Bảo vệ trẻ trước tình trạng bị xâm hại: Cần cơ chế cụ thể

Lê Bảo 08/07/2019 06:25

Đây là những đánh giá, nhận định của các đại biểu tại tọa đàm với chủ đề xâm hại trong học đường, do báo Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tổ chức mới đây.

Khó xử lý

Theo thống kê trong 2 năm 2017-2018, cả nước xảy ra 3.139 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại; trong đó 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại. Trong 3 tháng đầu năm 2019 đã xử lý 310 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, với 325 trẻ em là nạn nhân. Hiện nay, đây là vấn nạn nhức nhối của xã hội. Đáng chú ý, hơn 21% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam là người thân trong gia đình.

Đáng lo ngại, nhà trường được cho là nơi an toàn với trẻ, thế nhưng thời gian gần đây không chỉ xảy ra những vụ bạo lực học đường giữa giáo viên với học sinh, đáng sợ hơn còn là những vụ xâm hại tình dục ngay phía sau cánh cổng trường học.

Những vụ việc thầy xâm hại tình dục trò gây chấn động như thầy N.Đ.L. (44 tuổi, Trường Tiểu học An Thượng A, huyện Hoài Đức, Hà Nội) có hành vi dâm ô 9 em học sinh lớp 3. Hay như vụ việc trên 20 em học sinh nữ ở Mường Khương, Lào Cai bị bảo vệ trường là Đỗ Văn Nam liên tục có các hành vi dâm ô bằng nhiều hình thức khác nhau. Các em chỉ mới 9 hoặc 10 tuổi, thậm chí một số em bị tên này lạm dụng suốt 3 năm, tuy nhiên vì quá sợ hãi đã không dám tố cáo.

Tình trạng xâm hại học đường gia tăng, song theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty Luật Fanc, còn nhiều “khoảng trống” về pháp lý xung quanh vấn đề xử lý hành vi xâm hại học đường. “Mặc dù trong Bộ luật Hình sự 2015 có một số hành vi được coi là nghiêm trọng nhất là hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu… Tuy nhiên tấn công tình dục nghiêm trọng mới đưa vào luật, nhưng ngay cả đưa vào luật rồi cũng chưa có định nghĩa, khái niệm như thế nào là dâm ô, hiếp dâm. Không có khái niệm dẫn đến vướng cho tất cả các cơ quan và những người thực thi không thể kết tội. Trong khi đó, ở trường học ngay cả các thầy, cô cũng chưa thực sự hiểu về luật, vẫn nhầm lẫn những hành vi sờ, đụng chạm là những hành vi thân thiết, trêu đùa. Chính vì vậy, việc bảo vệ trẻ trước hành vi xâm hại ở học đường gặp muôn vàn khó khăn”- Luật sư Nguyễn Văn Tú nói.

Làm thế nào để hạn chế thấp nhất số vụ xâm hại trẻ em?

Tại Hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo về việc hướng dẫn áp dụng một số điều trong nhóm tội xâm hại tình dục của Bộ luật Hình sự 2015 do Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc xử lý những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em là khung pháp lý.

Nhiều quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện. Quy định pháp luật về quy trình tư pháp bảo vệ trẻ em, thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên chưa cụ thể, vẫn chủ yếu ở mức độ hướng dẫn và mô hình thử nghiệm.

Chính vì vậy, để bảo vệ trẻ trước nguy cơ xâm hại tình dục thì cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trẻ em...

Hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo hành, xâm hại và can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em... Cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý thì ngành giáo dục cần đẩy mạnh việc mời chuyên gia dạy về phòng, chống xâm hại cho trẻ. Thầy cô cũng cần hiểu luật. Bên cạnh đó, phải có chế tài xử lý với người đứng đầu trường học nếu để xảy ra xâm hại trẻ em trong học đường. Có như vậy trẻ em mới thực sự được an toàn sau mỗi cánh cửa trường học.

* Theo Bộ LĐTBXH, số lượng các vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, họ hàng, hàng xóm, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài. Nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng, vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; thủ phạm có sự đe dọa hoặc dùng tiền mua chuộc, hòa giải với gia đình của nạn nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ trẻ trước tình trạng bị xâm hại: Cần cơ chế cụ thể

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO