Biển Việt Nam có thêm 8 bến cảng mới

Quang Ngọc 11/04/2021 16:04

Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam. Đáng chú ý, theo công bố này, Việt Nam có thêm 8 bến cảng mới. Hệ thống cảng biển Việt Nam hiện có tổng cộng 286 bến cảng.

Một số khu vực cảng biển có số bến cảng lớn, gồm Hải Phòng có 50 bến, Vũng Tàu có 46 bến và Thành phố Hồ Chí Minh có 42 bến. Các cảng biển khác như Cần Thơ có 21 bến cảng; Đồng Nai 18; Khánh Hòa 16; Quảng Ninh 13; Đà Nẵng 8; Nghi Sơn, Nghệ An, Dung Quất mỗi khu vực cảng biển có 7 bến; cảng biển Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi khu vực có 6 bến.

Một số cảng biển có số lượng bến ít, gồm Quảng Bình, Quy Nhơn, Kiên Giang mỗi khu vực có 4 bến cảng; cảng biển Hải Thịnh, Đồng Tháp mỗi khu vực có 3 bến cảng; cảng biển Thái Bình, Thừa Thiên-Huế, Kỳ Hà, Tiền Giang, cảng biển Cần Thơ (thuộc Sóc Trăng), Cà Ná (Ninh Thuận) mỗi khu vực có 2 bến cảng.

Theo Bộ GTVT, so với danh mục cảng biển được công bố vào tháng 4/2020, tổng số bến cảng trong hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng lên 8 bến. Trong đó, cảng biển Vũng Tàu có số bến cảng tăng nhiều nhất, gồm Bến cảng Hyosung Vina Chemicals, Bến cảng Quốc phòng Quân khu 7, Bến cảng chuyên dùng Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam, Bến cảng Hải đoàn 129.

Cảng biển Hải Phòng có thêm bến cảng MPC Port; cảng biển Khánh Hòa có thêm bến cảng tổng hợp Nam Vân Phong; cảng biển Đồng Nai có thêm bến cảng Vĩnh Hưng và cảng biển TPHCM có thêm bến cảng Bến Nghé Phú Hữu.

Được biết, trung bình mỗi năm cảng biển Việt Nam đón khoảng 120.000 lượt tàu biển với mức tăng trưởng tổng thể của hàng hóa đạt gần 16%/năm.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam mặc dù vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với trung bình hàng năm, tăng 4% so với năm 2019, trong đó khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2020 ước đạt 22,1 triệu, tăng 13% so với năm 2019.

Tới nay, đội tàu Việt Nam về cơ bản đã đảm nhận được gần 100% khối lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như hàng hóa lỏng (LPG), xi-măng rời. Tuy nhiên, thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu Việt Nam vẫn trong xu thế giảm: Năm 2015 đội tàu Việt Nam đảm nhận 10% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu, đến năm 2020 thị phần giảm một nửa. Như vậy, thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu do đội tàu biển nước ngoài cũng tăng lên tương ứng, đến nay đội tàu nước ngoài đã chiếm lĩnh 95% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Do chiếm lĩnh thị trường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, các hãng tàu thu rất nhiều loại phụ thu ngoài giá cước (phụ phí) đối với chủ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam (như phụ phí mất cân đối container, phí hóa đơn, kẹp chì...). Hiện tại các hãng tàu đang thu khoảng 10 loại phụ phí khác nhau. Từ cuối tháng 10/2020, một số hãng tàu như Wan Hai Lines Ltd., Heung A Line, Interasia, Cosco Shipping Lines… đã đồng loạt yêu cầu tăng phụ phí Rate Retoration (RR) đối với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam, mức tăng từ 50-200 USD/container. Trong khi đó, tại một số tuyến Việt Nam đi châu Mỹ, châu Âu, giá cước vận tải tăng rất cao, có tuyến giá cước tăng lên gấp 2-3 lần.

Từ thực tế đó nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc phát triển thêm, nâng cấp bến cảng thì rất quan trọng là chúng ta phải hình thành được những đội tàu lớn. Tuy nhiên, đầu tư đội tàu biển cần phải có nguồn vốn lớn, các ưu đãi từ phía Chính phủ vì rằng hiện chi phí lãi suất vay ngân hàng trong nước cao hơn lãi vay trên thế giới (thời điểm tháng 1/2021 lãi vay ngân hàng tại Việt Nam từ 8-10%, trong khi lãi vay tại một số nước như Nhật Bản chỉ từ 1-2%, Singapore 3%, Trung Quốc 4,5%).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biển Việt Nam có thêm 8 bến cảng mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO