Bình tĩnh chống dịch

Hoài Vũ (thực hiện) 10/02/2020 11:36

Trước tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra đang gia tăng, Trao đổi với phóng viên Tinh Hoa Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, người dân không nên quá hoang mang, dịch bệnh do virus corona ở nước ta vẫn ở mức được kiểm soát.

Bình tĩnh chống dịch

Ông Trần Đắc Phu.

Ông Trần Đắc Phu cho biết, khi WHO công bố tình trạng khẩn cấp không có nghĩa là hạn chế đi lại, hạn chế giao thương, mà công bố để kêu gọi các nước chung tay, chia sẻ về thông tin, cung cấp thêm nguồn lực cho phòng chống dịch. Phải khẳng định rằng, Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động trước khi WHO công bố tình trạng khẩn cấp như: Thành lập Ban chỉ đạo, đội phản ứng nhanh, cung cấp thông tin hằng ngày, tích cực phòng chống dịch. Ngay từ đầu, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, nước ta đã xác định nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi nước ta sát biên giới Trung Quốc với lượng đi lại, giao lưu lớn nên có thể lây lan dịch bệnh này. Việc có ca xâm nhập không nằm ngoài dự đoán, đây là điều dễ hiểu. Trước tình hình dịch diễn ra phức tạp, nhanh. Hiện nay các hiểu biết về căn bệnh này, nguồn bệnh và virus vẫn còn chưa rõ ràng xảy ra tại nhiều nước.

Tại Việt Nam, các trường hợp nhiễm bệnh đều là các trường hợp xâm nhập, đi từ Vũ Hán về. Trong dịch tễ, các ca tiếp xúc rất gần nên coi là những ca xâm nhập. Ở Việt Nam chưa thấy có ca do sự lây lan ở cộng đồng. Đây là điều quan trọng cần giải thích cho người dân hiểu.

PV:Vậy liệu có nguy cơ bùng phát dịch lớn xảy ra ở nước ta hay không?

Ông Trần Đắc Phu: Nguy cơ bùng phát dịch là lớn khi đã có những ca xâm nhập từ Vũ Hán vào nước ta, nguy cơ không chỉ đến từ những ca này mà còn từ những trường hợp khác từ Trung Quốc sang hoặc các nguy cơ khác. Chúng ta phải tính trước điều này và sẵn sàng đối phó với các tình huống. Trong vấn đề giám sát, chúng ta đã tổ chức giám sát ở các cửa khẩu, y tế. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc giám sát trong các cơ sở y tế là rất quan trọng vì nhiều ca bệnh được phát hiện tại các cơ sở y tế, còn giám sát tại cửa khẩu là cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng bắt được ca bệnh. Vì chỉ giám sát qua thân nhiệt qua sốt, nếu trường hợp họ uống thuốc hạ sốt sẽ không phát hiện được.

Những ngày qua đang nóng việc liên quan đến khẩu trang phòng chống dịch. Nhiều người đổ xô mua khẩu trang khiến hàng khan hiếm, từ đó xuất hiện nhiều nơi găm hàng, tăng giá cao hơn rất nhiều lần. Việc sử dụng khẩu trang như thế nào cho đúng cách là cái người dân cũng chưa thực sự hiểu rõ hết. Cá nhân ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

- Trong tình hình dịch chưa lây lan rộng ra cộng đồng, các gia đình vẫn có thể sử dụng khẩu trang vải, sau đó về giặt sạch để dùng lại. Đeo khẩu trang có thể phòng chống được bệnh hô hấp, thậm chí phòng cả ô nhiễm không khí môi trường, phòng các bệnh như: cúm, viêm phổi. Nhưng cần xác định ở mức độ nào, nguy cơ nào, trường hợp nào, lúc nào... thì dùng khẩu trang. Ví dụ, dịch chưa lây lan mạnh ra cộng đồng thì chúng ta có thể dùng khẩu trang ở những chỗ có nguy cơ cao. Đi trên các phương tiện công cộng, đến bệnh viện có thể dùng khẩu trang y tế thông thường, không nhất thiết phải dùng mặt nạ N95 và thậm chí có thể dùng khẩu trang vải. Về nguyên tắc, khẩu trang dùng một lần không bao giờ dùng lại lần hai vì có tác nhân gây bệnh bên ngoài mà chúng ta sờ mó, đưa lên mũi. Cho nên khẩu trang y tế chỉ dùng một lần, còn khẩu trang vải có thể giặt hàng ngày thay phiên lúc nào cũng có khẩu trang mới.

Trong lúc này, Bộ Y tế khuyến cáo chỉ những người chăm sóc bệnh nhân, người điều trị trực tiếp bệnh nhân, người đi vào ổ dịch mới dùng khẩu trang N95 và dùng quần áo lao động bảo hộ đặc biệt. Do đó, người dân không nên quá hoang mang. Đặc biệt, chỉ dùng khẩu trang ở nơi nào có nguy cơ cao trong việc lây nhiễm và vấn đề này đã có khuyến cáo của Bộ Y tế. Những người tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về, những người trong vòng 14 ngày tiếp xúc với người bệnh chúng ta phải cách ly, trong đó có việc đeo khẩu trang. Những người được khuyến cáo nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với những người bị bệnh và chăm sóc người bệnh ở bệnh viện. Những người khỏe mạnh không nhất thiết phải đeo khẩu trang và khi đeo khẩu trang phải đeo đúng cách, không sờ vào những bề mặt của khẩu trang, nếu không vi khuẩn sẽ truyền vào miệng, phải rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Bên cạnh đó, khi không có khẩu trang lúc ho, hắt hơi phải lấy tay che miệng để nhỡ mình bị mắc bệnh thì sẽ không bắn virus lây sang cho người khác.

Chúng ta đã có kinh nghiệm, từng khống chế thành công dịch SARS và các dịch lớn khác. Vậy hiện nay việc đối phó với dịch do virus corona gây ra chúng ta có khó khăn gì, thưa ông?

- Việt Nam từng có kinh nghiệm trong các dịch lớn như SARS, cúm gia cầm, cúm H1N1, MERS- CoV. Hiện tại việc chống dịch do chủng mới của virus corona gây ra đang được thực hiện rất quyết liệt với chỉ đạo sát sao từ Chính phủ. Hiện nay tỷ lệ tử vong do corona gây ra đang thấp hơn so với SARS, MERS-CoV nhưng những ca bệnh nhẹ có khó khăn trong việc cách ly, giám sát. Nó khác với SARS, MERS-CoV là bởi MERS-CoV diễn ra ở Trung Đông, nơi giao dịch với ta ít. Còn khi dịch SARS diễn ra tại thời điểm năm 2003 giao lưu thương mại của ta với Trung Quốc cũng không lớn như hiện nay. Cái khó trong giai đoạn hiện nay là chưa biết hết sự lây bệnh diễn ra như thế nào? Ví dụ thời gian ủ bệnh chính xác là bao nhiêu ngày? Trong thời gian ủ bệnh có lây hay không? Và người lành mang bệnh có lây hay không? Đặc trưng của mỗi dịch là khác nhau. Bên cạnh đó, tình hình hiện nay cũng khác thời điểm trước khi toàn cầu hóa, việc giao lưu, đi lại lớn, kèm theo đó là khả năng lây lan rất cao. Nguy cơ này lớn hơn rất nhiều so với thời điểm trước. Trước đây, người dân không đi lại nhiều như hiện tại.

Chúng ta đã có kinh nghiệm trong chống dịch SARS, MERS-CoV nhưng nay cũng có cái mới mẻ, khó khăn như vấn đề toàn cầu hóa. Trước đây dịch ở đâu nằm ở đó, nhưng bây giờ lây lan nhanh. Chỉ trong 24 giờ, quốc gia xa xôi nhất thế giới cũng có thể “dính”, còn ở Việt Nam từ miền Nam đến miền Bắc đi lại chỉ 2 giờ là xong. Trong lúc này chúng ta cùng chung tay làm sao để người dân không hoang mang, tất cả mọi người tham gia vào công tác phòng chống dịch. Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ nhiều giải pháp, đặc biệt hết sức minh bạch, thông tin không giấu diếm. Nói thật, trong Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa rồi, anh em không có tết, mà tập trung làm sao phối hợp làm tốt hơn trong phòng chống dịch bệnh. Càng hạn chế lây lan hoặc lây lan nhỏ càng tốt.

Bình tĩnh chống dịch - 1

Kiểm tra phòng chống dịch bệnh do virus corona gây ra tại Nha Trang (Khánh Hòa).

Kinh nghiệm từ phòng chống dịch SARS có thể áp dụng gì cho chúng ta hiện nay để đối phó với dịch do virus corona chủng mới gây ra?

- Kinh nghiệm lớn từ phòng chống dịch SARS có thể áp dụng trong giai đoạn hiện nay đó là phải giám sát, để phát hiện ngay. Người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở, nếu có dịch tễ liên quan tới vùng dịch, đi từ vùng dịch, tiếp xúc với người mắc bệnh phải khai báo và đến ngay cơ sở y tế. Bên cạnh đó, cách ly ngay những người đang mắc bệnh là vô cùng quan trọng để họ không tiếp xúc với cộng đồng, tránh không lây lan rộng ra. Thực hiện các biện pháp phòng hộ của mỗi cá nhân cũng rất quan trọng, vì phòng hộ sẽ không để lây lan cho người khác. Cái đó là điểm quan trọng.

Rồi sự vào cuộc ngay của các cấp chính quyền, trong phòng dịch nếu không vào cuộc ngay, không thể giải quyết được dịch trên phạm vi cả nước. Một điều đáng mừng khác là nước ta có kinh nghiệm trong chống dịch. Trong 17 năm qua, kể từ khi ghi nhận SARS là dịch bệnh lây mạnh mẽ từ người sang người, Việt Nam đã đối phó với SARS, cúm gia cầm, cúm H1N1 đại dịch, MERS- CoV và đều đạt kết quả rất tốt. Tiềm lực của nước ta cũng lớn hơn trước đây. Thành công trong chống dịch SARS có rất nhiều yếu tố nhưng theo tôi quyết định số một là chỉ đạo của Chính phủ đã huy động được tất cả các cấp, các ngành trong phòng chống SARS. Thứ hai là giám sát cách ly ca bệnh. Thứ ba là điều trị, mở tung cửa phòng bệnh để virus bay ra ngoài không lưu cữu trong buồng bệnh. Tâm điểm của SARS là các ca lây nhiễm do không khí tù, dùng điều hoà, đóng kín cửa đã tạo điều kiện cho virus phát triển mạnh. Bí quyết mở tung cửa giúp phòng thông thoáng, áp dụng cho phòng chống dịch do virus corona vẫn còn rất phù hợp, hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Hay vấn đề chuẩn bị vật tư như thế nào thì trước đây cứ loay hoay hết dịch mới có vật tư nhưng bây giờ chúng ta đã có kinh nghiệm trong phòng chống SARS, MERS- CoV rồi thì bây giờ phải chuẩn bị, có ngay vật tư.

Việc vô tình tiếp xúc với những bệnh nhân đã dương tính với virus corona sẽ khiến nhiều người có nguy cơ lây. Vậy trong bối cảnh đó, chúng ta cần kiểm soát điều này như thế nào, thưa ông?

- Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ tử vong do chủng mới của virus corona thấp hơn dịch SARS. Tuy vậy, đây mới là giai đoạn đầu của dịch, chúng ta không loại trừ trường hợp bệnh diễn biến phức tạp hơn. Việc cần làm ngay sau khi phát hiện các ca có virus corona xâm nhập là điều tra, tiến hành theo dõi xem họ đã tiếp xúc với những người nào trong suốt hành trình của mình, từ chuyến bay, xe khách, rồi người tiếp xúc. Những người thuộc diện phơi nhiễm được theo dõi tại địa phương trong vòng 14 ngày tính từ khi có tiếp xúc với các bệnh nhân để kiểm tra xem có bị bệnh hay không? Các đối tượng này cần chủ động tự cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đeo khẩu trang, che miệng hắt hơi, rửa tay xà phòng. Sau 14 ngày, nếu không có bệnh, họ có thể yên tâm. Tuy nhiên, trong 14 ngày theo dõi này, kể cả đang khỏe mạnh họ cũng nên hạn chế tiếp xúc với người khác vì có thể đang trong thời gian ủ bệnh.

Trước sự lo lắng của người dân, vậy về phía cơ quan quản lý nhà nước cần có những động thái như thế nào để người dân yên tâm, tránh hoang mang, thưa ông?

- Để biết cách phòng chống, theo tôi, các cơ quan truyền thông đại chúng, cơ quan báo chí cần tuyên truyền làm sao cho người dân hiểu đi từ vùng dịch về phải có khai báo, thực hiện cách ly tại nhà, có triệu chứng sốt thì đến các cơ sở y tế ra làm sao. Đó là cái quan trọng nhất hiện nay. Thực hiện các hành vi trong hoạt động như: Rửa tay với xà phòng, đeo khẩu trang, tiếp xúc với người bệnh cũng phải tuyên truyền cho người dân hiểu và nắm được. Chúng ta cũng phải giải thích cho người dân rằng Chính phủ, Bộ Y tế đã làm rất quyết liệt nhưng cũng phải hiểu rằng mức độ dịch như thế nào thì đáp ứng ở mức độ đó cho hợp lý, chứ không phải đáp ứng tất cả các biện pháp không cần thiết. Hệ lụy của nó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội, đặc biệt là an ninh xã hội. Trong lúc này nên hướng vào giải thích cho cộng đồng khỏi hoang mang, cung cấp tin tức cho người dân hiểu biết, đặc biệt là biện pháp ứng phó hợp tác để thực hiện phòng chống dịch bệnh, không quá lắt léo, không thực tế khiến người dân khó hiểu, gây hoang mang thêm.

Theo khuyến cáo của WHO chúng ta đã làm rất nhiều những hoạt động mạnh mẽ để đáp ứng. Ví dụ như chia sẻ thông tin, thành lập Ban Chỉ đạo, chính quyền các cấp tham gia, rồi chuẩn bị cho nguồn lực. Tôi cho rằng đáp ứng của Việt Nam rất tốt. Ngay cả trước lúc công bố dịch, Việt Nam đã làm hết sức mình và đáp ứng được mạnh mẽ theo khuyến cáo của WHO.

Bình tĩnh chống dịch - 2

Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh).

Trong lúc này dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, còn nhiều thời gian ủ bệnh, người lành có lây hay không vẫn chưa rõ ràng lắm. Cho nên khuyến cáo người dân nếu không có việc, không nên đến chỗ đông người. Nếu không khẩn cấp không nên hội họp, tụ tập đông người, có thể thay bằng họp trực tuyến. Cái gì làm được mà không ảnh hưởng quá lớn thì nên làm. Kể cả lễ hội không nhất thiết phải đi du xuân khi thấy rằng tình hình bệnh đang phức tạp. Dịch đến đâu, căn cứ vào mức độ lây lan, tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế và các bộ, ngành sẽ tham mưu tiếp cho Chính phủ. Khi có triệu chứng bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế. Nếu xác định bị nhiễm corona sẽ có biện pháp đáp ứng ngay và cách ly. Cũng cần tuyên truyền khuyến cáo để người dân hiểu rõ tình hình dịch mức độ nào chúng ta đáp ứng mức đó, không đáp ứng kém nhưng phải hợp lý để đáp ứng tốt nhất, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế, xã hội, đặc biệt là an ninh của người dân.

Điều quan trọng là thông tin phải minh bạch tới người dân. Thông tin minh bạch còn là sự nắm bắt thông tin và đáp lại các thông tin phản hồi để huy động các nguồn lực, và người dân không hoang mang. Nắm được các thông tin phản hồi để đáp ứng lại và huy động các nguồn lực. Nếu bưng bít thông tin sẽ dẫn tới sự tiêu cực trong phòng chống dịch. Một điểm quan trọng là tình hình dịch diễn biến tới đâu cần phải phân tích triệt để, thấu đáo, kể cả khoa học, kinh tế, chính trị để bàn ra các đáp ứng. Nói tóm lại chúng ta cần có kế hoạch đáp ứng phù hợp, hợp lý trong mỗi giai đoạn của dịch để làm tốt hơn

Trân trọng cảm ơn ông!

PV: Trong bối cảnh này, theo ông người dân cần làm gì để bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh?, nhất là hiện nay trước nhiều thông tin không chính xác từ mạng xã hội càng làm cho người dân thêm lo lắng?

Ông Trần Đắc Phu: Để chống dịch thành công cần sự hợp tác của người dân. Người dân cần nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo từ Bộ Y tế để có thể khống chế dịch thành công. Đó là hạn chế đến những vùng có dịch, tiếp xúc với những người đến từ vùng có dịch. Nếu người dân phải tiếp xúc, làm việc với những người đến từ vùng có dịch phải đeo khẩu trang, đứng xa trên 2 m. Khi có những biểu hiện như sốt, ho, khó thở, người dân phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị. Người dân cần phải rửa tay bằng xà phòng, súc miệng nước muối, nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, đặc biệt phải ăn những đồ ăn chín. Khi bị bắt buộc phải tiếp xúc với vùng có dịch, hoặc đến tiếp xúc với những người từ vùng có dịch về người dân phải đeo khẩu trang. Chúng ta đang kiểm soát được dịch nhưng người dân phải hợp tác mới có thể đạt kết quả. Nếu không tuân thủ khuyến cáo như không chịu đeo khẩu trang, che mặt khi ho, hắt hơi, không rửa tay thường xuyên, đi lễ hội tiếp xúc nhiều người, việc chống dịch sẽ rất khó dù chúng ta có kinh nghiệm hay tiềm lực như thế nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình tĩnh chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO