Bài 2 - Những 'người lính' thầm lặng nơi tuyến đầu

QUỐC ĐỊNH 28/12/2021 11:00

Hàng ngàn chiến sĩ tình nguyện là các y, bác sĩ, giảng viên, sinh viên (SV) các trường cao đẳng, đại học ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước như, Hà Nội, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Lâm Đồng, Hải Phòng, Hải Dương, … với trái tim yêu thương, đã đến tiếp sức cho Bình Dương để nhanh chóng đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.

Tình nguyện lên đường

Một chiều mưa đầu tháng 7, những chiếc xe buýt đón đoàn cán bộ, SV trường Đại học Y Hà Nội vào chi viện cho Bình Dương chống dịch.

Ngay sau khi đặt chân đến Bình Dương, 350 thành viên của đoàn chia ra nhiều đội, nhóm hỗ trợ tuyến tỉnh và các thị xã, thành phố phòng, chống dịch tại các điểm nóng dịch bệnh. Theo đó, 25 SV tình nguyện hỗ trợ phòng, chống dịch ở TP.Thủ Dầu Một, 24 cán bộ và SV hỗ trợ TX.Tân Uyên, 24 tình nguyện viên hỗ trợ TX.Bến Cát..., các thành viên còn lại thực hiện nhiệm vụ do ngành y tế địa phương phân công.

Sinh viên Đại học Y Hà Nội với tờ “Đơn xin tình” nguyện sẵn sàng nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh Bình Dương.
Sinh viên Đại học Y Hà Nội với tờ “Đơn xin tình nguyện" sẵn sàng nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh Bình Dương.

GS-TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, trong số cán bộ, học viên của Trường gồm 11 giảng viên chuyên ngành hồi sức cấp cứu, nội khoa, nhi khoa, kỹ thuật y học, điều dưỡng; 339 sinh viên năm cuối thuộc các hệ bác sĩ y khoa, cử nhân điều dưỡng, y tế công cộng, y học cổ truyền.

Đặc biệt, trong số này có 30 SV hệ y học dự phòng từng tham gia chống dịch ở Bắc Ninh vừa hết cách ly cũng tình nguyện lên đường.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, các tình nguyện viên trường Đại học Y Hà Nội đã bắt tay vào việc hỗ trợ, khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm và truy vết các F1, F2... Giảng viên Dương Công Thành, hỗ trợ tại TX.Tân Uyên, chia sẻ: "Trong những ngày làm việc tại đây, chúng tôi tham gia lấy mẫu sàng lọc Covid-19. Các tình nguyện viên và lực lượng địa phương đều rất thân ái, đoàn kết và giúp đỡ nhau. Điều đó làm chúng tôi cảm thấy vui hơn, luôn nêu cao tinh thần tình nguyện để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh”.

Tiếp nối nghĩa cử cao đẹp trên, tỉnh Quảng Trị cũng đã tổ chức tiễn lực lượng y tế tình nguyện gồm 35 lên đường hỗ trợ tỉnh Bình Dương phòng chống dịch Covid-19.

Tình nguyện viên Đào Thu Ngọc cho biết: "Nhằm chia sẻ vất vả của các y, bác sĩ căng mình chống dịch, nên tôi đã đăng ký tình nguyện vào Bình Dương để cùng đồng nghiệp trong phòng chống dịch. Đồng thời, tham gia xét nghiệm và hỗ trợ đưa công dân Quảng Trị đang lao động tại đây trở về quê".

Theo Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, đội hình các thầy thuốc trẻ, các y bác sĩ của Quảng Trị đã viết đơn tình nguyện góp sức trẻ, với kiến thức chuyên môn góp phần nhỏ chi viện cho tỉnh bạn trong tình hình khó khăn về nhân lực, vật lực để chống lại đại dịch Covid-19.

Các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân trong khu ICU tại Bình Dương.
Các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân trong khu ICU tại Bình Dương.

Giành giật sự sống cho từng người bệnh

Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bình Dương được trưng dụng trở thành khu điều trị Hồi sức tích cực (ICU) - nơi đang điều trị hàng trăm bệnh nhân. Tại đây có các phòng điều trị, tuy chỉ cách nhau một dãy hành lang, nhưng chỉ cần bước qua “con đường ranh giới” đó sẽ tới căn phòng điều trị số 4 – nơi các bác sĩ đang cố gắng chiến đấu với tử thần, giành giật lại sự sống cho từng bệnh nhân.

Một bệnh nhân tại phòng điều trị số 3 thều thào nói: “Cho tôi chai nước”. BS. Nguyễn Thị Kim Thành, Trưởng ca trực, từ từ dìu bệnh nhân ngồi dậy uống nước, khuôn mặt bệnh nhân hơi nhăn nhó có lẽ vì việc ngồi lên nằm xuống với chị khá khó khăn khi trong mình đang nhiễm Covid-19.

Mở chiếc mặt nạ oxy ra uống vội vài hớp nước, bệnh nhân nhanh chóng đưa chiếc mặt nạ oxy lên miệng rồi dựa vào thành giường nghỉ ngơi.

Một bệnh nhân khác cầm chiếc quạt trên tay, phe phẩy xua tan đi cái oi bức do thời tiết thất thường lúc nắng lúc mưa ở Bình Dương rồi tâm sự: “Chỉ mong sao các bác sĩ sớm chữa cho tôi khỏi bệnh, ở đây có mấy bữa mà chứng kiến cảnh nhiều người phải chuyển qua phòng bên kia trong trạng thái hôn mê tôi sợ lắm, nhiều đêm không ngủ được. Bệnh này nó diễn biến nhanh ghê, các cô chú cũng phải cẩn thận đó”.

Phía bên kia, tiếng máy móc đang hoạt động hết công suất bao trùm lên không gian trong phòng điều trị số 4 - nơi những bệnh nhân nặng đang nằm trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

Bên trong, một tốp các y bác sĩ đang tập trung quanh giường bệnh của bệnh nhi 11 tuổi nhiễm Covid-19 với bệnh lý nền suy thận mạn. Người cầm khăn lau từng bộ phận, kẽ chân, kẽ tay cho bệnh nhân, người xoay bệnh nhân thay đổi tư thế cho đỡ mỏi khi phải nằm lâu một chỗ, một bác sĩ khác đang phối hợp cùng đồng nghiệp tiến hành các bước để cai máy thở cho bệnh nhân.

Ở cuối giường, một bác sĩ đang đứng trước chiếc khay với hàng chục lọ thuốc, nhanh tay bơm thuốc vào chiếc ống truyền dịch cho bệnh nhi.

Đa phần những bệnh nhân nằm ở phòng điều trị số 4 đều trong trạng thái hôn mê đang phải thở máy. Ở đây, từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân… cho đến công tác chuyên môn khám chữa bệnh cho từng bệnh nhân đều được các y bác sĩ đảm nhiệm.

Tiến về phía chiếc giường nơi có một bệnh nhi chỉ mới 4 tháng tuổi, điều dưỡng Lài vừa cầm chiếc bình bú nhỏ xíu vừa dỗ dành: “Ngoan nào, cố lên con”. Vì lượng đờm trong cơ thể còn nhiều, bệnh nhi bú được chút lại ho, điều dưỡng Lài nhanh chóng xoay lưng bệnh nhi rồi “vỗ ợ”. Cứ cần mẫn như vậy tới khi bệnh nhi hết bình sữa, điều dưỡng Lài mới thở phào nhẹ nhõm.

Nhìn hình ảnh cậu bé mới chỉ 4 tháng tuổi không người thân bên cạnh, trên người đầy những vết bầm, dây chuyền, ống cắm chằng chịt, chắc hẳn bất kỳ ai cũng không khỏi chạnh lòng.

Điều dưỡng Lài tranh thủ vừa dọn dẹp quanh giường bệnh nhân vừa tâm sự: “Thương lắm, em bé dương tính, khi nhập viện trên người nhiều vết bầm, lại không đáp ứng với thuốc điều trị, tiên lượng nặng, việc uống sữa hàng ngày cũng gặp nhiều khó khăn. Tôi thay mẹ bé làm hết mọi việc từ bỉm, sữa đến thay tã hay vệ sinh cho bé, lúc này tôi không chỉ là bác sĩ mà còn phải tận tâm chăm sóc như con của mình vậy”.

Ngày đầu ở bệnh viện dã chiến

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, liên tục ghi nhận ca mắc Covid-19, tỉnh Bình Dương đã trưng dụng khu nhà xưởng của một doanh nghiệp và một khu trong khuôn viên Đại học Việt Đức làm bệnh viện dã chiến với quy mô hơn 8.300 giường bệnh.

Mặc dù chỉ được xây dựng trong thời gian gấp rút nhưng cả 2 bệnh viện dã chiến trên vẫn có đủ các khu vực riêng biệt như: khu điều hành, hành chính; khu tiếp đón và phân loại người bệnh; khu chẩn đoán hình ảnh; khu xét nghiệm; khu hồi sức cấp cứu.

Tình nguyện viên, phục vụ bệnh nhân tại Khu điều trị dã chiến Thới Hòa, TX.Bến Cát.
Tình nguyện viên, phục vụ bệnh nhân tại Khu điều trị dã chiến Thới Hòa, TX.Bến Cát.

Ngoài ra còn có khu chăm sóc, điều trị người bệnh ở mức độ nhẹ, trung bình; khu cách ly chờ ra viện; khu dược, cấp phát thuốc, vật tư, hóa chất; khu đồ vải và dụng cụ y tế; khu nhà ăn; khu nghỉ ngơi cho người phục vụ; khu lưu giữ, bảo quản tử thi; khu kiểm soát nhiễm khuẩn...

Các khu vực nhà vệ sinh, nhà tắm, khu vực bếp ăn được bố trí gọn gàng, thuận tiện, đảm bảo tốt nhất các nguyên tắc tránh lây nhiễm. Các phòng bệnh nhân tại đây được bố trí bằng vách ngăn, theo nguyên tắc một chiều, tách biệt, phòng chống lây nhiễm chéo.

Trong các buồng bệnh cấp cứu đều lắp đặt oxy bình cao và phương tiện hồi sức để cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Hệ thống loa phát thanh đến các buồng bệnh đang được lắp đặt phục vụ công tác tuyên truyền các quy định, nội quy tới bệnh nhân và theo dõi các tình huống khẩn cấp.

Ghi nhận của phóng viên, bệnh viện ngày đầu ghi nhận khoảng 250 - 300 bệnh nhân được các xe chuyên dụng chở đến. Theo bác sĩ Trần Công Huy, đa số các bệnh nhân có lịch sử lây nhiễm từ các khu công nghiệp, một số trong cộng đồng ở các huyện, thị và một số được chuyển từ các cơ sở điều trị khác để giảm tình trạng quá tải.

“Do được chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất cũng như tinh thần anh em y, bác sĩ nên ngày đầu hoạt động khá ổn. Một số xáo trộn về các bệnh nhân mới cũng nhanh chóng được sắp xếp”, Bác sĩ Huy nói.

Trong khi đó, Bác sĩ Trần Bá Đạt (Cơ sở 2 Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1) chia sẻ, khó khăn lớn nhất mà hầu như bệnh viện nào cũng gặp phải đó là việc phân luồng các bệnh nhân có xét nghiệm Covid-19 âm tính và dương tính; các thủ tục hành chính khó giải quyết triệt để do bệnh nhân thiếu giấy tờ như chứng minh thư, thẻ căn cước công nhân; và đặc biệt là một số bệnh nhân chưa tuân thủ quy định của bệnh viện.

“Hầu hết những anh chị em ở đây phải làm việc hết công suất, lại phải xa gia đình trong thời gian dài. Nhưng chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, mỗi bệnh nhân đều cần đến sự hỗ trợ của chúng tôi”, bác sĩ Đạt tỏ quyết tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 2 - Những 'người lính' thầm lặng nơi tuyến đầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO