Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu trước ngày 31/3/2024 các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành xây dựng và ban hành Đề án vị trí việc làm để làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Đó là nội dung chính tại Thông báo số 520 của Văn phòng Chính phủ, theo đó Phó Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình. Tinh thần là khó tới đâu gỡ tới đó. Đồng thời, cơ quan thường trực là Bộ Nội vụ thiết lập “đường dây nóng” (hotline), sử dụng ứng dụng mạng xã hội (nếu cần) để kịp thời hướng dẫn, tiếp nhận, giải đáp vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương.
Xác định vị trí việc làm giữ trò quan trọng trong việc thực hiện áp dụng chế độ cải cách chế độ tiền lương. Từ ngày 1/7/2024, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng). Trong đó lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương. Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, qua 4 lần cải cách tiền lương, chưa có lần nào chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này. Cũng chính vì thế phải xác định vị trí việc làm rõ ràng, chính xác để đảm bảo sự công bằng, tạo động lực phấn đấu.
Xác định vị trí việc làm cũng chính là sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên thực tế, tinh giản biên chế là yếu tố tiên quyết của cải cách chính sách tiền lương. Chính vì thế cần lập danh mục vị trí việc làm, bảo đảm phân công lại lao động một cách hợp lý.
Kể cả sau sắp xếp, năng lực của từng cá nhân có nâng lên thì mới bảo đảm “giữ” được vị trí việc làm. Cơ chế tiền lương thích hợp là gắn với kết quả công việc và sự cố gắng của người nhận lương.
Từ năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả theo vị trí việc làm. Bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương cũ (vẫn áp dụng cho tới nay). Thay vào đó là các bảng lương mới phản ánh đúng năng lực thực chất và khả năng đáp ứng công việc của cán bộ, công chức, viên chức…
Tinh thần của Nghị quyết 27 là sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2021. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là tác động bởi dịch Covid-19 nặng nề và kéo dài, Hội nghị Trung ương 13 đã biểu quyết thông qua đồng ý lùi thời điểm áp dụng cải cách tiền lương đến ngày 1/7/2022 thay vì từ năm 2021. Tới nay, Chính phủ đã “chốt” lộ trình cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Như vậy, tính từ khi có Nghị quyết của Đảng, lộ trình cải cách tiền lương đã trễ hẹn 3 năm. Lần này, ngày 1/7/2024, chắc chắn sẽ không lỡ hẹn vì Chính phủ cho biết đã bố trí nguồn tiền để thực hiện chính sách lương mới. Cụ thể là 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026.
Từ nay tới ngày 31/3/2024 thời gian không còn nhiều để các bộ, ngành địa phương hoàn thành xây dựng và ban hành Đề án vị trí việc làm. Qua đó làm rõ các tiêu chí đánh giá kết quả công tác theo vị trí việc làm để xác định mức lương cũng như đảm bảo mức lương đó là phù hợp.
Kỳ vọng việc rõ vị trí việc làm cũng như tiền lương mới lần này sẽ tạo ra lan tỏa tinh thần cống hiến, sáng tạo trong khu vực công. Qua đó cũng tạo áp lực để sắp xếp bộ máy tinh gọn theo hướng minh bạch, hiệu quả và công bằng.