Trong 10 tháng năm 2016, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hơn 98.000 người, gần đạt 100% kế hoạch năm 2016 và tăng 16,98% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, việc mở cửa trở lại của thị trường Hàn Quốc đã phần nào giúp hoàn thành mục tiêu xuất khẩu lao động. Tuy vậy, việc lao động Việt Nam bỏ trốn khi hết hợp đồng lao động và không về nước đã khiến cho công tác đàm phán, mở cửa thị trường lao động của Việt Nam tại các quốc gia sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
XKLĐ trong những năm gần đây luôn vượt chỉ tiêu đề ra.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), tính riêng tháng 10/2016, tổng số lao động Việt Nam được phái cử đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động là 10.361 người (trong đó có khoảng 3.679 lao động nữ).
Nhìn tổng quan về thị trường XKLĐ cho thấy, 10 tháng qua cho dù Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là thị trường thu hút lao động Việt Nam đông nhất với khoảng 6.110 lao động, nhưng so với cùng kỳ năm trước có sự sụt giảm. Báo cáo của Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) cũng cho biết, Đài Loan (Trung Quốc) luôn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất và liên tục tăng về số lượng tiếp nhận theo từng năm. Chỉ tính trong 9 tháng vừa qua, thị trường này lại sụt giảm 13,83% so với cùng kỳ năm trước.
Trả lời câu hỏi vì sao thị trường Đài Loan lại giảm sút, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho hay, thực tế, nhu cầu đi làm việc tại Đài Loan đã giảm khá mạnh trong thời gian qua, cho dù Bộ đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh thị trường này liên quan tới việc thu phí. Tuy nhiên, số lượng người đăng ký vào thị trường này vẫn rất ít, doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng. Một nguyên nhân nữa khiến người lao động không mặn mà với thị trường Đài Loan là do phía Hàn Quốc tiếp nhận lại lao động Việt Nam, điển hình là đợt cao điểm thi tiếng Hàn vừa qua tỉ lệ chọi còn cao hơn thi đại học top đầu cả nước.
Song thực tế, hạn ngạch mà Hàn Quốc tiếp nhận lao động Việt Nam trong đợt thi này rất ít, chỉ là 2.100 người trong khi các thị trường khác chỉ tiêu rất lớn. Lao động Việt Nam đi Nhật Bản hàng năm từ 30.000-35.000 người; đi Đài Loan là hơn 70.000 người. “Hy vọng, trong thời gian tới, sau khi kỳ thi tiếng Hàn lắng xuống, thì các em sẽ lựa chọn các thị trường khác phù hợp hơn với số lượng chỉ tiêu lớn hơn”, ông Diệp nói.
Đánh giá về thị trường lao động từ nay đến hết năm, theo ông Doãn Mậu Diệp, thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc vẫn là 3 thị trường chính đưa lao động Việt Nam sang làm việc. Số lượng lao động đi Nhật Bản vẫn rất tốt và ổn định. Lao động sang Nhật làm nhiều ở các nghề như: hộ lý, điều dưỡng hoặc dọn dẹp vệ sinh các tòa nhà cao ốc. Nhật Bản cũng đang sửa luật để thời gian người lao động Việt Nam có thể ở lại thị trường này lên tới 5 năm.
Về tìm kiếm thị trường mới, theo ông Diệp, Thái Lan vừa qua đã mở cửa đối với hai loại nghề là lao động xây dựng và đánh bắt gần bờ. Tuy nhiên, thị trường này vẫn chưa đủ hấp dẫn người lao động vì có tiền lương thấp. Về nghề đánh bắt gần bờ, đội tàu cá của Thái Lan thường có điều kiện lao động khắc nghiệt, phương tiện thô sơ, và thiếu an toàn so với các đội tàu của nước khác nên dù doanh nghiệp đã cố gắng tìm kiếm lao động nhưng việc tuyển vẫn gặp khó khăn.
“Đối với một số thị trường khó tính nhưng có mức lương cao như Úc, Newzeland …thì Việt Nam đều có thỏa thuận đưa lao động sang làm việc nhưng hạn ngạch rất thấp, chỉ vài trăm người/năm. Vừa rồi, Bộ LĐTB&XH cũng đã có cuộc đàm phán với Đại sứ Israel về hạn ngạch đưa lao động Việt Nam sang Israel làm trong nghề xây dựng và nông nghiệp nhưng phía Israel còn quan ngại về tình trạng bỏ trốn của lao động Việt Nam. Nước này chỉ có khoảng 8,5 triệu người thì tỉ lệ bỏ trốn ở Việt Nam chỉ là 5% cũng là một vấn đề lớn với họ. Trong khi tỉ lệ bỏ trốn của lao động Việt Nam ở Hàn Quốc là hơn 40%; ở Đài Loan là 18-20%...” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.
Cũng theo ông Diệp, nhiều thị trường lao động mới với mức lương hấp dẫn đang chờ đón người lao động.