7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 96,83 tỷ USD trong khi đó năm 2016, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Để đóng góp vào mức tăng trưởng này, ngành Công thương đặt kế hoạch xuất khẩu đạt 187 tỷ USD. Các ngành hàng, doanh nghiệp đang nỗ lực vượt khó, tăng tốc để cán đích.
Cá tra, ba sa là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Ảnh: TL.
Nhiều ngành hàng gặp khó
Kim ngạch nhiều nhóm hàng xuất khẩu đang có dấu hiệu chững lại. Trong đó, mặt hàng nông lâm thủy sản đạt giá trị xuất khẩu 17,8 tỷ USD dù vẫn tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015, song nếu xét riêng từng mặt hàng lại có nhiều điểm đáng lo. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, sụt giảm mạnh.
Số liệu cập nhật từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo của cả nước trong tháng 7 đạt trên 270.000 tấn, trị giá FOB 120 triệu USD và trị giá CIF đạt 122 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu gạo giảm hơn 118% về lượng và 95% về trị giá FOB.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng thẳng thắn cho rằng, không thể phủ nhận những đóng góp của ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến cho xuất khẩu nhưng không thể ca ngợi quá nhiều. 3 sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất hiện nay là gạo, cá (cá ba sa, cá tra) và tôm, đều là niềm tự hào của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhưng thực tế, lúa gạo Việt Nam 25 năm qua không xây dựng được thương hiệu vững chắc. Năng suất trên diện tích gieo trồng cao, nhưng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp. Gạo Việt Nam không chiếm được thị trường thế giới mà chỉ xuất khẩu được vào phân khúc giá thấp. Chúng ta không có nhà sản xuất gạo quy mô lớn mà chỉ có nhà buôn gạo.
Với cá, tôm, trước đây ta xuất khẩu được nhiều sang thị trường Hoa Kỳ, EU và được ưa chuộng. Nhưng hiện nay, do dư lượng kháng sinh và nhiều yếu tố khác mà EU, Hoa Kỳ bắt đầu quay lưng với sản phẩm tôm, cá của Việt Nam.
Ta buộc phải đa dạng hóa thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Phi, các nước Trung Cận Đông… tức là các thị trường cấp thấp, giá rẻ. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc đang chiếm tới 40% tổng thị phần nên rất rủi ro, dễ bị khống chế… Nếu nhìn kỹ bức tranh xuất khẩu nông sản Việt Nam, ta sẽ thấy những xu hướng bất lợi như thế.
Trong khi đó nhóm công nghiệp chế biến cũng không còn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đột biến như những năm trước, thậm chí xuất khẩu của tháng 7 đã giảm 0,9% so với tháng 6. Giá xuất khẩu giảm là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu của nhóm công nghiệp chế biến giảm.
Những tháng đầu năm 2016, hàng loạt sản phẩm, mặt hàng vốn có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam đều gặp khó khăn do tác động của cung cầu trên thế giới. Ví dụ như các mặt hàng nông sản cao su, gạo do cung cầu không ổn định dẫn tới áp lực lớn cho Việt Nam.
Yếu tố khách quan lẫn chủ quan đang tác động lên kim ngạch xuất khẩu. Có những mặt hàng giá giảm sâu, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu như: nguyên liệu khoáng sản (dầu thô, than đá); nông lâm thủy sản (tôm, gạo…).
Nhưng cũng có yếu tố xuất khác từ việc DN xuất khẩu Việt Nam, mặt hàng xuất khẩu không hàm chứa yếu tố thương hiệu nên giá trị gia tăng đem lại rất thấp.Trong đó, hàng dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ chỉ đơn thuần là gia công nên năm nào cũng chỉ điệp khúc lấy lượng bù chất.
Chế biến tôm xuất khẩu.
Chủ động nắm thời cơ
Chặng đường năm kinh tế 2016 không còn quá dài. Trong khi Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Để đóng góp vào mức tăng trưởng này, ngành Công thương đặt kế hoạch chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10% so với năm 2015; Xuất khẩu đạt 187 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 5%. DN đang gồng mình vượt khó.
Giới chuyên gia cho rằng, DN xuất khẩu cần tăng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ đang nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí.
Bà Bùi Kim Thùy- Phó trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương) nói, các nhà đàm phán rất nỗ lực để đưa nhiều sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam vào các thị trường mới. Song, không phải cứ giao được hàng cho bạn là có thể thu được tiền về. Hải quan nước nhập khẩu thường xuyên “khai quật” lại hồ sơ trong vòng 3 năm và yêu cầu kiểm tra lại hàng hóa mà Việt Nam xuất ra”. Do đó, đảm bảo chất lượng và uy tín cho hàng là yêu cầu xuyên suốt, buộc cả người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện.
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ thêm DN thông qua việc cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, phát triển nguồn nhân lực… để khai thác tốt các cơ hội xuất khẩu. Chỉ có như vậy chúng ta mới chủ động biến khó khăn thành thuận lợi, để tăng cường xuất khẩu.
Tại Vietshrimp 2016 (Hội chợ triển lãm chuyên về ngành tôm) mới đây, nhiều chuyên gia đã nêu ý kiến về xuất khẩu mặt hàng này. Ông Cherdsak Virapat- Tổng Giám đốc Mạng lưới các trung tâm nuôi trồng thủy sản châu Á - Thái Bình Dương (NACA) cho rằng nghề nuôi tôm có tiềm năng lớn góp phần gia tăng thu nhập các hộ chăn nuôi và góp phần vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Còn theo ông Trần Hữu Lộc- Giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM thì cần nâng tầm con tôm Việt Nam, do con tôm chiếm tỷ trọng lớn và là đối tượng nuôi có đóng góp quan trọng đối với GDP, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ nông dân. Sản xuất, chế biến tôm của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 3 trên thế giới. Vì thế, việc khẳng định vị thế của ngành tôm trên trường quốc tế là rất cần thiết. Theo đó, rất cần xây dựng thương hiệu cho ngành tôm Việt Nam. .