Ai là bệnh nhân của bác sĩ, nhà thơ Hồ Khải Hoàn giơ tay lên nào

Y BAN 14/12/2021 17:00

Những ngày giãn cách nhiều lo âu suy nghĩ đã đành, bỗng đâu trên chóp mũi của tôi mọc ta cái mụn nước tròn bóng đỏ chon chót.

Bác sĩ, nhà thơ Hồ Khải Hoàn.

Nó chẳng đau đớn sờ vào nhun nhũn, thôi thì hàng mớ ý nghĩ tiêu cực cứ hàng ngày nhảy ra: Ung thư chứ chả? Viêm nhiễm thì phải sưng tấy và đau đớn chứ? Ôi giời mới có nhõn sáu chục xuân xanh còn bao ước mơ dang dở. Hàng tháng trời cái mụn nước “tòn tòn” ấy có vẻ như ngự trị bền vững trên đỉnh mũi, mỗi lần soi gương chỉ muốn cầm cái kéo cắt luôn cả cái mũi. Bình tĩnh, bình tĩnh vẫn còn sự trợ giúp cơ mà.

- Alo Hoàn ơi, giúp tớ.

- Chụp ảnh gửi qua Zalo cho tớ.

- Bạn uống thuốc gì chưa?

- Chưa.

- Tớ kê đơn cho cậu nhé? Uống theo đơn, một tuần sau không xẹp thì vào bệnh viện tớ nhờ bác sĩ bên khoa Ngoại chích cho. Yên tâm đi không phải ung thư đâu.

Một tuần uống kháng sinh cái mụn vẫn hiên ngang đỉnh mũi. Thì vào viện. Hồ Khải Hoàn mời trà nước như khách quý trong phòng riêng của Phó trưởng khoa Đái tháo đường Bệnh viện Nội tiết Trung ương rồi thì mới đưa sang khoa Ngoại. Trực tiếp Tiến sĩ, bác sĩ trưởng khoa Ngoại khám cho:

- Chưa chích được đâu, ổ viêm trên nền sụn mũi, chích giờ cũng chỉ toàn là máu, rồi thì lở toét ra hỏng luôn cả cái mũi. Bác sĩ Hoàn cho chị ấy uống loại kháng sinh nào rồi?

Tôi chìa đơn thuốc bác sĩ Hồ Khải Hoàn đã kê cho. Bác sĩ Trực kê thêm một loại kháng sinh nữa:

- Uống kết hợp hai loại kháng sinh là mệt lắm nhé, chị uống nhiều nước và nước hoa quả nhé. Uống hết đơn thuốc thì đến khám lại.

Y lệnh bác sĩ uống hết một bơ thuốc và một yến cam vắt mà “con giời” vẫn đỏ chót tròn vo trên đỉnh mũi. Vào viện tiếp, Hồ Khải Hoàn dắt sang khoa Tế bào kéo một bác sĩ trẻ:

- Cháu giúp chú cái, đây là cô nhà văn Y Ban bạn chú. Cháu hút dịch ở cái nhọt này ra rồi soi tế bào cho chú.

Kim đâm vào chỉ hơi nhói. Ngồi chờ. Hồ Khải Hoàn đứng chờ cùng bên cạnh.

-Chú Hoàn ơi… - Cô kỹ thuật viên gọi - Chú vào nhìn này, chỉ có xác các tế bào bạch cầu thôi.

- Ôi vậy à, yên tâm rồi. Chú cảm ơn mấy đứa nhé. Xong rồi đi về phòng tớ.

Xong một chầu nước Hồ Khải Hoàn tặng cho mấy gói trà cung đình kèm một lọ Betadine rồi dặn dò:

- Yên tâm nhé, không phải ung thư đâu. Về nhà, cậu nhớ bôi Betadine ngày hai bận, cẩn thận chỗ chọc lấy dịch nhiễm trùng lại sưng tấy lên đấy. Nếu không xẹp thì có nhẽ phải chuyển sang điều trị bằng Laser để bảo tồn cái mũi đẹp của cậu.

- Dào ơi giờ chỉ muốn cái mụn biến đi thôi, xấu cũng được.

Về nhà bôi Betadine theo lời bác sĩ dặn. Kỳ lạ 1 tuần sau thì cái nhọt xẹp không để lại một di chứng nào, cũng không hề có sờn da chốc vảy, lại càng không có đám da nâu xỉn do dùng nhiều Betadine. Vui quá chụp ảnh gửi cho Hồ Khải Hoàn. Hoàn cũng vui cười hề hề bảo, tớ là bác sĩ mát tay mà.

Đây không phải là kỷ niệm đầu tiên giữa bác sĩ Hồ Khải Hoàn với tôi mà quá tam bốn bận rồi. Mà không chỉ có tôi, vài chục bạn văn thơ đều qua tay bác sĩ - nhà thơ Hồ Khải Hoàn khám chữa bệnh đái tháo đường, nếu không phải chuyên môn của anh thì sẽ nhờ đồng nghiệp.

Bác sĩ, nhà thơ Hồ Khải Hoàn (bên trái) và nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Hơn 30 năm hành nghề y nhưng sự nhiệt tình tươi mới với bệnh nhân của bác sĩ Hồ Khải Hoàn không hề vơi đi. Anh chưa bao giờ tỏ vẻ khó chịu khi giúp bạn bè, lúc nào cũng một nụ cười chúm chím hơi điệu.

Tôi chơi với bác sĩ Hồ Khải Hoàn có lẽ hai chục năm có lẻ nên biết nhiều “thâm cung bí sử” của nhà thơ. Năm 2011 Hồ Khải Hoàn đã tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Ở vòng hiệp thương thứ nhất là tổ dân phố nơi Hồ Khải Hoàn sinh sống anh đạt 100% số phiếu. Vòng hiệp thương thứ hai là bệnh viện nơi anh công tác, anh cũng đạt 71% số phiếu. Nhiều bác sĩ trẻ hỏi anh:

- Nếu trúng là đại biểu Quốc hội anh sẽ…?

- Anh sẽ nói tiếng nói của một bác sĩ để cho mọi người dân hiểu rõ hơn về ngành của chúng ta và sẽ chỉ ra những điều còn bất cập của ngành.

Nhà thơ Hồ Khải Hoàn dừng lại ở vòng hiệp thương thứ hai sau khi có một báo cáo lên rằng anh đã không thực hiện lệnh điều động. Vụ điều động đó tôi có biết, khi ấy chính tôi đã khuyên Hồ Khải Hoàn đừng nhận.

- Y Ban ơi tớ muốn hỏi cậu một việc này, các sếp điều tớ sang làm Thư ký tòa soạn của tạp chí Nội tiết, theo cậu tớ có nên nhận không?

- Không, tớ thích bạn làm bác sĩ hơn, bệnh nhân đái tháo đường cần một ông bác sĩ Hồ Khải Hoàn hơn. Nếu cậu muốn viết báo vẫn viết được mà. Đừng nhé, hãy cứ làm nghề của bạn.

Hồ Khải Hoàn đã sản xuất album đầu tay với tựa đề: “Hồ Khải Hoàn và những bản tình ca”. Nhạc sĩ viết lời tựa cho album: “Hơn 100 ca khúc, tôi chọn thu âm 10 bài đưa vào album này... Không hề tự xưng mình là nhạc sĩ, tôi chỉ là nhà thơ sáng tác ca khúc. Các nhạc sĩ thường bắt đầu từ nhạc công có tố chất sáng tác, như: Phú Quang, Trọng Đài, Doãn Nguyên... Hay bắt đầu từ ca sĩ, chẳng hạn: Phạm Duy, Trần Tiến... Còn lại từ các nhà thơ, đó là: Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trọng Tạo... Một số nữa có xuất xứ khác, tôi không rõ lắm. Các nhà thơ trở thành nhạc sĩ đa số tự học, không được đào tạo tại một trường nhạc nào. Chắc chắn họ phải biết nhạc lý và chơi một nhạc cụ gì đó”.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát bác sĩ, nhà thơ-nhạc sĩ Hồ Khải Hoàn có ngay một ca khúc “Chống giặc Corona như chống giặc ngoại xâm”. Bài hát đã phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam: “Còn cuộc sống là còn tình yêu. Còn niềm tin là còn hy vọng. Thì em ơi... hãy vững tâm em nhé. Chống giặc Corona như chống giặc ngoại xâm”.

Tôi đã được nghe ca khúc này trong quán cà phê ở TP Hồ Chí Minh, do một ca sĩ nghiệp dư ôm đàn guitar và hát.

Là con trai của nhà thơ Hồ Khải Đại, nên bác sĩ Hồ Khải Hoàn nối nghiệp cha cũng làm thơ. Từ khi còn rất trẻ anh đã viết thơ, năm 1995 anh xuất bản tập thơ đầu tay: “Thơ tình lãng tử”; năm 2002 in tập “Mặt trời lãng tử” (in chung hai cha con); năm 2007 in “Ly cà phê mùa thu”; năm 2018 in “Bên gốc sấu xanh rêu”...

Thơ Hồ Khải Hoàn không chỉ là một khoảnh khắc lãng mạn hoặc đau buồn được chưng cất lên mà là cả một câu chuyện được gói trong ngôn từ đẹp: “Có một người đàn bà/ chiều nay trở về khu vườn cũ/ con đường xưa lầm lụi nắng và mưa/ gã tình nhân đã ôm một người đàn bà khác… tiếng mọt hoang gặm nhấm chiều buồn/ chiếc máy tính chơi game ai xếp vào góc tối/có còn không một chút vấn vương (Có một người đàn bà).

Và sự chiêm nghiệm: “Lội giữa đường đời, áo giấy lẫn ma trơi/ Con kiến oằn lưng, con cua cháy nắng/ Nhỏ bé những gì cháu đều nhìn thấy/ Cái nhỏ nhen của con người chẳng dễ nhận ra đâu” (Nhỏ nhen).

Thực ra trong sâu thẳm Hồ Khải Hoàn rất hóm hỉnh và có con mắt nhìn ra bản chất sự vật con người của một nhà văn hơn là sự lãng đãng khói sương của một nhà thơ vì thế anh đã chuyển sang viết tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên “Nửa dưới” đang được anh hoàn thiện và có lẽ sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới.

Chúng ta hãy cùng chờ đón và chúc mừng ông nhà thơ - bác sĩ mát tay này nhé.

15/11/2021

box

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát bác sĩ, nhà thơ-nhạc sĩ Hồ Khải Hoàn có ngay một ca khúc “Chống giặc Corona như chống giặc ngoại xâm”. Bài hát đã phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam: “Còn cuộc sống là còn tình yêu. Còn niềm tin là còn hy vọng. Thì em ơi... hãy vững tâm em nhé. Chống giặc Corona như chống giặc ngoại xâm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai là bệnh nhân của bác sĩ, nhà thơ Hồ Khải Hoàn giơ tay lên nào

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO