Thời điểm này, xuất khẩu nhiều ngành đã tăng trở lại, trong đó có nhiều lĩnh vực tăng trưởng mạnh như: ngành gỗ, dệt may, da giày, thủy sản… do mùa mua sắm cuối năm. Theo giới chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp phải biết tận dụng thời cơ vàng để tăng tốc xuất khẩu.
Dệt may, đồ gỗ tới tấp đơn hàng
Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu đang có dấu hiệu phục hồi, cụ thể tháng 10/2021, đã nhích lên 1% so với tháng trước với kim ngạch ước đạt 27,3 tỷ USD. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63%).
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tỉ trọng 28,37% tổng kim ngạch xuất khẩu, ước đạt 76,02 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ; tiếp đến là thị trường Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Dễ nhận thấy, với việc thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh để khôi phục sản xuất - kinh doanh, nhiều ngành đã đạt kết quả tích cực trong xuất khẩu.
Như ở lĩnh vực dệt may, các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) ngành dệt may nhận định, với những tín hiệu tích cực từ thị trường, nguồn lao động, ngành dệt may Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội, tăng kim ngạch xuất khẩu lên 40 tỷ USD. Tuy nhiên, DN vẫn đối mặt với áp lực phòng chống dịch và nguồn nhân lực để vừa khôi phục sản xuất, vừa đảm bảo các tiêu chí an toàn cho người lao động.
Theo xu hướng tuyển dụng trong quý IV/2021 và đầu năm 2022 của Tập đoàn Navigos Group, các doanh nghiệp dệt may lớn và có uy tín đang có rất nhiều đơn hàng. Nhiều công ty đã nhận đơn hàng tới tháng 4 đến tháng 6/2022 và vẫn đang cần tuyển thêm nhiều lao động để đáp ứng đơn hàng.
Đại diện Công ty Việt Thắng Jean cho biết, công ty cũng hoạt động trở lại từ đầu tháng 10 và đang nỗ lực để xuất xưởng 1,2 triệu sản phẩm sang 8 nước châu Âu. Hiện quần áo của Việt Thắng Jean đã lên kệ ở khắp châu Âu để bán vào dịp Noel và năm mới thông qua vận chuyển bằng máy bay. Công ty đã nhận đơn hàng đến hết tháng 6/2022.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, xuất khẩu của toàn ngành 10 tháng qua đạt 32 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng các DN dệt may đã chủ động thích ứng và triển khai nhiều giải pháp để không đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất. Bên cạnh đó, DN còn chủ động mua nguyên liệu để bảo đảm nguồn cung cho sản xuất.
Là trụ đỡ vững vàng khi nền kinh tế, xuất khẩu nông sản tiếp đà tăng trưởng mạnh. DN đang tận dụng thời gian vàng cuối năm để chốt sổ thu về tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp trong tháng 10 vừa qua đều lấy lại đà tăng trưởng sau khoảng thời gian tháng 8 và 9 năm 2021 chững lại vì dịch bệnh.
Tính chung kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trong 10 tháng năm 2021 tiếp đà tăng trưởng mạnh, đạt gần 38,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai nhóm hàng xuất siêu nhiều nhất là lâm sản đạt 10,28 tỷ USD và thuỷ sản đạt 5,27 tỷ USD. 44 tỷ USD là dự tính tổng xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2021 của Việt Nam, nếu tốc độ hồi phục được giữ vững trong tháng còn lại của năm.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) nhận định, quý IV là quý có kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất năm, bởi nhu cầu tiêu dùng thủy sản rất cao tại một số thị trường như Mỹ, EU. Thế nên, tháng còn lại được cho là thời gian vàng để các DN tăng tốc sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.
Ở mảng chế biến gỗ, sau thời gian chững lại vì giãn cách xã hội, các doanh nghiệp tại khu vực TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương cũng đang hối hả sản xuất, đáp ứng đơn hàng cuối năm.
Trong nửa đầu tháng 11, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 585 triệu USD, tăng rất mạnh so với 397 triệu USD trong nửa đầu tháng 10. Quan trọng hơn, với việc trong nửa đầu tháng 11 đã đạt gần 600 triệu USD, chắc chắn xuất khẩu của cả tháng sẽ quay lại mốc 1 tỷ USD kể từ tháng 7/2021 đến nay.
Vẫn còn rào cản
Cũng phải nhắc tới những rào cản lớn nhất của xuất khẩu hiện nay là giá cước tàu biển tăng phi mã, thiếu tàu vận chuyển, thiếu kho bãi lưu hàng… đã khiến nhiều DN xuất khẩu điêu đứng.
Thậm chí, giá cước tàu biển tăng và hiện tại đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm vượt quá sức chịu đựng của DN. Theo ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp (Gia Lai) - chủ DN chuyên sản xuất, xuất khẩu cà phê, mỗi container (40 feet) đi châu Âu hiện nay từ 8.000-10.000 USD. Trong khi đó, mỗi tháng công ty của ông xuất khẩu 10.000 tấn cà phê, chủ yếu đi Mỹ và EU. Vì vậy, chi phí đội lên rất cao.
Nguyên nhân cước phí tăng cao là do thiếu container rỗng. Tình trạng này kéo dài cả năm nay từ khi dịch bùng phát, song mức độ thiếu ngày càng nghiêm trọng bởi khi dịch tạm lắng, nhu cầu vận chuyển tăng mạnh nên càng thêm thiếu container.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM) cũng cho biết, giá cước vận chuyển container đi Mỹ hiện là 10.000 USD/container (40 feet) đi cảng bờ Tây và 16.000 USD/container đến cảng bờ Đông, mức giá này tăng gấp chục lần so với thời điểm trước dịch.
Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), mặc dù cước tàu cao, nhưng việc đặt trước container, đặt tàu cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu container, thiếu chỗ. Các DN phải đặt tàu trước 15-20 ngày và buộc phải lên lịch sản xuất sao cho phù hợp với thời gian giao hàng và lịch chạy của tàu.
Hiện nay các DN còn gặp phải tình trạng các hãng tàu tự động hủy đặt chỗ trước của DN do có DN khác đồng ý trả cước cao hơn để thế chỗ hoặc không đủ chỗ trên tàu, đẩy nhiều DN vào thế khó. Ngoài ra, việc cập nhật giá tàu cũng không được các hãng thống nhất giữa các thị trường khiến DN bị thụ động trong việc tính vào giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN.
Khai thác tối đa các FTA
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu có những thuận lợi khi khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế. Một tín hiệu đáng mừng khác là TP HCM và các tỉnh có tỉ trọng xuất khẩu lớn ở khu vực phía Nam đang từng bước phục hồi.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, phải tận dụng sự phục hồi của thị trường EU, Mỹ để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như: dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản đúng dịp mua sắm cuối năm.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, hiện điểm sáng đáng chú ý nhất của nền kinh tế là xuất khẩu, thương mại quốc tế. Do đó, trong quý IV, nếu các DN trở lại hoạt động kịp thời với các đơn hàng dịp cuối năm, tổng kim ngạch XNK trong năm 2021 vẫn có thể đạt mức trên 600 tỷ USD.
Theo ông Lạng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn có xu hướng tăng qua các năm, cho thấy nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất cao và giao thương quốc tế sôi động. Việt Nam là quốc gia rất tích cực triển khai hợp tác các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA… Đây là những hiệp định có tiềm năng như những “con đường cao tốc” lớn đến các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên đến nay, các DN Việt Nam vẫn chưa khai thác triệt để hiệp định thương mại tự do mới.
“Đã đến lúc Việt Nam đẩy mạnh việc tận dụng các hiệp định đa phương và song phương. Thực hiện đa dạng hoá, không chỉ xuất khẩu ở các thị trường truyền thống như châu Âu, Hoa Kỳ, các DN cần tìm cơ hội thâm nhập cả những thị trường châu Á, Mỹ Latin, châu Phi… thậm chí các DN đầu đàn nên tính đến chiến lược mua tài sản, đầu tư ra nước ngoài”, ông Nguyễn Thường Lạng nói.
Nhưng để thực hiện, các DN Việt Nam cũng cần thay đổi, khắc phục được điểm yếu kém tính liên kết hỗ trợ nhau trong việc phát triển thị trường cũng như phối hợp triển khai các đơn hàng, hợp đồng, cộng hưởng sức mạnh, tận dụng cơ hội nhỏ nhất để phát triển.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm 2021, ngay lúc này, mỗi bộ, ngành, địa phương, DN cần lên kịch bản sát với mục tiêu xuất khẩu đã đề ra; đồng thời thực hiện các kịch bản phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như điều kiện mỗi địa phương. Ngoài ra, cần đơn giản thủ tục xuất nhập khẩu để DN thực hiện đúng tiến độ giao hàng.