại và 2 người có quyền lợi liên quan đến vụ án) là không đúng, mặc nhiên công nhận thỏa thuận trái pháp luật của các đương sự và quyết định trái pháp luật nêu trên của Viện KSND tỉnh Thái Nguyên ” - TAND Tối cao nhấn mạnh.
Theo Hội đồng thẩm phán - TAND Tối cao, do quá trình điều tra chưa đầy đủ, giải quyết vụ án có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và sai lầm trong việc giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự, nên quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm số 255/2014/HSPT ngày 28/5/2014 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 33/2013/HSST ngày 27/6/2013 của TAND Thái Nguyên đồng thời chuyển hồ sơ vụ án cho Viện KSND Tối cao để điều tra lại.
Về “hưu non” có thoát tội?
Như báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, năm 2008, vợ chồng Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa đảo gần 200 tỷ đồng của 28 người. Sau đó, TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên phạt hai vợ chồng Dương - Anh lần lượt các mức án tù chung thân và 30 năm tù. Đáng bàn là trong khi vụ án đang trong quá trình điều tra thì ngày 21/1/2011, ông Dương Quang Hợp, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên đã ký 3 quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản đối với các bị cáo, từ đó vợ chồng Võ Khánh Dương tẩu tán hết tài sản. Khi đến phiên tòa xét xử, hai bị cáo không còn bất cứ tài sản gì để bồi thường cho các bị hại. Sau đó, rất nhiều phiên tòa xét xử vụ án này được mở ra nhưng không đưa ra được phán quyết công bằng khiến hơn 20 nạn nhân của vụ lừa đảo rơi vào tình cảnh “khuynh gia, bại sản”.
Mặt khác, trong khi Viện KSND Tối cao đang làm thủ tục để kỷ luật ông Dương Quang Hợp thì ông Hợp liền làm đơn xin nghỉ hưu “non” với mục đích “hạ cánh an toàn” và được ngành chức năng chấp thuận.
Cuối năm năm 2015, xác định hành vi vi phạm pháp luật của ông Dương Quang Hợp là có căn cứ, có dấu hiệu phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/VKS-C1 về tội “ra quyết định trái pháp luật” theo Điều 296 Bộ luật Hình sự để điều tra, xử lý.