An toàn trường học: Vẫn cần báo động

Nhóm Phóng viên 12/09/2020 14:00

Năm học mới vừa bắt đầu, nhưng ngay trong ngày đầu tiên đi học sau khai giảng (7/9), đã xảy ra vụ tai nạn khiến 3 học sinh tử vong tại chỗ.

Hiện trường vụ tai nạn sập cổng trường ở Lào Cai khiến 3 học sinh tử vong hôm 7/9/2020.

Năm học mới vừa bắt đầu, nhưng ngay trong ngày đầu tiên đi học sau khai giảng (7/9), đã xảy ra vụ tai nạn khiến 3 học sinh tử vong tại chỗ. Câu chuyện đau lòng này đáng buồn hơn khi xảy ra ngay trước cổng trường tại phân hiệu Bản Phung, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai). Theo thông tin ban đầu, trong lúc chờ vào học buổi chiều, một nhóm học sinh tiểu học và mầm non rủ nhau chơi trò đu cánh cổng. Do đông học sinh đu bám, nên trụ cổng và cánh cổng bị đổ sập, đè lên người 6 học sinh, khiến 3 học sinh tử vong tại chỗ (2 cháu sinh năm 2014 là học sinh tiểu học, 1 cháu sinh năm 2015 là học sinh mầm non) và 3 học sinh khác bị thương.

Sự việc này lập tức gây rúng động dư luận. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các cháu bị nạn và thăm hỏi gia đình các cháu bị thương đang được chữa trị. Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung chữa trị tích cực, kịp thời cho các cháu học sinh bị thương; chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra rà soát cơ sở vật chất, trường lớp học nhất là trong mùa mưa bão, bảo đảm an toàn cho học sinh ngay từ đầu năm học 2020-2021.

Câu chuyện này cho thấy dường như ngành GD-ĐT vẫn chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí có lỗ hổng trong việc đảm bảo an toàn trường học. Chúng ta còn nhớ, chỉ mấy tháng trước, câu chuyện cây phượng đổ làm chết một học sinh ở Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM sau đó ngành Giáo dục mới vào cuộc, chỉ đạo quan tâm đến hệ thống cây cối trong phạm vi trường học. Đến câu chuyện đổ cổng trường khiến 3 học sinh tử vong lần này, cho thấy cần có sự quan tâm, sát sao hơn nữa, một cách toàn diện trong tất cả các hạng mục tồn tại trong môi trường học đường.

Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về chất lượng xây dựng của các hạng mục trong trường học, mà ở đây cụ thể là các trụ cổng trường. Quan sát địa thế dựng cổng trường vừa đổ, người ta thấy nó không chỉ được xây trên một thế đất dốc, mà còn xây bằng vật liệu chưa đảm bảo độ bền, chắc, thậm chí trụ cổng không có cột sắt. Sau khi xảy ra vụ sập cổng trường ở huyện Văn Bàn, UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương tiến hành tổng kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường học trong đó tập trung vào các hạng mục như cổng trường, hàng rào không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn. Trong đó yêu cầu các huyện, thị xã, TP Lào Cai kiểm tra tất cả đối với các công trình đã xây dựng, đưa vào sử dụng và đang xây dựng.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra, Lào Cai chỉ là một tỉnh miền núi, còn rất nhiều tỉnh miền núi khác mà các trường được xây dựng trên những địa thế cheo leo. Song, đâu chỉ ở vùng cao, tai nạn có thể ập đến ở bất cứ ngôi trường nào, ngay cả ở những trường học trong thành phố. Tai nạn với học sinh muôn hình vạn trạng, chính vì thế, ngành Giáo dục cần có cuộc tổng kiểm tra, rà soát. Chứ không thể “mất bò mới lo làm chuồng”. Cứ khi ở đâu đó xảy ra vụ tai nạn thì mới ra văn bản, yêu cầu rà soát.

Tất nhiên, về mặt quy định, việc để xảy ra tai nạn trong trường học thì hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm. Chính vì thế, từ vụ việc này, cũng như trước đó là vụ cây đỗ khiến học sinh thương vong, đòi hỏi các trường học triển khai nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn cơ sở vật chất trường học; tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng các trường học; kiểm tra việc cải tạo các công trình trường học đã xuống cấp.

Cũng có ý kiến cho rằng, cần phải rút kinh nghiệm sau “phong trào” chặt hạ, cắt tỉa cây xanh trong trường học như hồi tháng 6 vừa qua. Không nên nhân có chuyện sập cổng trường mà các trường lại đua nhau huy động tiền của xây lại cổng trường, tường bao… Cần thực hiện kiểm tra rà soát bằng trái tim của nhà giáo. Có như vậy, an toàn trường học mới thực sự thấu đáo, để trường học là nơi an toàn cho trẻ tới trường…

Ngày 8/9, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các UBND tỉnh, thành phố đề nghị rà soát, kiểm tra, bảo trì cơ sở vật chất trường học sau khi xảy ra các sự cố gây thương vong cho học sinh.

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương tiến hành ngay việc đánh giá chất lượng các công trình trong nhà trường, nhất là trong mùa mưa bão, lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.

“Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp” - văn bản nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An toàn trường học: Vẫn cần báo động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO