Bùng nổ kích cầu du lịch nội địa

Thanh Giang 06/06/2020 09:10

Trong khi chưa thể thu hút khách du lịch nước ngoài vì dịch bệnh Covid-19, du lịch trong nước tập trung phát triển khách nội địa với khẩu hiệu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Tuy nhiên, để thu hút tốt khách du lịch trong nước nhiều ý kiến cho rằng, cần có những kế hoạch kích cầu cụ thể chứ không chung chung được.

Bùng nổ kích cầu du lịch nội địa

Các tỉnh, thành đẩy mạnh hoạt động thu hút khách du lịch.

Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, du lịch đang có xu hướng giảm giá mạnh nhằm thu hút du khách. Theo đó, dòng khách sạn 5 sao chỉ lấy giá bằng khách sạn 3 sao. Có khách sạn 5 sao chào giá 3 triệu đồng cho 3 ngày 2 đêm. Nhiều khách sạn còn giảm giá bằng cách ở 2 đêm miễn phí 1 đêm…Mặc dù vậy, khách du lịch vẫn chưa nhiều.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định: “Khách không đi nhiều vì vẫn lo dịch bệnh. Thêm vào đó, nội dung kích cầu còn chung chung và chưa cụ thể, cho nên khách đa phần khách vẫn có tâm lý chờ đợi”.

Không riêng cơ sở lưu trú giảm sâu giá phòng, các công ty lữ hành đang tập trung phát triển du lịch nội địa theo hướng “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Là đơn vị chuyên khai thác thị trường khách quốc tế nhưng sau dịch Công ty TST tourist đã chuyển hướng sang khai thác thị trường du lịch trong nước.

“Sau dịch bệnh, Công ty đã xây dựng nhiều tour giảm giá sâu, giảm giá thật, không nâng lên hạ xuống gây thất vọng cho du khách. Kích cầu du lịch bằng cách giảm giá tour nhưng vẫn hướng đến giá trị thật, vẫn đảm bảo chất lượng phục vụ” – đại diện công ty này cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel nêu quan điểm: “Muốn kích cầu hiệu quả chúng ta có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ du khách 1 triệu đồng khi đăng ký tour. Chương trình này chỉ áp dụng cho du khách đi tour trọn gói của tất cả các công ty du lịch”. Theo phân tích của vị này, từ chính sách tặng 1 triệu đồng, Nhà nước chỉ cần bỏ ra 10.000 tỷ đồng cho 10 triệu khách nhưng có thể thu được 30.000 – 50.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Lý do, mỗi người đi du lịch sẽ chi tiêu ít nhất từ 3 - 5 triệu đồng.

“Chính sách này về lâu dài rất cần thiết để hồi sinh ngành du lịch sau dịch bệnh” - ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho hay, sau dịch bệnh đơn vị đã xây dựng chiến dịch “Xin chào TP HCM”, tập trung giới thiệu một số sản phẩm mới. Song song đó, Sở tung ra gói kích cầu với sự tham gia của 24 doanh nghiệp với mức giảm 60%. Sở cũng yêu cầu, khi giảm giá tour không được giảm chất lượng, dịch vụ đi kèm. Với khoảng 10 triệu dân thành phố nhưng chỉ cần 2/3 đi du lịch nội thành thì TP HCM sẽ đạt được hiệu quả kích cầu trong thời gian tới. Hầu hết các công ty lữ hành đều mong muốn thực hiện kích cầu du lịch giúp ngành này khôi phục sớm.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Chỉ khi đảm bảo những điểm đến an toàn mới có thể xóa bỏ tâm lý e ngại khi đi du lịch trong thời điểm này.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong quý 1/2019 Việt Nam đón gần 25 triệu khách nội địa. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên quý 1/2020 chỉ đón được 13 triệu khách du lịch nội địa. Nếu thời gian tới, chương trình kích cầu du lịch được đẩy mạnh và cùng nỗ lực thực hiện thì dự kiến sẽ đón khoảng 31 triệu khách (năm 2019 đón 82 triệu khách). Trường hợp không triển khai tốt, không có các chương trình thu hút du khách khả năng cuối năm 2020 Việt Nam chỉ đón 13 triệu khách nội địa, bằng con số của quý 1.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bùng nổ kích cầu du lịch nội địa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO