Xử lý nợ xấu, còn nhiều bất cập

V. Hoa - H.Hương 25/05/2017 08:00

Cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp… là những bất cập trong xử lý nợ xấu của chúng ta hiện nay. Thậm chí vấn đề này còn làm nóng Quốc hội cũng như làm nóng dư luận những ngày gần đây.

Giải quyết nợ xấu vướng ở tài sản đảm bảo

Bàn cách giải quyết nợ xấu, khơi thông tín dụng cho toàn nền kinh tế đang làm nóng Quốc hội cũng như làm nóng dư luận những ngày gần đây.

Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được trình Quốc hội cho biết, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ.

Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng; được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu cũng được bán nợ xấu cho các pháp nhân, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Nhưng muốn xử lý được nợ xấu cũng cần đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là xử lý tài sản đảm bảo. Tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản đảm bảo (TSBĐ) chiếm trên 90% tổng nợ xấu song việc xử lý TSBĐ của các tổ chức tín dụng (TCTD) gặp nhiều vướng mắc.

Nhiều quy định của pháp luật hiện hành thiếu các hướng dẫn cụ thể về nội dung xử lý TSBĐ, do đó, khi các TCTD nhận thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì việc xử lý TSBĐ có thể dẫn đến thời gian giải quyết kéo dài, gây khó khăn, lúng túng cho các TCTD trong quá trình thực hiện.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nói, hiện nay những trở ngại pháp lý như thu hồi tài sản đảm bảo, thi hành án, tìm kiếm các nhà đầu tư mới để bổ sung vốn tự có…đang khiến cho quá trình xử lý nợ xấu diễn ra chậm chạp, không hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến sức chống đỡ rủi ro của các ngân hàng thương mại. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc khó giảm lãi suất, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV.

Ở góc độ ngân hàng, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, cơ quan tòa án cần có thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSĐB và xử lý TSĐB, đồng thời quy định cụ thể về trách nhiệm của Toà án giải quyết đúng hạn như quy định tại Bộ Luật tố tụng dân sự hiện hành.

Vietcombank cũng đề nghị các cơ quan công an tích cực hỗ trợ các TCTD trong xác minh địa chỉ bị đơn, trong thu thập chứng cứ, hồ sơ tài liệu để tiến hành khởi kiện, đồng thời hỗ trợ các TCTD giải quyết các trường hợp khách hàng vay sau đó cố tinh lẩn trốn liên tục thay đổi địa chỉ nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ mà cơ quan tòa án không thụ lý để giải quyết vụ án.

Cần hành lang pháp lý riêng

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến thời điểm tháng 1-2017, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 616.700 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý nợ xấu tăng dần từng năm từ năm 2012, xử lý được 74.680 tỷ đồng đã tăng lên 118.490 tỷ đồng năm 2016. Riêng trong tháng 1-2017 số nợ xấu xử lý được là 5.140 tỷ đồng.

Cụ thể, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 349.700 tỷ đồng, chiếm 56,7% tổng số nợ xấu, còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác chiếm 43,3%. Nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 2/2017 ở mức 2,56% tổng dư nợ tín dụng. Đối với nợ thu hồi qua

Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) từ 2013 đến 31/3/2017 đã xử lý được khoảng 53.236 tỷ đồng. Trong tổng số nợ xử lý thì hình thức bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ ở mức khá thấp, chỉ 17.100 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, xử lý nợ xấu cần nhất quán một số quan điểm: Không sử dụng ngân sách Nhà nước, không thực hiện trái với Hiến pháp, có hiệu lực thi hành ngay và áp dụng nguyên tắc thị trường trong việc xử lý tài sản đảm bảo và không loại trừ trách nhiệm cá nhân vi phạm tạo ra nợ xấu.

Trong khi đó theo ông Lê Xuân Nghĩa, kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này cần phải có hành lang pháp lý riêng. Ở Việt Nam nếu không có nguồn lực tài chính tập trung mà dựa vào năng lực tự tái cấu trúc của các ngân hàng thương mại thì càng đòi hỏi phải có một hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý nợ xấu, còn nhiều bất cập