Vượt qua cửa tử

Đức Trân 29/06/2021 08:33

Công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 luôn được đánh giá là đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 tại nước ta. Với 6.319 ca bệnh đã được điều trị khỏi từ khi SARS-CoV-2 xuất hiện tại Việt Nam, cùng với hàng loạt những ca hồi phục được đánh giá là “kỳ tích” càng minh chứng rõ ràng rằng chúng ta đang đi đúng hướng.

Nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân Covid-19.

Sáng 28/6, theo thông tin từ Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống dịch Covid-19, từ 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 12.400 ca mắc mới ghi nhận trong nước, trong đó có 3.545 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, 41 ca tử vong. Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại 106 cơ sở y tế, có khoảng 50% người bệnh có biểu hiện lâm sàng nhẹ.

Có 204 ca tiên lượng nặng, 11 ca nặng phải thở ô xy, 5 ca nặng thở dòng ô xy cao; 32 ca nguy kịch phải thở máy và 16 ca nguy kịch phải chạy ECMO (máy tim phổi nhân tạo).

Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương là nơi đang điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng nhất với 24 ca nguy kịch. Đây cũng là nơi cứu sống nhiều bệnh nhân có diễn biến nguy kịch, nhiều bệnh nhân tưởng chừng không qua khỏi nhưng nhờ công tác không ngừng nghỉ của các nhân viên y tế, họ đã được trở về với gia đình. Sau đây là 2 trường hợp cụ thể.

Trường hợp thứ nhất là ông B.T.D., 46 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội, phát hiện mắc Covid-19 hôm 3/6.

Vốn thể trạng khỏe mạnh, không bệnh nền, ông D không ngờ mấy ngày sau, bệnh tình tiến triển xấu, phải chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương ngày 7/6.

Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ can thiệp thở oxy lưu lượng lớn qua máy HFNC. Tuy nhiên tình trạng bệnh không cải thiện, tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng hơn. Các bác sĩ bắt buộc can thiệp thở máy xâm nhập cho bệnh nhân qua ống nội khí quản.

Ông D được chuyển tới Khoa Hồi sức tích cực điều trị, thở máy theo chế độ ARDS kĩ thuật cao bảo vệ phổi, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn liên tục, lọc máu hấp phụ cytokines.

Sau 15 ngày thở máy và 4 lần lọc máu hấp phụ cytokines, bệnh nhân dần hồi phục. Ngày 22/6, bệnh nhân tỉnh, tự làm được các động tác đơn giản, cai thở máy và rút nội khí quản. Đến nay bệnh nhân đã hồi sức khoẻ đủ điều kiện để ra viện trở về với gia đình.

Một trường hợp khác, bà N.T.H, 57 tuổi ở Chí Linh, Hải Dương. Phát hiện mắc Covid-19 hôm 17/5 từ dấu hiệu sốt, 6 ngày sau, người phụ nữ vốn khỏe mạnh lại chuyển biến nặng dần lên và được chuyển đến Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương vào ngày 23/5.

Tại Khoa Cấp cứu, dù được can thiệp oxy lưu lượng rất cao. Đến ngày 26/5 bệnh nhân khó thở, vật vã kích thích, co kéo toàn bộ các cơ hô hấp. Vì vậy, bác sĩ bắt buộc can thiệp đặt ống thở và chuyển bệnh nhân vào khoa Hồi sức tích cực để chăm sóc hô hấp tích cực.

Bệnh nhân vào Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng an thần, thở máy với thông số cao tối đa, nhưng độ bão hòa oxy máu mới chỉ gần đạt mức tối thiểu của giá trị bình thường. Ngay lập tức bệnh nhân được tầm soát lại tất cả chỉ số xét nghiệm và đánh giá can thiệp lọc máu liên tục. Huyết áp của bệnh nhân tụt thấp, bác sĩ bắt buộc phải can thiệp nâng huyết áp bằng thuốc vận mạch.

Với nhận định bệnh nhân trong giai đoạn nhiễm độc tố của virus SARS-CoV-2 rất nặng, bệnh nhân được lọc máu 4 lần liên tiếp để thải độc tố, thở máy thông số kĩ thuật cao dài ngày.

Bệnh tiến triển chậm, các thầy thuốc tiên lượng sức khỏe bệnh nhân rất xấu. Ngày 5/6, bệnh nhân được phẫu thuật mổ khí quản tại giường, chăm sóc hô hấp tích cực.

Kết quả hội chẩn cho thấy bệnh nhân bị sốc do độc tố virus SARS-CoV-2, phải dùng thuốc nâng huyết áp rất nhiều ngày, hình ảnh chụp CT phổi cho thấy mức độ tổn thương phổi nghiêm trọng trên 75% diện tích phổi.

Ngày 12/6, sau 17 ngày điều trị tối ưu, bệnh nhân tỉnh và hợp tác, các bác sĩ tập cho bệnh nhân tự thở. Một tuần sau, bệnh nhân cai thở oxy, chuyển sang giai đoạn hồi phục.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 có nhiều sự khác biệt so với những đợt dịch trước bùng phát tại Việt Nam, đặc biệt là số bệnh nhân Covid-19 lớn và mắc biến chủng mới. Chính vì thế, số lượng bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng cũng tăng lên.

Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương cũng như một số bệnh viện tỉnh, bệnh viện dã chiến đã phải kích hoạt hệ thống phòng hồi sức cấp cứu nhiều hơn. Hệ thống y tế đã huy động nhiều nguồn lực, nhiều vật tư trang thiết bị máy móc hơn, đặc biệt là những vật tư trang thiết bị máy móc hỗ trợ cho bệnh nhân nặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vượt qua cửa tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO