Thị trường bất động sản: Nổi lên những điểm 'gợn'

Duy Chung 13/01/2020 06:20

Nguồn vốn tín dụng vào bất động sản bị siết chặt, quy định pháp lý chồng chéo khiến việc thẩm định dự án chậm trễ... đó là những lý do khiến các giao dịch trên thị trường bất động sản đang trầm lắng. Giới chuyên gia trong ngành nhận định, hoàn thiện khung pháp lý là yếu tố quan trọng để ổn định lại thị trường bất động sản thời gian tới. Nhìn nhận về thị trường bất động sản năm 2020 nhiều ý kiến cũng cho rằng đây là năm khá khó khăn với các doanh nghiệp ngành bất động sản.

Thị trường bất động sản: Nổi lên những điểm 'gợn'

Sự đổ vỡ của CocobayĐà Nẵng là một ví dụ cụ thể cho thấy những bất cập trên thịtrường bất động sản.

Giao dịch ảm đạm

Khác với những năm trước, dù đã giáp tết nhưng giao dịch trên thị trường bất động sản Hà Nội không sôi động. Nếu như thời điểm cách đây vài năm, các nhà đầu tư nô nức tìm đến thành phố để đổ vốn vào bất động sản thì nay, họ lại tìm cách rút dần khỏi thị trường này. Không chỉ riêng Hà Nội, nhiều địa phương khác cũng chứng kiến cảnh èo uột trong giao dịch bất động sản.

So với thời điểm cận Tết các năm 2017,2018, giai đoạn cận Tết 2020 không còn “nóng” các giao dịch trên thị trường bất động sản. Nhà đầu tư e ngại xuống tiền vào các dự án đã mở bán từ lâu nhưng chậm tiến độ, những dự án cũ thì mức chênh lệch đã cao nên rơi vào trạng thái “ế khách”. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản cả năm không có dự án mới chào hàng. Tình hình hoạt động cả năm vốn đã ảm đạm thì đến sát Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 lại càng khó khăn hơn. Nhiều chủ đầu tư không tin tưởng vào các dự án thậm chí còn rút khỏi các dự án mà trước đó đã chót đổ vốn vào.

Theo thông tin mới được công bố trong báo cáo “Các xu hướng lợi nhuận theo ngành kinh tế năm 2019 – 2020” do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnamreport) đưa ra, mặt bằng giá bất động sản nói chung đã tăng vọt lên 50%, có nơi cả 100% và thậm chí 200% chỉ trong vòng vài năm trong khi mức tăng trưởng kinh tế khoảng gần 7%/năm, mức tăng thu nhập bình quân đầu người ở mức 7-8%/năm. Mức tăng mạnh như vậy đang vượt quá xa tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Đó là lý do khiến giao dịch mua bán trên thị trường thời gian qua tiếp tục cảnh “èo uột”.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng “chùn bước” khi chứng kiến nhiều dự án “ma” buộc một số lượng không nhỏ khách hàng lâm cảnh trắng tay, niềm tin sụt giảm. Sự đổ vỡ của Cocobay Đà Nẵng cũng là một ví dụ cụ thể cho thấy, những bất cập trên thị trường bất động sản vẫn đang rất bộn bề. Và nguyên nhân bắt nguồn từ việc các dự án giao dịch đều không có căn cứ pháp lý.

“Khung pháp lý là yếu tố then chốt khiến condotel chững lại. Việc chưa ban bố khung pháp lý cụ thể, sản phẩm không được cấp giấy chứng minh quyền sở hữu đất đã khiến nhiều nhà đầu tư lao đao khi mua đi bán lại và tranh chấp tài sản” – một chuyên gia ngành bất động sản nêu rõ.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

Nhận định về thực trạng của thị trường bất động sản thời gian qua, đặc biệt là tình trạng nhiều dự án bất động sản không thực được đưa ra lừa đảo khách hàng, GS Đặng Hùng Võ nêu quan điểm: Các bất động sản “ma” không tồn tại, không có thực, không có dự án nhưng vẫn được rao bán như thật đã nổi lên như một điểm “siêu nóng” trong năm 2019. Tất cả đã xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng, nhưng không được phát hiện, không bị xử lý kịp thời, là minh chứng cho tình trạng yếu kém trong thực thi pháp luật.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản hiện nay vẫn thiếu đồng bộ. Hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường bất động sản, từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch đến quản lý sử dụng bất động sản chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bất cập của cơ chế chính sách nhưng chưa được bổ sun­­­­g, sửa đổi kịp thời dẫn đến thị trường bất động sản chưa được quản lý và kiểm soát hiệu quả.

Có thể thấy, thị trường bất động sản sau một thời gian dài khá ổn định nay lại nổi lên những điểm “gợn” và nếu không được điều chỉnh có thể dẫn đến những khủng hoảng đáng tiếc. Sự vụ Cocobay Đà Nẵng là một minh chứng cho điều này. Bởi vậy, giới chuyên gia nhận định, với thị trường bất động sản nói chung và loại hình condotel nói riêng, rất cần sự hoàn thiện bổ sung để tạo hành lang pháp lý đầy đủ tránh tình trạng các nhà đầu tư thứ cấp gặp phải rủi ro lớn chỉ vì những kẽ hở trong pháp lý.

Nhìn nhận về thị trường bất động sản năm 2020, nhiều ý kiến cho rằng đây là năm khá khó khăn với nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản. Xét về triển vọng, giới chuyên gia vẫn đánh giá, đây là lĩnh vực cần thận trọng trong đầu tư vì những rủi ro mang tính ngắn hạn. Các loại hình bất động sản thương mại có thể bị ảnh hưởng do các vấn đề về pháp lý, xây dựng dự án, quy hoạch vẫn còn ách tắc, mặt bằng lãi suất cho vay dự báo tăng và xu hướng siết chặt tín dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Song, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh, các biến động thị trường là cách để thanh lọc mạng lưới doanh nghiệp, loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém nhằm thúc đẩy thị trường phát triển bền vững hơn trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường bất động sản: Nổi lên những điểm 'gợn'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO