3 tháng cuối năm: Chờ ‘sức rướn’ xuất khẩu

QUỐC ĐỊNH 09/10/2021 06:28

Ba tháng còn lại của năm 2021 giữa tác động nặng nề của dịch Covid-19 đang đòi hỏi “sức rướn” mạnh hơn nữa trong hoạt động xuất khẩu; để bù đắp những tổn thất của các tháng gần đây, cũng như giữ nhịp tăng trưởng cho cả năm 2021 và đảo chiều tình trạng chuyển đơn hàng sang quốc gia khác.

Giữ đơn hang lại trong nước

TS Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright) nhận định, nếu việc mở cửa trở lại không bền vững thì thách thức lớn cho hoạt động xuất khẩu trong quý 4/2021 chính là việc các tập đoàn đa quốc gia sẽ buộc phải chuyển đơn hàng sản xuất cho dịp lễ cuối năm từ Việt Nam sang các nền kinh tế khác.

Theo ông Thành, thời điểm này đang có cơ hội cao để phục vụ nhu cầu gia tăng mạnh trong dịp lễ cuối năm ở các thị trường Bắc Mỹ và EU. “Bây giờ là lúc để thực hiện các đơn hàng đó. Để “gỡ” thì chúng ta mở cửa lại kịp thời trong thời gian tới để có thể còn giữ lại được các đơn hàng phục vụ cho nhu cầu dịp lễ cuối năm nay ở các thị trường lớn” - ông Thành đánh giá.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu. Nhất là động lực phục hồi tăng trưởng toàn cầu nằm ở các gói kích thích kinh tế và nới lỏng giãn cách xã hội sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu mới, trong báo cáo mới đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp (DN) dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý 4/2021 khả quan hơn với 77,6% DN dự báo tăng và giữ nguyên so với quý 3/2021, trong khi chỉ có 22,4% DN dự báo giảm.

Trước vấn đề đơn hàng của một số nhãn hàng lớn chuyển sang các nền kinh tế khác, như chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), thực tế là họ đã chuyển đi và có thể còn tiếp tục chuyển nếu như việc khôi phục sản xuất ở trong nước chậm trễ. Bởi vì đang vào mùa chuẩn bị cho lễ hội Noel và dịp Tết - mùa mua sắm nhiều ở các nền kinh tế lớn.

Ông Lộc lưu ý, nếu các nhà xuất khẩu ở Việt Nam không cung cấp được cho nhu cầu đó thì rất có thể các nhãn hàng sẽ chuyển đơn hàng đi để chuẩn bị hàng hóa cho cuối năm nay và cho cả đầu năm tới. Và trên thực tế thì nhiều cơ hội về xuất khẩu cũng đã vuột mất. Không những vậy, trong 3 tháng cuối năm nay cũng là thời điểm để các nhà xuất khẩu của Việt Nam tính đến kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2022, nhất là phải ký những đơn hàng mới. Thế nhưng, nếu chúng ta chưa ra khỏi dịch bệnh, chưa hoàn toàn mở cửa lại nền kinh tế thì sẽ khó cho DN trong việc tiếp nhận những đơn hàng mới.

Kỳ vọng ở chính sách mở cửa

Những thách thức lớn cho hoạt động xuất khẩu trong 3 tháng cuối năm nay có thể nhìn thấy rõ từ hai mảng xuất khẩu chủ lực là dệt may và da giày. Với ngành dệt may, theo dự báo 3 tháng cuối năm nay sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn để có thể đạt mục tiêu xuất khẩu cho năm 2021 là 39 tỷ USD. Thay vào đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu dệt may cho năm nay có thể ở mức 33,5 - 36,5 tỷ USD.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hiện tại đơn hàng dệt may đã rút khỏi thị trường Việt Nam khoảng 30-34%. Trong khi tỷ lệ đơn hàng các DN phía Bắc hỗ trợ DN phía Nam chỉ đạt khoảng 10%. Để khôi phục lại cũng mất từ 6 tháng đến 1 năm.

Còn với mảng da giày, tỷ lệ đơn hàng rút khỏi Việt Nam hồi tháng 8/2021 vào khoảng 20%. Đến tháng 9/2021 đã tăng lên 40-50%. Giới chuyên gia cho biết, nhiều nhãn hàng nổi tiếng đã rời khỏi Việt Nam để sang Trung Quốc, Indonesia…Đơn hàng của ngành da giày từ lúc đàm phán đến lúc ký kết khoảng 6 tháng. Như vậy, rất có thể cần 6 tháng nữa các đơn hàng này mới có thể quay trở lại Việt Nam.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong các tháng gần đây đã làm giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu da giày ở một số địa phương vốn có thế mạnh về mảng này. Tại tỉnh Đồng Nai, trong tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu giày dép ước đạt 46,8 triệu USD, giảm đến 86,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức sụt giảm nghiêm trọng nhất trong nhiều năm nay.

Còn tính chung cả nước, trong quý 3/2021, xuất khẩu giày dép đã sụt giảm đến 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu tính cho cả 9 tháng đầu năm nay thì vẫn đang ở mức tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2020. Chính vì vậy, các DN sản xuất da giày đang mong khôi phục sản xuất từng ngày để hoạt động xuất khẩu trong 3 tháng cuối năm có thể bù đắp những tổn thất trong quý 3/2021, cũng như mong mỏi có thể duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu da giày cho cả năm nay.

Ngoài những thách thức đối với xuất khẩu dệt may, da giày, giới chuyên gia cho rằng trước nỗi ám ảnh đơn hàng chuyển đi ở một số lĩnh vực xuất khẩu, điều cần làm trong lúc này là nên có những điều chỉnh về mặt chính sách phù hợp hơn cho việc mở cửa trở lại thì hy vọng sẽ đảo chiều trong chuyện này.

Dù xuất khẩu trong 3 tháng gần đây nhất đã “trầy da, tróc vảy” do dịch bệnh Covid-19 nhưng trên bình diện chung kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn có điểm sáng: Tính chung 9 tháng đầu năm 2021 là 18,8%, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ tăng trưởng ở mức 7 - 10%. Đó chính là động lực để hoạt động xuất khẩu tăng thêm “sức rướn” nhằm giữ đà tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    3 tháng cuối năm: Chờ ‘sức rướn’ xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO