Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu tôm đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 29,2% so với cùng kỳ. Dự báo tổng xuất khẩu tôm Việt Nam trong 6 tháng cuối năm đạt trên 1,9 tỷ USD, còn cả năm ước đạt 3,2 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Chế biến tôm xuất khẩu.
1. Nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm giảm là do sản lượng tôm thế giới tăng, nhu cầu yếu từ các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…) và giá tôm giảm ở các nước sản xuất chính như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador…
Tôm chân trắng là mặt hàng chủ lực của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, tuy nhiên giá trị xuất khẩu giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2014 xuống còn 597,7 triệu USD, chiếm 57,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm cả nước. Xuất khẩu tôm sú cũng giảm tới 30,9% còn 346,8 triệu USD, chiếm 33,3% tổng giá trị xuất khẩu. Ước trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 741 triệu USD, giảm 30,2% so với cùng kỳ năm 2014, xuất khẩu tôm sú đạt 412 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh vẫn là sản phẩm xuất khẩu chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng xuất khẩu tôm Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 77 thị trường, giảm 1 thị trường so với cùng kỳ năm ngoái. Tốp 10 thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN và Thụy Sỹ, chiếm 94,1% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính đều giảm trong khi giá tôm có xu hướng “lao dốc”. Biến động tỷ giá USD so với các tiền tệ khác đã tác động không nhỏ tới xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng qua.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều giảm, như sang Mỹ giảm 52,3%, Nhật Bản giảm 20,8%, EU giảm 13,8%. Đồng Yên mất giá so với USD trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản giảm mạnh. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn duy trì được vị trí thứ 2 về nhập khẩu tôm của Việt Nam.
VASEP dự báo, mùa thu hoạch tôm ở Ấn Độ hiện tại đã kết thúc trong khi các nước nhập khẩu đã vào mùa tiêu dùng. Với những lợi thế từ FTA đã ký, cộng với những cải thiện về chất lượng và khả năng kết quả cuối cùng của đợt xem xét thuế chống bán phá giá tôm công bố vào tháng 7 tói có thể thấp, tôm Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng so với nửa đầu năm nay.
Dự báo, cuối tháng 7 và đầu tháng 8, nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu có thể tăng từ 5-10%. Cuối tháng 7, nhu cầu tôm từ Mỹ cao hơn, cùng với yếu tố về nguồn cung và thuế chống bán phá giá, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong 6 tháng cuối năm dự kiến tăng so với đầu năm. Tuy nhiên mức tăng trưởng không cao do đồng USD vẫn cao và các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam phải cạnh tranh về giá trên thị trường này.
2. Tuy tình hình khó khăn nhưng trong khối EU, Anh được coi là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm nay, ngay cả trong thời điểm xuất khẩu tôm sang các thị trường khác có xu hướng giảm sút. Đứng thứ hai sau Đức về nhập khẩu nhập khẩu tôm của Việt Nam, Anh là thị trường duy nhất trong khối EU có tốc độ tăng trưởng dương (51%) trong 5 tháng đầu năm nay, trong khi nhiều thị trường lớn khác trong khối đều giảm nhập khẩu tôm từ Việt Nam, lần lượt là 9% đến 13%.
Theo thống kê của ngành Hải quan, tháng 5, xuất khẩu tôm sang Anh đạt 9,4 triệu USD, tăng 100% so với tháng 4. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 36,2 triệu USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong số các thị trường riêng lẻ nhập khẩu tôm của Việt Nam, mặc dù là thị trường nhỏ chỉ chiếm 3,5% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam nhưng xuất khẩu tôm sang Anh có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số tất cả các thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đứng thứ 4 về cung cấp tôm cho Anh, sau Bangladesh, Ấn Độ và Canada; chiếm 10% tổng nhập khẩu tôm của Anh. Các nước Đông Nam Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan là các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam ở thị trường Anh. Trên thị trường Anh, Việt Nam cạnh tranh về giá so với Ấn Độ do nhà cung cấp này có giá xuất khẩu thấp hơn. Tháng 4, giá xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh đạt 11,8 USD/kg trong khi Ấn Độ chỉ 10 USD/kg. Các nhà cung cấp còn lại đều có giá xuất khẩu cao hơn từ 1-5 USD/kg. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm nay, trong khi Anh nhập khẩu tôm từ Việt Nam tăng 16,8% thì nhập khẩu tôm từ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan lần lượt giảm 20%, 30% và 22%.
Đây được coi là dấu hiệu vui trong tình thế xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn, trong đó có con tôm.
Lẫn lộn tôm giống Dù rằng tôm giống quyết định 50% thành bại của nghề nuôi tôm nhưng đến nay một phần không nhỏ tôm giống trên thị trường có chất lượng không đảm bảo. Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay cả nước có hơn 1.400 trại sản xuất giống tôm sú và hơn 100 trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Trong đó, số lượng trại sản xuất tôm giống tại 3 tỉnh trọng điểm là Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận chiếm khoảng 40% số trại sản xuất giống tôm cả nước với tổng sản lượng tôm giống sản xuất khoảng trên 17 tỷ con. Tuy nhiên, hiện nay tôm sú bố mẹ dùng để sản xuất tôm giống có nguồn gốc chủ yếu được khai thác từ vùng biển Rạch Gốc tỉnh Cà Mau trong vùng nước gần bờ nên hệ số thành thục không cao. Phương pháp khai thác chủ yếu là giã cào làm tôm bị xây xát, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm và dễ dẫn đến nhiễm các loại bệnh. Phần lớn tôm bố mẹ khai thác không qua kiểm dịch, không xét nghiệm các bệnh nguy hiểm. Thời gian qua, một số doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu đã tự gia hóa đàn tôm bố mẹ; tuy nhiên đàn tôm được sử dụng để nuôi thành tôm bố bố mẹ không xác định được xuất xứ nhập từ đâu. Nguồn giống tôm sú bố mẹ được khai thác từ tự nhiên ngày càng khan hiếm và chất lượng ngày càng giảm. Một ví dụ cụ thể: Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, tỉnh này có hơn 390 cơ sở sản xuất và ương tôm giống, nhưng số cơ sở đầu tư mạnh về quy mô, đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh để có tôm giống chất lượng cao chỉ chiếm khoảng 20%. Thậm chí, có cơ sở gọi là công ty tôm giống nhưng chỉ đi thu mua tôm giống khắp nơi, sau đó đóng thùng với nhiều thương hiệu khác nhau để bán cho người nuôi tôm. T.Công |