Bệnh thủy đậu

Giang Hương 09/03/2017 12:00

Những ngày này các loại bệnh truyền nhiễm như tiêu hóa, hô hấp, tay chân miệng và đặc biệt là bệnh thủy đậu bắt đầu vào mùa. Các bác sỹ cảnh báo do phụ huynh lơ là khiến cho mức độ lây lan bệnh mạnh hơn. 

Nên đưa trẻ đi tiêm vắcxin đủ 2 mũi để phòng bệnh thủy đậu.

Nguy cơ bùng phát

Bệnh thủy đậu thường bùng phát vào mùa Đông Xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa Xuân. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch khiến tình hình bệnh thủy đậu thời gian qua khá phức tạp, số ca mắc bệnh đang tăng nhanh. Đáng nói, không chỉ có trẻ em mắc căn bệnh này mà gần đây xuất hiện không ít số ca bệnh là người lớn. Trong đó đáng lưu ý là phụ nữ mang thai mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.

Tại TP HCM đã bùng phát ít nhất 2 ổ dịch thủy đậu. Ổ dịch mới nhất được ghi nhận vào đầu năm 2017 với 5 người mắc tại một cao ốc ở quận Tân Bình. Trước đó, 31 công nhân đã mắc bệnh thủy đậu tại khu chế xuất ở quận 7. Còn tính từ đầu tháng 1 đến nay, Khoa Nhiễm-Thần kinh tiếp nhận 24 trẻ nhập viện điều trị thủy đậu. Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm​-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, tại các tỉnh miền Nam, bệnh thủy đậu diễn ra theo chu kỳ từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, đỉnh điểm rơi vào khoảng tháng 5-6.

Tại Hà Nội, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E) tiếp nhận và điều trị hơn 20 ca mắc bệnh thủy đậu, tuy nhiên không có trường hợp bị biến chứng nguy hiểm và tử vong. Điều đáng quan tâm là không chỉ có trẻ em mà xuất hiện không ít số ca bệnh là người lớn. Bệnh viện E có 2 trường hợp bệnh nhân là người lớn. Điều đáng nói, 2 bệnh nhân này tiêm chủng vắcxin phòng bệnh thủy đậu, chưa mắc bệnh và tiếp xúc với nguồn lây…

Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ nếu mắc thủy đậu có thể gây hậu quả cho thai nhi như chậm phát triển, sẹo sau sinh, đục thủy tinh thể, sảy thai... Phụ nữ chuẩn bị có gia đình, đang độ tuổi sinh sản, có ý định mang thai cần tiêm phòng trước khi mang thai 1-2 tháng.

Biểu hiện và cách phòng bệnh

Theo các bác sĩ, khi khởi phát bệnh thủy đậu, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 - 500 nốt. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 - 5 ngày đối với người lớn. Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 - 10 ngày.

Đặc tính của thủy đậu là lây lan nhanh, khó kiểm soát. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc, sử dụng chung đồ vật, dụng cụ…Virus thủy đậu có thể phát tán trước khi phát hiện bệnh và tồn tại trong vùng hầu, họng của người bệnh đến 3 tuần sau khi hết bệnh. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo nếu trong gia đình hoặc môi trường tập thể chỉ cần một người mắc sẽ lần lượt lây bệnh hết cho những người còn lại.

Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này.

Đáng lưu ý là nếu như trước đây, đối tượng mắc chủ yếu là trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học thì nay có nhiều trường hợp là người lớn trong độ tuổi khoảng từ 25-30 mắc bệnh thủy đậu, sau đó lây ngược lại cho trẻ nhỏ. Bởi vậy, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, để giảm thiểu khả năng mắc bệnh, nên cho trẻ tiêm phòng ngừa đầy đủ 2 mũi vắcxin thủy đậu, cách nhau tối thiểu 3 tháng.

Hiện thủy đậu có thuốc điều trị đặc hiệu và thuốc bôi ngoài da, vì vậy các bác sỹ khuyến cáo nên cho trẻ uống thuốc (theo chỉ định của bác sĩ) càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 48 giờ sau khi phát bệnh. Bệnh có thể điều trị ngoại trú tại nhà, không cần nhập viện, tuy nhiên phải điều trị và chăm sóc đúng cách để không bị biến chứng.

Từ trước tới nay không ít người cho rằng người bệnh thủy đậu nên kiêng nước, kiêng gió, trùm kín sẽ mau khỏi bệnh. Các bác sĩ cho rằng nếu trùm kín càng gây đổ mồ hôi, ngứa, vỡ bỏng nước, dễ nhiễm trùng vết rạ, nhiễm trùng da, để lại sẹo... và những hệ lụy khác. Bởi vậy cách tốt nhất là nên đến khám và được các bác sĩ tư vấn, điều trị theo đúng phác đồ.

Ở Việt Nam, tỷ lệ người tiêm phòng ngừa trong cộng đồng ở mức thấp nên nhiều trẻ tiêm phòng một mũi văcxin vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Bởi vậy các bác sĩ khuyến cáo nên tiêm 2 mũi, mũi 1 lúc trẻ 12 tháng tuổi và mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 3 tháng để đảm bảo miễn dịch. Việc tiêm nhắc lại rất cần thiết, nhất là khi xung quanh có nhiều người mắc bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh thủy đậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO