Bồi dưỡng nhân tài, nuôi dưỡng đam mê

Hàn Minh 26/04/2020 08:00

Trong vòng 5 năm gần đây, kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn học sinh giỏi (HSG) Việt Nam có những điểm nhấn mới. Bên cạnh một số đội tuyển có thành tích ổn định, đạt nhiều giải cao, xếp thứ hạng cao, nhiều thí sinh cũng đạt điểm tuyệt đối, thậm chí thủ khoa trong kỳ thi Olympic quốc tế làm rạng danh trí tuệ Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Bồi dưỡng nhân tài, nuôi dưỡng đam mê

Đội tuyển Olympic tin học quốc tế 2019 của Việt Nam.

Chặng đường đáng tự hào

Nhìn lại bảng vàng thành tích của các thí sinh Việt Nam qua các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế 10 năm trở lại đây, những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà hẳn đều cảm thấy tự hào. Bên cạnh việc cải thiện và giữ vững thứ hạng cao trên bảng xếp hạng, nhiều đội tuyển cũng ghi dấu ấn bởi điểm số đáng mơ ước của các thành viên trong đoàn. Đơn cử như năm 2019, các đội tuyển dự thi Olympic quốc tế của Việt Nam đã giành được 25 Huy chương, trong đó có 11 Huy chương Vàng (HCV), 10 Huy chương Bạc (HCB) , 4 Huy chương Đồng (HCĐ). Năm 2018, Việt Nam có 38/38 lượt học sinh của 7 đội tuyển tham dự các kỳ Olympic quốc tế đều đoạt giải. Trong đó có 13 HCV, 14 HCB và 11 HCĐ.

Nhìn lại những năm 2011 trở về trước, chúng ta đã có những năm số HCV và HCB chiếm tỉ lệ thấp, nhiều môn không có HCV như Sinh học, Tin học thì những năm gần đây đã được khắc phục. Chưa kể, trong những năm gần đây, số lượng các tỉnh có học sinh được giải Olympic quốc tế tương đối lớn, mở rộng ra nhiều tỉnh thành xưa nay chưa có truyền thống học sinh đoạt giải Olympic khu vực, quôc tế. Điển hình là Yên Bái - một tỉnh miền núi phía Bắc năm 2019 đã có học sinh đạt Huy chương Olympic Hóa học quốc tế.

Nhắc lại điều này để thấy, những thay đổi của ngành giáo dục trong việc tổ chức các kỳ thi chọn HSG, bồi dưỡng nhân tài… thời gian qua đã thể hiện hướng đi đúng đắn, phù hợp. Cụ thể, theo phân tích của ngành giáo dục, trong những năm gần đây, việc tổ chức sớm kỳ thi chọn HSG quốc gia đã làm tăng thời gian tập huấn của các đội tuyển. Bên cạnh đó, chương trình tập luyện tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế. Đặc biệt, những phần thực hành, thí nghiệm vốn chưa phải là thế mạnh của nước ta so với các nước tiên tiến trên thế giới đã được chú trọng dẫn đến sự chuyển biến tích cực của công tác đào tạo các môn thực nghiệm nói chung trong những năm gần đây.

Ngoài ra, việc đồng bộ các giải pháp coi thi, chấm thi đảm bảo khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh cũng góp phần chọn ra được những HSG nhất cho các đội tuyển.

Đổi mới thi chọn HSG

Theo ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), thi chọn HSG cấp quốc gia nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.

Hiện Bộ GDĐT cũng đang nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của công tác thi chọn HSG để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn HSG cấp quốc gia, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020 theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tính tự chủ của cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đối với các thí sinh, ngành giáo dục tiếp tục duy trì, bổ sung chính sách tuyển thẳng vào ĐH,CĐ đối với các học sinh đoạt giải HSG quốc gia và ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam cho các học sinh đoạt giải Olympic khu vực và quốc tế. Đây được xem là tạo động lực phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao của học sinh và các nhà trường.

Tuy nhiên, một băn khoăn đặt ra lâu nay đó là sau những tấm huy chương, sau những thành tích đạt được và những miệt mài suốt những năm tháng phổ thông phần nhiều là ở trường chuyên, lớp chọn, chúng ta đã làm gì để tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê cho những HSG ấy? Đơn cử như trong lĩnh vực Toán học, theo GS.TSKH Phùng Hồ Hải (Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), mặc dù chúng ta có khoảng 70 lớp chuyên toán trên cả nước, với khoảng hơn 2.000 HS chuyên toán mỗi năm nhưng tất cả các khoa toán tại các trường ĐH lớn trong nước đều thiếu sinh viên. Thậm chí, tỷ lệ HS chuyên toán tiếp tục theo đuổi ngành toán tại ĐH theo ước đoán của ông Hải chỉ không đạt nổi 10%.

Phải chăng công tác bồi dưỡng niềm đam mê và nâng cao hiểu biết của HS thông qua các kỳ thi chọn HSG cũng chưa đủ thuyết phục những tài năng này tiếp tục lựa chọn con đường nghiên cứu ở bậc học cao hơn? Đành rằng không phải mọi sự “rẽ ngang” - lựa chọn học chuyên ngành trái các môn học các em đoạt giải - chủ yếu là học kinh tế sau này đều là sự nuối tiếc. Nhưng rõ ràng, có những rào cản không nhỏ để các em tiếp tục phát huy tài năng của mình trong lĩnh vực chuyên môn được đào tạo bài bản, cặn kẽ nếu theo đuổi con đường nghiên cứu học thuật trong nước. Còn nếu ra nước ngoài, lại những ưu tư khác đặt ra về việc đóng góp của các em cho sự phát triển của nước nhà…

Nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều kỳ thi đã phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ, trong đó có kỳ thi Olympic Vật lý, Toán học, Hóa học, Sinh học… Châu Á dành cho HS đến từ các nước trong khu vực. Các kỳ thi Olympic quốc tế tương tự đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức song theo thông lệ diễn ra hàng năm vào khoảng tháng 7 thì năm nay có tổ chức được kỳ thi này hay không vẫn cần thời gian mới trả lời được.

Trong khi đó, ở Việt Nam, kỳ thi chọn đội tuyển HSG quốc gia vòng 2 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 27-29/3/2020 cũng đang tạm hoãn với việc nhiều địa phương trên cả nước cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng. Bảng vàng thành tích của Việt Nam cũng vì thế có thể mất đi một số tấm huy chương nhưng như lãnh đạo Bộ GDĐT đã chia sẻ, sức khỏe mới là quan trọng nhất.

Đặt vấn đề với một thầy giáo nhiều năm dẫn đội Việt Nam tham gia các kỳ thi HSG quốc tế rằng có thiệt thòi gì cho những HS đã miệt mài ôn luyện suốt năm qua, thậm chí nhiều năm trước đó để chuẩn bị cho những kỳ thi HSG 2020 hay không, vị này thẳng thắn: Đứng về phía người học, hẳn các em cũng có phần buồn vì mất đi cơ hội cọ xát, thử sức mình ở những đấu trường lớn hơn nhưng so với tình hình khó khăn chung của đất nước và cả thế giới, những điều đó chưa thấm thía vào đâu. “Chặng đường học tập của mỗi người không chỉ gói gọn trong 12 năm học phổ thông. Cũng không chỉ có duy nhất kỳ thi HSG để các em thể hiện mình mà còn nhiều cơ hội khác để mỗi học sinh trưởng thành hơn. Những tấm huy chương có thể đem lại cho các em nhiều cơ hội song kể cả khi thiếu vắng huy chương, các em vẫn có thể thành công khi giữ được sự kiên trì, ngọn lửa đam mê và quyết tâm đi đến cùng trên con đường tìm kiếm tri thức”, thầy giáo này chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bồi dưỡng nhân tài, nuôi dưỡng đam mê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO