Xã hội

Xây dựng cộng đồng an toàn cho trẻ em gái

Lê Bảo 12/12/2023 21:36

Triển khai từ năm 2014, đến nay, mô hình Thành phố an toàn cho trẻ em gái, do Tổ chức Plan International Việt Nam và các đối tác phối hợp thực hiện đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần giải quyết vấn đề an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng và khi di chuyển trên phương tiện công cộng trong thành phố.

chinh-thanh-thieu-nien-se-la-nhan-to-chinh-de-xay-dung-mot-thanh-pho-an-toan-8244.jpeg
Học sinh trường Trung học sơ sở Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội tại buổi tọa đàm với chủ đề 'Thế hệ mới - Lên tiếng vì thành phố an toàn'. Ảnh: Plan Việt Nam.

30% trẻ em gái cảm thấy không an toàn nơi công cộng

Việt Nam là một trong những quốc gia được quốc tế đánh giá cao trong việc đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Tuy nhiên, định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới; xâm hại phụ nữ trẻ em còn tồn tại trên cả nước cũng như trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ việc rất nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Theo số liệu của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội năm 2022 cho thấy, có 82 vụ việc/110 bị cáo về tội xâm hại tình dục trẻ em. 6 tháng đầu năm 2023, Tòa án 2 cấp thành phố thụ lý 81 vụ/ 81 bị cáo xâm hại tình dục trẻ em.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát về an toàn nơi công cộng đối với phụ nữ, trẻ em gái, người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBTI) của tổ chức Plan International Việt Nam và vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội ) thực hiện mới đây cho biết, hơn 30% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn ở một số điểm công cộng nơi họ sống. Phần lớn thủ phạm gây ra các hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng là nam giới (chiếm tỷ lệ 92,3%). Phản ứng phổ biến của các nạn nhân là tìm sự hỗ trợ của người xung quanh hoặc bỏ đi. Có tới 29,7% nạn nhân lựa chọn cách im lặng chịu đựng và không làm gì trước các hành vi quấy rối tình dục. Đáng chú ý, khi phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục đề nghị hỗ trợ thì có tới 2,7% phản ứng bằng cách "đổ lỗi cho nạn nhân".

Những con số trên cho thấy, việc thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ, trẻ em gái và xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Xây dựng không gian an toàn cho trẻ em gái

Xuất phát từ thực tế trên, Dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật bởi Tổ chức Plan International đã được triển khai thí điểm tại một số trường huyện Đông Anh. Tiếp nối thành quả hiện dự án đã được triển khai mở rộng đến các huyện, quận như: Long Biên, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Xuân và Đống Đa. Mục tiêu tổng thể dự án nhằm hướng tới là các thành phố của Việt Nam an toàn, thân thiện và có trách nhiệm với các em gái. Theo đó, mô hình Thành phố an toàn cho trẻ em gái được thiết kế để đáp ứng với các thách thức ngày càng gia tăng của vấn đề đô thị hóa thông qua việc trao quyền cho các em gái, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan để xây dựng các cộng đồng trở nên an toàn và thân thiện hơn.

Chương trình nhằm giải quyết các vấn đề gốc rễ của xã hội dẫn đến nguy cơ không an toàn của các em gái cũng như hướng tới việc chuyển đổi các quan niệm, định kiến xã hội đã củng cố các phân biệt về giới và tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. Để đạt được mục tiêu này, Tổ chức Plan International Việt Nam đã hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước triển khai chương trình Thành phố an toàn cho trẻ em gái.

Tại Hà Nội từ khi triển khai dự án đến nay gần 700 giáo viên tại 27 trường THCS và THPT, 400 cán bộ, nhân viên giao thông vận tải được tập huấn về bình đẳng giới và bạo lực giới, gần 2.000 trẻ em gái, trai và cộng đồng đồng tính song giới trở thành các thủ lĩnh vì bình đẳng giới và bạo lực giới.

Đánh giá hiệu quả từ mô hình thành phố an toàn đem lại, đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, để giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án, Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Bộ LĐTB&XH có trách nhiệm hướng dẫn triển khai thí điểm một số mô hình, trong đó có mô hình Thành phố an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái, để trên cơ sở đó, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng cộng đồng an toàn cho trẻ em gái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO