Giáo dục

Xây dựng chuẩn đào tạo đại học về vi mạch bán dẫn

Hải Yến 19/01/2025 09:59

Muốn có nguồn nhân lực về lĩnh vực vi mạch bán dẫn phải có chương trình đào tạo chuẩn, phù hợp với mục tiêu, điều kiện của Việt Nam. Bộ GDĐT đã và đang hoàn thiện chuẩn chương trình đào tạo này với sự tham gia đóng góp của các chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học.

Chuẩn bị nguồn nhân lực

Tại Tọa đàm lấy ý kiến đối với Dự thảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Anh Dũng cho biết: Ngành công nghiệp bán dẫn, với vai trò là nền tảng của hầu hết các công nghệ hiện đại, đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và công nghệ toàn cầu.

img_20250118_213450.jpg
Đào tạo thiết kế vi mạch tại Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TPHCM.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 43 ngày 4/12/2024 về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về việc thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ GDĐT thành lập Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học về vi mạch bán dẫn. Chuẩn này không chỉ là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, mà còn là nền tảng để thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo thí điểm, chương trình đào tạo thứ hai, và chương trình đào tạo liên thông liên quan đến vi mạch bán dẫn.

“Đối với Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng để triển khai thành công và nắm bắt cơ hội liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn chính là việc chuẩn bị nguồn nhân lực. Và để làm được việc này thì ngành phải trông cậy vào các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ, trong đó có vi mạch bán dẫn”, ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn được xây dựng trên tinh thần không chỉ đào tạo trình độ đại học, mà còn tiếp cận và tiếp nhận những sinh viên năm 2,3,4 có nhu cầu chuyển sang học vi mạch bán dẫn, đồng thời tiếp cận theo hướng đào tạo những người tốt nghiệp đại học nhưng vẫn có nhu cầu học tập.

Theo dự thảo, chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học về vi mạch bán dẫn được xây dựng theo quy định tại Thông tư số 17 ngày 22/6/2021, quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Chuẩn đầu ra chung của chương trình được thiết kế nhằm đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có đầy đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu chuyên môn, kỹ năng và trách nhiệm trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực và kinh nghiệm phù hợp với lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Đối tượng tuyển sinh là người đã được công nhận tốt nghiệp THPT của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương; người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa bậc THPT theo quy định của pháp luật. Đối với đối tượng đầu vào sinh viên năm thứ 2, 3, 4 (không phải sinh viên năm cuối) từ các ngành học khác phải có học lực từ “Khá” trở lên.

Về kiến thức cơ bản, đối tượng tuyển sinh cần có khối kiến thức về Toán, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học) và Tin học/Công nghệ (Điện - Điện tử) đạt điểm trung bình từ 65% trở lên của thang đánh giá. Ngoại ngữ đối với đối tượng đầu vào chuyển tiếp từ năm thứ 2, 3, 4 (không phải sinh viên năm cuối) hoặc người đã có bằng tốt nghiệp đại học phải đạt trình độ từ bậc 3/6 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam...

Cơ hội gia nhập sâu vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn chia sẻ: Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển lĩnh vực bán dẫn. Thực tế thời gian qua, nhiều lãnh đạo các tập đoàn và các trường đại học lớn trên thế giới đều nhận định, đây là cơ hội bứt phá để Việt Nam gia nhập sâu hơn vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Mục tiêu của chuẩn chương trình đào tạo là nền tảng để thiết kế, triển khai các chương trình đào tạo, thí điểm và liên thông; chương trình linh hoạt, hiện đại, cung cấp nền tảng chung và kiến thức chuyên sâu về vi mạch bán dẫn; tích hợp chuỗi giá trị; kết hợp học thuật và thực tiễn; cơ sở đạt chuẩn có thể tổ chức đào tạo, giảng dạy bằng Tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Chương trình trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu về vi mạch bán dẫn; phát triển kỹ năng thiết kế; mô phỏng, chế tạo, kiểm tra vi mạch; sinh viên tham gia dự án thực tế, khuyến khích tư duy sáng tạo; đào tạo khả năng làm việc toàn cầu, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.

Liên quan đến đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ, GS.TS Chử Đức Trình cho biết, từ nay đến năm 2030, cần đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu cho giảng viên, khuyến khích tham gia hội thảo chuyên ngành, dự án hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức nghề nghiệp. Đặc biệt, sau năm 2030, chương trình cần tiếp tục duy trì và phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng chuyên sâu, chú trọng vào năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Đội ngũ giảng viên phải đạt trình độ chuyên môn cao hơn, có khả năng lãnh đạo các dự án nghiên cứu lớn và thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho rằng, đây là bước tiến lớn nhằm đáp ứng nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chương trình này không chỉ bám sát nhu cầu thực tiễn của lao động trong nước, mà còn tham chiếu các quy chuẩn của nhiều nước trên thế giới. Điều này thể hiện sự đầu tư và tầm nhìn của giáo dục Việt Nam tiệm cận với trình độ toàn cầu.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cách tiếp cận để xây dựng Dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học khá hợp lý khi đã định hướng theo chuyên ngành, đưa ra chương trình đào tạo hệ chuẩn và chương trình đào tạo hệ tài năng.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đề xuất cần có các quy chuẩn làm sao để sinh viên có thể liên thông được cả hai chương trình; có nguồn lực từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên theo học các ngành đào tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng chuẩn đào tạo đại học về vi mạch bán dẫn