Bài 3: Dạy học nơi vùng sông nước

Quốc Trung 09/11/2017 08:35

Những năm qua Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều quan tâm tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục cũng như đời sống cho giáo viên các cấp bậc, đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, tới nay, đời sống giáo viên khu vực ĐBSCL, đặc biệt là đội ngũ giáo viên mầm non và tiểu học vẫn gặp rất nhiều khó khăn.


Giáo viên mầm non rất vất vả nhưng thu nhập thấp.

Thu nhập không đủ sống

Năm học 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL có 197.208 giáo viên, giảng viên, tăng 9% so với năm học 2011-2012 (180.775 giáo viên), trong đó giáo viên mầm non là 27.911 người; giáo viên tiểu học là 76.999 người; giáo viên THCS là 54.439 người; giáo viên THPT là 25.153 người…

Khảo sát mới nhất cho biết, mỗi giáo viên ở ĐBSCL phải nuôi trung bình là 2,9 người (kể cả bản thân). Trong đó số phải nuôi 5 người trở lên chiếm 11,9%, nuôi 4 người 16,8%, 3 người 30,2%, 2 người 31%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gần 90% giáo viên sẽ sống chật vật nếu chỉ dựa vào đồng lương. Vì vậy, rất nhiều giáo viên ở đây ngoài việc dạy học còn phải làm thêm ngoài giờ để đảm bảo cuộc sống của mình và gia đình. Theo khảo sát, có 25% giáo viên phải làm ruộng, 2,1% phải dạy thêm, 0,7% vừa làm ruộng vừa dạy thêm, 10% làm dịch vụ khác.

Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng- giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hậu Giang, đời sống của đội ngũ giáo viên, nhất là với giáo viên mầm non còn khó khăn do lương thấp, không có phụ cấp hay ưu đãi, làm việc thì 10 tiếng/ngày do phải đến sớm và về muộn. Từ đó nhiều người không mặn mà với nghề, việc hợp đồng cũng chỉ thực hiện theo nhu cầu khác nhau của từng năm…

Cô Trần Thị Quyên (Trường Mầm non Tương Lai, Hậu Giang) đã 6 năm là giáo viên mầm non nhưng chỉ hưởng chế độ theo dạng hợp đồng. Cô Quyên cho biết, 6 năm qua, mòn mỏi chờ đợi để được vào biên chế nhưng vẫn không được. Nhiều lúc nghĩ sẽ xin việc khác để làm, nhưng quá tuổi rồi cũng không ai nhận, nên đành tiếp tục bám trụ. Dù vậy cô Quyên vẫn cố gắng học thêm lên đại học, để mong một ngày được vào biên chế sẽ có chế độ tiền lương cao hơn bây giờ.

Hoàn cảnh của cô Đỗ Cẩm Loan (Trường Mầm non Ánh Hồng, Hậu Giang) cũng rất khó khăn. Nhà cách trường hơn chục cây số, sáng sớm vội vã đi dạy mãi tối mịt mới về ngày nào cũng như ngày nào. Hơn 9 năm qua làm hợp đồng, vì không có chứng chỉ ngoại ngữ nên không được vào biên chế. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ được vài triệu đồng/tháng, đời sống khó khăn, đứa con nhỏ vẫn ăn đậu ở nhờ bên nhà ngoại, lâu lâu thì bên nội cho tiền mua sữa, vì đồng lương của cô và chồng làm ở xã đội không đủ chi tiêu. Tâm sự buồn bã cô Loan nói: “Nhiều lúc nản lắm cũng muốn chuyển nghề, nhưng nếu chuyển nghề thì biết làm gì, lại phải học lại, vừa tốn kém lại không có thời gian”.

Chia sẻ với chúng tôi, cô Trần Thị Anh Thư- hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Hồng cho biết, trường hiện còn nhiều giáo viên hợp đồng, mỗi tháng tổng mức lương của các cô chỉ được hưởng hơn 2,3 triệu đồng, nhưng phải làm việc giống như một giáo viên có biên chế mà không được hưởng thêm một trợ cấp nào. Ngoài chăm sóc trẻ, các cô còn phải làm đồ dùng học tập, trang trí, vệ sinh lớp học, đồng thời kiêm luôn công tác phổ cập trong địa bàn.

Để hỗ trợ thêm cho các giáo viên hợp đồng, cô Thư cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các giáo viên chính thức quyên góp bằng cách, mỗi người ủng hộ 1 ngày lương để hỗ trợ, an ủi phần nào thiệt thòi cho các cô.

Giáo viên mầm non, tiểu học thiếu trầm trọng

Ghi nhận tại Hậu Giang, khó khăn lớn nhất của ngành giáo dục tỉnh này trong những năm qua là tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học. Từ năm 2013 đến nay số lượng giáo viên biên chế không tăng nên hàng năm địa phương phải hợp đồng giáo viên để bổ sung nhu cầu. Tuy nhiên do thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống nên nhiều người bỏ cuộc, tình trạng thiếu giáo viên vẫn tiếp diễn.

Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng- giám đốc Sở GDĐT Hậu Giang, toàn tỉnh hiện thiếu 1.439 giáo viên và nhân viên (3 cấp học), trong đó giáo viên thiếu 944 người, nhiều nhất là bậc mầm non (thiếu 640 giáo viên).

Là địa bàn rộng nhất và nghèo nhất của tỉnh, Phụng Hiệp cũng là huyện thiếu nhiều giáo viên nhất tỉnh. Ông Trần Mê Ly- trưởng phòng GDĐT huyện cho biết, toàn huyện có gần 35.000 học sinh từ mầm non đến THCS, với tổng số 68 trường học. Từ năm 2012 đến nay, biên chế giáo viên không tăng, trong khi số lượng học sinh tăng hàng năm, năm nay toàn huyện thiếu 437 giáo viên và nhân viên, trong đó thiếu nhiều nhất vẫn là bậc mầm non (188 giáo viên). Thời gian qua, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Phòng GDĐT huyện đã xin chủ trương hợp đồng giáo viên, với quy định giáo viên mầm non, thời gian hợp đồng thường là 1 năm, chỉ hưởng lương theo văn bằng, chứng chỉ, không có phụ cấp hay ưu đãi, khiến đời sống giáo viên khó khăn, đã có nhiều trường hợp giáo viên không trụ được phải chuyển nghề khác…

Cách đây 2 năm bà Nguyễn Ngọc Ánh- phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hậu Giang đã đưa ra thực trạng, nhưng đến nay vẫn chưa tiến triển, đó là: Nếu tỉnh thực hiện hợp đồng giáo viên mầm non thì ngân sách chỉ trả lương, còn các khoản bảo hiểm thì không chi được. Có nơi chỉ trả lương cho giáo viên mầm non trong 9 tháng thực học, còn lại 3 tháng hè giáo viên không được trả lương dẫn đến đời sống của giáo viên mầm non còn nhiều chật vật.

Còn tại Cà Mau, tình trạng thiếu giáo viên mầm non vẫn tiếp diễn. Năm 2015, tỷ lệ giáo viên/nhóm, lớp là 1,48. Riêng giáo viên dạy lớp mầm non 5 tuổi các tỉnh ĐBSCL mới đạt gần 1,5 giáo viên/lớp, thiếu giáo viên cho công tác phổ cập.

Bà Trần Hồng Thắm- giám đốc Sở GDĐT Cần Thơ, cho biết hiện toàn thành phố Cần Thơ có 3.570 giáo viên mầm non, trong đó giáo viên công lập 2.475, giáo viên ngoài công lập là 1.095. Từ năm 2014 giáo viên mầm non hầu như đã đủ biên chế và đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, sau khi có Thông tư 6 ban hành thì nguồn giáo viên mầm non trên địa bàn hiện thiếu khoảng 250 giáo viên. Tuy nhiên điều này không đáng lo ngại vì hằng năm trường cao đẳng sư phạm đều đào tạo giáo viên mầm non, đáp ứng đủ nhu cầu.

Bà Thắm cho biết thêm: Lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến mức sống của giáo viên mầm non, nên ngoài tiền lương cơ bản, ngân sách thành phố còn chi thêm 0,5% mức lương tối thiểu cho mỗi giáo viên, ngoài ra các giáo viên ngoài công lập (hợp đồng) đều được chi trả lương và mua bảo hiểm như giáo viên công lập.

Trường hợp cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, sau 37 năm dạy học mầm non, nay khi nhận quyết định nghỉ hưu đã lặng người với mức lương hưu mà được hưởng sắp tới sẽ là 1,3 triệu đồng/tháng được thông tin trên cơ quan truyền thông lại dấy lên tranh luận về việc cần phải có mức lương phù hợp đới với giáo viên mầm non. Mới đây tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu cho rằng cần tạo đột phá trong công tác giáo dục mầm non. Bộ GDĐT cần nghiên cứu sửa đổi, tăng lương cho giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục mầm non. Qua khảo sát một số lãnh đạo Sở GDĐT khu vực ĐBSCL và các giáo viên nhất là giáo viên mầm non đồng quan điểm và tỏ ra hi vọng thời gian tới sẽ có cơ chế đặc điệt đối với họ.

Giáo viên có vai trò quyết định đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Qua khảo sát thực trạng đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học ở ĐBSCL, cho thấy muốn nâng cao năng lực giáo viên, cần phải thực hiện cho được hai vấn đề, đó là giáo viên phải có mức lương đủ sống để không phải làm thêm việc khác và giáo viên phải được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thiết thực để nâng cao tay nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 3: Dạy học nơi vùng sông nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO