Bảo vệ trẻ em trong đại dịch

Ngọc Hà 02/06/2021 08:30

Tới thời điểm cuối tháng 5, hơn 4.000 trẻ em tại một số tỉnh, thành phố đang là điểm nóng của dịch bệnh phải đi cách ly tập trung phòng, chống Covid-19. Tháng 6, tháng Hành động vì trẻ em, thì thực tế này lại càng phải được quan tâm nhiều hơn.

Bữa ăn giãn cách của một lớp mẫu giáo. Ảnh: Hoàng Hùng.

Tuy nhiên, không chỉ những em nhỏ phải đi cách ly mà hầu hết toàn bộ trẻ em trong tháng 6 này sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Một mùa hè rất khác biệt với trẻ em. Các em được “nghỉ hè” không giống bất cứ kỳ nghỉ hè nào.

Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”. Đó là chủ đề rất thời sự và thiết thực. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, kể từ ngày 27/4, số lượng trẻ em phải cách ly tăng cao hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước do dịch lây nhiễm nhanh và phức tạp trong cộng đồng. Những đứa trẻ non nớt phải xa gia đình, sống, sinh hoạt tại một nơi nhiều hạn chế là điều rất khó khăn.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khuyến cáo, sự chuẩn bị về mặt tâm lý và chăm sóc trẻ đúng cách trong môi trường cách ly tập trung là yếu tố quan trọng hàng đầu để góp phần đẩy lùi nguy cơ hình thành các vấn đề tâm lý ở trẻ. Chỉ cần xa bố mẹ dù chỉ một ngày thôi thì trẻ cũng đã gặp phải nhiều vấn đề.

Theo PGS.TS Trần Thu Hương, chuyên gia tâm lý, cha mẹ cần giải thích cho trẻ lý do phải đi cách ly và trang bị cho trẻ kỹ năng để chung sống và thích nghi trong một môi trường mới, cùng trẻ xây dựng các tình huống, các kịch bản có thể xảy ra để hỗ trợ trẻ các hành vi ứng phó.

Mặt khác, các lực lượng chức năng cũng cần động viên trẻ rằng cha mẹ có thể không ở bên trực tiếp nhưng vẫn gián tiếp qua điện thoại hỗ trợ khi con cần để trẻ không cảm thấy đơn độc. “Phải làm cho trẻ hiểu rằng nhân viên của cơ sở cách ly đang thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để giữ cho chúng khỏe mạnh, an toàn và luôn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ khi nào các em cần”, PGS Hương nói.

Với các nhân viên phục vụ trong khu cách ly, cần kiên nhẫn và thấu hiểu trẻ, biết đánh giá các nhu cầu đặc biệt và xác định các trường hợp trẻ em có dấu hiệu bị căng thẳng nghiêm trọng do chấn thương tâm lý hoặc mất mát để tạo ra một môi trường sống tích cực, an tâm xung quanh trẻ.

“Trẻ em còn nhỏ sẽ chưa thể hiểu hết sự nguy hiểm của dịch bệnh, có thể có biểu hiện kêu khóc rất khó chịu nhưng chúng ta cần đồng cảm, không nóng giận mà đánh mất sự bình tĩnh”, theo ông Trần Ban Hùng, một chuyên gia nghiên cứu về trẻ em.

Ông Hùng cho rằng, với trẻ phải vào sống trong khu cách ly thì người chăm sóc cần tạo điều kiện thoải mái nhất cho trẻ trong điều kiện có thể. “Sự đồng cảm có thể là những hành vi rất nhỏ nhưng sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực trong tâm lý của trẻ lúc này”, ông Hùng nói.

Tất nhiên với những đứa trẻ phải vào khu cách ly tập trung sẽ bị nhiều hạn chế, nhiều vấn đề phát sinh. Nhưng với phần đông các em ở nhà cũng phải thực hiện những biện pháp bảo vệ tránh sự lây nhiễm của Covid-19.

Điều đó cũng không dễ dàng gì vì bản chất lứa tuổi của trẻ con luôn hiếu động, muốn chạy ra ngoài chơi với bạn bè... Ở trong nhà, lũ trẻ “cuồng tay cuồng chân”, người lớn nên thấu hiểu, tìm thêm cơ hội chơi với con, tạo mối quan hệ thân thiết hơn giữa cha mẹ và con cái.

Theo các chuyên gia tâm lý, có lẽ đã đến lúc các bậc phụ huynh không nên coi việc chăm sóc con cái trong đại dịch chỉ là việc ngắn hạn, mà cần “đương đầu” với vấn đề này, dành thời gian tìm hiểu, chuẩn chị sẵn các phương pháp chăm sóc, dạy dỗ con cái trong tình huống đặc biệt. Đây cũng chính là thời điểm quan trọng để dạy cho trẻ kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng ứng phó với dịch bệnh - điều rất cần thiết nhưng cũng lại rất thiếu đối với trẻ em.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 6% trường hợp F1 phải cách ly là trẻ em. Đến nay đã có trên 4.000 trường hợp F0 và F1 là trẻ em. Con số này có thể sẽ nhiều hơn nếu số lượng cách ly tại khu công nghiệp, khu chế xuất tăng. Được biết, Bộ LĐTBXH và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả trẻ em từ 0-16 tuổi phải điều trị, cách ly y tế. Mức hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em F0, F1 là 80.000 đồng/ngày/cháu, thời gian hỗ trợ trong 21 ngày, áp dụng từ 27/4 đến 31/12/2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ trẻ em trong đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO