Bạo lực gia đình: Nhận diện và hành động

Mai Hương - T.Thúy 18/06/2017 10:30

Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 20.000 vụ bạo lực gia đình; cứ 2 - 3 ngày lại có một người tử vong liên quan tới bạo lực gia đình; 80% số vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình… Những con số nêu trên cho thấy một thực trạng đáng báo động, đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội để đưa ra những biện pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn bạo lực gia đình, tiến tới xây dựng cuộc sống bình đẳng, an toàn, hạnh phúc.

Nguyên nhân suy giảm hạnh phúc gia đình

Số liệu tổng hợp từ các địa phương gửi tới Vụ Gia đình Bộ VH-TT&DL cho thấy, từ năm 2012 đến cuối năm 2016 cả nước xảy ra 127.258 vụ bạo lực gia đình; trong đó, nam giới chiếm 83,69% đối tượng gây bạo lực; gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình có nguy cơ xuất hiện ở khắp mọi nơi với 58% phụ nữ trên cả nước đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực trong đời. Số liệu từ các bệnh viện, trung tâm, phòng cấp cứu lớn trên toàn quốc cho thấy, có tới 27% vụ cấp cứu, 10% ca điều trị y khoa nghiêm trọng có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.

Dù chưa phải là con số thống kê đầy đủ và tuyệt đối chính xác, song những con số này cũng đủ để chúng ta quan tâm và tìm ra những giải pháp tháo gỡ. Sự thật, còn những vụ bạo lực gia đình một cách tinh vi hơn không nhìn thấy bằng mắt, hoặc thậm chí những vụ bạo lực gia đình xảy ra một cách kín đáo, ở những khu vực heo hút ít người biết.

Bên cạnh đó, bạo lực gia đình không chỉ gây tổn hại cho người trực tiếp hứng chịu mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe, thể chất, tâm lý, tinh thần của người xung quanh, là nguyên nhân gây tan vỡ gia đình cũng như rối loạn trật tự xã hội.

Vừa qua tại tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức lễ phát động Chiến dịch truyền thông Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Tại đây, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam đang làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động. Bạo lực gia đình đã và đang vi phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng của mỗi cá nhân, để lại hậu quả nghiêm trọng cho con người nhất là phụ nữ và trẻ em.

Bạo lực gia đình cũng là nguyên nhân suy giảm sự bền vững của hạnh phúc gia đình. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng đến việc bảo vệ quyền con người cũng như sự an toàn cho các cá nhân trong gia đình và xã hội.

Nâng cao nhận thức, kịp thời ngăn chặn mầm mống bạo lực

Để thực hiện tốt công tác phòng chống bạo lực gia đình, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu Bộ VH-TT&DL, các cấp, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh “Xây dựng nhân cách con người Việt Nam”, bắt đầu từ giáo dục đạo đức trong gia đình.

Bên cạnh đó, cần đầu tư các nguồn lực cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; nghiên cứu, triển khai những hoạt động mới, thiết thực, hiệu quả. Các cơ quan truyền thông phát huy vai trò, tích cực đưa tin về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao nhận thức của người dân...

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình, từ đó dần xóa bỏ bạo lực gia đình, đề cao truyền thống tốt đẹp của con người trong gia đình Việt Nam.

Bàn về vấn đề bạo lực gia đình vẫn diễn biến phức tạp, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Phạm Ngọc Tiến cho rằng, dù trình độ dân trí ngày một cao là bởi người dân chưa tiếp cận được nhiều với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Muốn tạo thay đổi, điều cần nhất là đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức.

Một nguyên nhân khác khiến bạo lực gia đình còn “đất sống” là do hệ thống luật pháp cũng như các chính sách, chương trình, chiến lược hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình chưa thật sự đi vào cuộc sống. Đặc biệt, có sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong các văn bản quy định; sự phối hợp lỏng lẻo, thiếu ổn định, chậm trễ của các ban, ngành, địa phương…

Tháng 5 vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã chủ trì cuộc họp triển khai Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình. Đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Quy chế phối hợp, liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản số 5139 hướng dẫn triển khai Quy chế này.

Tiếp đó, Bộ VHTT&DL đã ban hành Kế hoạch năm 2017 về triển khai “Quy chế phối hợp, liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình”. Theo đó, Kế hoạch này có 6 nội dung chính với tiến độ thực hiện cụ thể theo từng tháng, từng quý.

Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt kết quả như mong muốn, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng như các chính sách, chương trình hành động phải lan tỏa tới từng thôn, xóm. Ngành Văn hóa cần coi trọng công tác phòng ngừa bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức cho mọi người để họ chủ động, có trách nhiệm hơn trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý nghiêm người vi phạm.

Điều quan trọng không kém là sự vào cuộc có trách nhiệm từ nhiều phía để kịp thời ngăn chặn mầm mống bạo lực; bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho nạn nhân khi bạo lực gia đình xảy ra.

Số liệu của ngành công an cho thấy bạo lực gia đình góp phần gia tăng các loại tội phạm xã hội. Hiện cả nước có 6.996 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, 35.756 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 19.182 mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạo lực gia đình: Nhận diện và hành động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO