Theo Bộ NNPTNT, 5 tháng qua xuất khẩu hàng nông, lâm thủy sản ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước đạt khoảng 19,57 tỷ USD, tăng 51%. Giá trị xuất siêu nông, lâm thủy sản đạt khoảng 3,27 tỷ USD.
Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,75 tỷ USD; lâm sản chính 1,52 tỷ USD, thủy sản đạt 750 triệu USD và chăn nuôi đạt 41 triệu USD…Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm cao su, chè, gạo, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; gỗ, mây, tre, cói thảm, quế…
Đặc biệt, nhiều sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu như cao su, chè, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm 15,6%, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 25,2%, đạt 387 triệu USD.
Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm, gỗ, mây, tre, cói thảm…Tuy nhiên, có 2 mặt hàng chính lại giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu gồm cà phê và gạo.
Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, có 4 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng khá trong xuất khẩu...
Riêng về xuất khẩu vải thiều Bắc Giang trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, theo ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Bắc Giang), năm nay các nhà nhập khẩu Nhật Bản cam kết nhập khoảng 1.000 tấn vải từ Bắc Giang. Lô vải thiều 20 tấn mới xuất sang Nhật gần đây được tiêu thụ gần hết trong ngày với giá từ 350 – 500 nghìn đồng/kg.
Cũng theo ông Thọ, tình hình xuất khẩu quả vải thiều sớm của tỉnh Bắc Giang qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn hiện cũng thuận lợi. Vải thiều được xuất đi qua luồng xanh, luồng ưu tiên và được ban quản lý cửa khẩu cử cán bộ làm trước giờ hành chính, tạo điều kiện thông quan trước cho quả vải.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), đến ngày 29/5, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 50 tấn vải thiều sang Nhật Bản. Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, năm 2021, diện tích vải thiều của toàn tỉnh dự kiến đạt khoảng 28.100 ha, sản lượng dự kiến đạt 180.000 tấn.
Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh dự kiến trên 15.200 ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 82 ha. Vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia.. có diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản là 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.
Để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, ngay từ đầu năm 2021, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, các huyện Lục Ngạn, Tân Yên (Bắc Giang) đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tập trung sản xuất vùng vải thiều an toàn, chất lượng.