Đây là nhận định của giới chuyên gia về dự báo xuất khẩu nông sản năm 2023. Theo đó, dù năm 2023 sẽ có nhiều thách thức do biến động thị trường thế giới song với kết quả đạt được trong năm 2022 sẽ là tiền đề để hàng nông sản Việt Nam “phá rào” mở cửa tiêu thụ tại thị trường khó tính.
Cơ hội đan xen thách thức
Mới đây, Mỹ đã chính thức mở cửa cho trái bưởi của Việt Nam; quả nhãn, mắc ca cũng được Nhật Bản cho phép nhập khẩu; New Zealand mở cửa cho trái chanh xanh của Việt Nam; trong khi đó, nhiều loại gạo chất lượng cao của Việt Nam đã xuất hiện ở các siêu thị của Mỹ, EU, Nhật Bản… Những kết quả trong việc mở cửa thị trường đã góp phần giúp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc mở cửa được thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường và phát triển bền vững còn khó hơn, đòi hỏi mỗi nông dân, doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường.
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong năm 2023, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ, xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu chững lại từ quý IV/2022 và xu hướng này có thể kéo dài sang quý I/2023, thậm chí hết nửa đầu năm 2023, bởi lạm phát tăng cao đã ngấm sâu vào thái độ, thói quen của người tiêu dùng, và họ sẽ không đầu tư vào các ngành hàng, sản phẩm có giá trị cao như trước nữa mà sẽ chú trọng hơn vào những sản phẩm ở mức trung bình. Do đó, lượng đơn hàng sẽ giảm sâu, thậm chí một số DN nhỏ không có đơn hàng.
“Hi vọng nửa cuối năm 2023, khi kinh tế thế giới hồi phục thì nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại. Bên cạnh đó, DN cũng mong muốn Nhà nước sẽ có những hỗ trợ nhất định về thị trường, chính sách thuế để đủ sức duy trì cũng như đón đầu thị trường thế giới thời gian tới”- bà Lê Hằng nói.
Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thách thức song ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tích ngoạn mục. Tuy nhiên trong năm 2022, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid, chuyển hướng sang sản phẩm an toàn và kiểm soát chất lượng nông sản chặt chẽ hơn, không còn là thị trường “dễ tính”. Đây vừa là khó khăn nhưng cũng là động lực cho các DN Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất. Đặc biệt, ngành rau quả đã mở cửa được một loạt các mã trồng xuất khẩu vào Trung Quốc. Đây được xem là thành tích rất lớn và là kết quả bước đầu trong chặng đường 10 năm tới thực hiện chuyển đổi sang nghiệp sinh thái, bền vững và minh bạch.
Mở cửa thị trường lớn
“Đây là chiến lược theo đuổi, mở cửa tại các thị trường lớn, các thị trường với sản phẩm mới. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục tận dụng những thành công, để mở cửa thị trường khác như xử lý hơi nước nóng ở thị trường Hoa Kỳ… để có thêm lựa chọn cho các DN xuất khẩu để họ chọn biện pháp phù hợp nhất, tăng thêm tính cạnh tranh của DN”- ông Hiếu cho biết.
Nhấn mạnh đến vai trò của các DN, cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực, bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, mở cửa một thị trường mất ít nhất từ 3 - 5 năm, DN khi làm một số sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ cũng mất đến 6 năm. Khi chúng ta đã mở cửa được thị trường thì vấn đề quan trọng là làm sao để duy trì và phát triển thị trường đó, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp mà còn là vai trò của các địa phương, của nông dân trong chuỗi liên kết để làm sao có thể phát huy được thị trường đó.
Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho rằng, muốn mở cửa được thị trường phải tăng cường liên kết không chỉ với nông dân mà còn cần kết nối giữa các ngành hàng, DN với nhau. Câu chuyện thị trường gắn với nhiều sự biến động. Đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 18 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó nhiều Hiệp định gắn với các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản…
Theo ông Nam, đa dạng hóa thị trường thì cũng phải tổ chức lại sản xuất theo tín hiệu của thị trường. Thực tiễn đòi hỏi phải có sự liên kết. Ngoài việc liên kết giữa các hộ nông dân với nhau thì phải liên kết các hộ nông dân với các cơ quan quản lý ở địa phương và cơ quan quản lý ở trung ương. Ví dụ, làm xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc thực vật thì bắt buộc phải liên kết với Cục Bảo vệ thực vật, đây là một sự đồng hành rất chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước với nông dân, DN”.
Nói về công tác mở cửa thị trường trong năm 2023, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhận định, tiếp nối thành công 2022, sẽ tiếp tục chiến lược tận dụng các lợi thế sản phẩm trái cây Việt Nam, ví dụ thị trường Trung Quốc chúng ta sẽ tiếp tục với sản phẩm cây có múi cam, bưởi; Với thị trường các nước phát triển như Mỹ sẽ tiếp tục với sản phẩm chanh dây, dừa; chanh dây đi Australia; chúng ta có thể tận dụng mở cửa thị trường Nhật Bản cho quả nhãn…