Ám ảnh bạo lực học đường

Mai Linh 02/07/2017 08:00

Tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt đối với học sinh nữ ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhức nhối khi gần đây liên tục xảy ra các vụ học sinh nữ đánh nhau với nhiều clip bị đưa lên mạng, trở thành nỗi ám ảnh của xã hội. Phần lớn các vụ bạo lực học đường thường chỉ bị phát hiện, xử lý khi các clip phát tán trên mạng xã hội.

Tranh minh họa.

Liên tiếp các vụ việc đau lòng

Thời gian gần đây những clip nữ học sinh đánh nhau dã man được tung lên mạng với tần suất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, khiến dư luận thêm phần lo lắng. Gần đây nhất có thể kể đến là vụ việc đau lòng xảy ra đối với nữ sinh T.N.N.Q. (16 tuổi, khu phố 2, phường Đông Lễ, TP Đông Hà, Quảng Trị, vừa học xong lớp 9, Trường THCS Phan Đình Phùng) bị đánh hội đồng đến ngất xỉu và để lại nhiều thương tích, thủng màng nhĩ.

Ngày 29/6, UBND tỉnh Quảng Trị đã làm việc với UBND TP Đông Hà về việc này. Theo Trung tá Lê Phi Hùng-Trưởng Công an TP Đông Hà, kết quả điều tra cho thấy, do có mâu thuẫn trên mạng xã hội với Đào Thị Chung (16 tuổi, đã bỏ học) nên Q. hẹn Chung đến nhà riêng nói chuyện. Vì thế , sáng 16/6, Chung cùng 10 bạn khác đến nhà Q. Tại đây, Chung, Lụa, Phương Anh, Ngọc Linh liên tiếp đánh Q..

Trung tá Hùng cho biết, cũng vì mâu thuẫn trên mạng xã hội, khoảng 15h chiều cùng ngày có 3 nữ sinh gồm Trương Thị Phương Linh (15 tuổi, vừa xong lớp 9, Trường Trưng Vương), Trần Thảo Nhiên (15 tuổi, vừa xong lớp 9 Trường Trưng Vương), Trịnh Nguyễn Thu Uyên (15 tuổi, vừa xong lớp 9 Trường THCS Nguyễn Trãi) tìm đến nhà Q. nói chuyện. Trên đường đi, cả 3 gặp nhóm lúc sáng đánh Q. nên nhập đoàn đi với nhau. Cả nhóm ép nên Q. phải rời nhà đi lên khu vực rừng thông (gần hồ Khe Mây, phường 3, TP Đông Hà).

Tại đây, Chung, Lụa, Thảo Nhiên, Phương Linh, Ngọc Châu, Phương Anh, Thu Uyên, Phương Nguyên đã đánh Q. đến ngất xỉu. Sau đó, cả nhóm buộc Q. phải quỳ xin lỗi mới được tha. Công an TP Đông Hà xác định hành vi của các em học sinh trực tiếp đánh em Q. có dấu hiệu tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điều 104, Bộ luật Hình sự. Khi xác định được tỷ lệ thương tật công an sẽ có kết luận về hình thức xử lý.

Trung tá Hùng cũng phân tích, nguyên do sâu xa dẫn đến vụ việc trên do sự thiếu nhận thức và xem thường pháp luật, xuống cấp về lối sống, tha hóa về đạo đức của nhóm học sinh đánh em Q.. Đồng thời, do sự buông lỏng quản lý giáo dục của gia đình đối với con em mình, cũng như sự thiếu quan tâm quản lý của nhà trường và các cơ quan đoàn thể đối với trẻ em nói chung.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Đông Hà Nguyễn Tăng cho hay, hành vi của các em rất hung hãn, mang tính côn đồ nên phải xử lý nghiêm, nhiều người không dám xem hết clip vì các em đánh quá hung bạo, dùng cả mũ bảo hiểm để đánh.

Trước đó, ngày 8/6, thông tin từ Công an xã Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị này đang triệu tập những đối tượng liên quan đến vụ việc một nhóm nữ sinh đánh nhau xảy ra vào ngày 6/6 tại đường 29 thuộc chợ Mới của Cẩm Thịnh.Theo đó, tối ngày 7/6, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip đánh nhau giữa các nữ sinh. Đoạn clip có độ dài gần 2 phút ghi lại cảnh một nữ sinh mặc áo trắng bị một nhóm người túm tóc, đấm, tát liên tục vào mặt và người.

Ông Trần Văn Tuấn- Trưởng Công an xã Cẩm Thịnh cho biết, người bị đánh là em Trần Thị Mỹ Lan ( trú tại xã Cẩm Thịnh) hiện đang học sinh lớp 9, Trường THCS Cẩm Thịnh. Còn em túm tóc em Lan là em Bùi Thanh Hằng (15 tuổi, trú tại xã Cẩm Phúc), em Hằng đã nghỉ học.

“Tại buổi làm việc, em Lan cho biết, vào chiều ngày 6-6 em nhận được một cuộc gọi từ chị Bùi Thanh Hằng ra tại chợ Mới của xã Cẩm Thịnh để nói chuyện. Khi em ra đến nơi bị mấy chị lại túm tóc rồi đánh”, ông Tuấn cho biết.

Cũng có thể nói thêm, cuối tháng 4 vừa qua, em Th., học sinh lớp 6, Trường THCS Ngô Chí Quốc, quận Thủ Đức, TP HCM bị hai bạn gái cùng trường đánh hội đồng. Th. đã rút dao rọc giấy ra dọa nhưng vẫn bị nhóm bạn tấn công. Trong lúc giằng co, Th. đã dùng dao chống cự làm hai nữ sinh nói trên bị thương, cả hai phải nhập viện cấp cứu, khiến những bạn chứng kiến hoảng loạn.

Lối thoát nào?

Chỉ vì những giận dỗi, bức xúc, lời nói làm phật lòng nhau qua lại trên mạng xã hội mà một số học sinh nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến thách thức, hẹn gặp nhau để “giải quyết ” rồi quay phim tung lên mạng… Sau khi các vụ việc xảy ra, phụ huynh, giáo viên, quản lý các trường đều bất ngờ.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, các em vi phạm phải xử lý nghiêm khắc nhưng cũng phải tạo cho các em một cơ hội nào đó để sửa chữa. Riêng việc xử lý kỷ luật các em rất khó vì các học sinh này đang trong giai đoạn nghỉ hè, đã giao cho địa phương quản lý, không thuộc trường quản lý.

“Phương án hạ hạnh kiểm của một số người đưa ra không khả thi vì các em đã tốt nghiệp, hồ sơ đã hoàn thành”, bà Thủy nói.

Ông Đoàn Minh Phong- Trưởng phòng văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng vụ việc này cho thấy tình hình đáng lo ngại về bạo lực học đường. Các em còn nhỏ nhưng hành động rất côn đồ.

“Với sự bùng nổ của mạng xã hội như hiện nay thì không thể nào cấm học sinh dùng facebook được. Vì vậy, giáo viên cần kết bạn facebook với học sinh để nắm được tâm tư, tình cảm của các em và kịp thời điều chỉnh”- ông Phong nói.

Đúng như nhận định của ông Đoàn Minh Phong, các em học sinh ở tuổi nông nổi, khó kìm nén cảm xúc nhưng có lẽ không thể đổ lỗi cho sự phát triển của công nghệ gồm điện thoại thông minh và Facebook. “Chúng ta không thể kìm hãm sự phát triển, càng không thể kiểm soát suy nghĩ của học sinh, nhưng điều chúng ta cần làm và có thể làm được giúp học sinh tận dụng Facebook để trao đổi bài vở, kinh nghiệm học tập, đồng thời cư xử văn minh và hòa nhã”- cô giáo Lại Nguyệt Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) chia sẻ.

Phân tích về các vụ bạo lực học đường hiện nay, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng con người mất dần nhân tính. Đắng lòng hơn khi nó lại bùng lên mạnh mẽ trong nữ sinh.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng đừng quy trách nhiệm cho nhà trường phải giáo dục trẻ nên người! Đừng đổ lỗi cho xã hội với những thói hư tật xấu lôi kéo trẻ! Trách nhiệm dạy dỗ, uốn nắn con cái trước hết là của gia đình. Phụ huynh cần dõi theo từng hành động của trẻ, phát hiện kịp thời những biến chuyển tâm lý, hành vi lệch lạc để định hướng đúng đắn.

Xử lý các vụ bạo lực học đường, hiện nay hầu hết chỉ dừng ở việc tổ chức hòa giải, kỷ luật cảnh cáo hay đình chỉ việc học tập, theo các chuyên gia việc này mới chỉ giải quyết phần ngọn. Trước thực trạng này, hầu hết các chuyên gia giáo dục đều cho rằng ngăn chặn bạo lực trong học sinh chính là vai trò của giáo dục đạo đức. Đó chính là nâng cao vị thế, vai trò của bộ môn Giáo dục công dân. Việc Bộ GD&ĐT đưa môn Giáo dục công dân vào bài thi tổ hợp các môn Khoa học xã hội cho thấy biến chuyển lớn trong việc quan tâm dạy người song song với dạy chữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ám ảnh bạo lực học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO