Bước thử nghiệm cần thiết

Bắc Phong 16/09/2022 07:00

Nói về việc kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản trong công tác quản lý cán bộ, PGS.TS Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, tuy việc bốc thăm để xác minh kê khai tài sản chưa giải quyết được triệt để nhưng có thể tìm ra cán bộ khai có đúng, có trung thực hay không. Có thể coi việc bốc thăm xác minh như một bước thử nghiệm, về nguyên tắc cũng giống việc nghiên cứu, cần chọn mẫu, nếu chọn mẫu tốt sẽ phản ánh đúng thực tế.

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 130 năm 2020 của Chính phủ, hàng năm cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải rà soát tối thiểu 20% số cán bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh; trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trước ý kiến cho rằng việc bốc thăm ngẫu nhiên có thể bỏ lọt cán bộ tham nhũng, PGS Lê Văn Chiến nhấn mạnh, đã là chọn mẫu thì không thể chính xác tới 100%, nhưng nó phản ánh được thực tế để sau đó có quyết sách. Việc chọn mẫu ít nhiều cũng mang tính răn đe. Khi mà bất kỳ ai khi kê khai cũng phải dè chừng, lường trước rồi sẽ đến lượt mình, nên phải kê khai trung thực.

Còn theo ông Lê Xuân Lịch - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Địa phương (Ban Tổ chức Trung ương) thì quan trọng nhất là cán bộ có trung thực hay không, người đi kiểm tra, xác minh có trung thực hay không.

Thời gian qua đã có một số cơ quan, địa phương tổ chức bốc thăm xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ trong diện kê khai tài sản. Ví dụ, Tổng cục Thuế có 71 cán bộ được bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản thu nhập, đều ở cấp trưởng/phó phòng và chi cục trưởng/chi cục phó chi cục thuế; vụ trưởng, vụ phó. Kiểm toán Nhà nước đã lựa chọn ngẫu nhiên 34 cán bộ thuộc 6 đơn vị trong ngành để xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Hà Nội giao Thanh tra thành phố xác minh tài sản, thu nhập người có nghĩa vụ kê khai tại 12 đơn vị, được lựa chọn ngẫu nhiên bằng hình thức bốc thăm. Tỉ lệ người được xác minh tại mỗi đơn vị theo quy định tối thiểu là 10% tổng số cán bộ thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hằng năm. Việc này cũng nhằm xác minh tính chính xác, trung thực, đầy đủ, rõ ràng các nội dung trong bản kê khai tài sản, thu nhập của người được xác minh tài sản, thu nhập; tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; xác minh thực tế tài sản, thu nhập của người được xác minh.

Kê khai tài sản, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập không phải là việc mới; tuy nhiên kết quả ra sao vẫn là điều cần phải bàn và tìm ra cách làm tốt hơn. Nói như ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) thì việc bốc thăm để kiểm tra tính trung thực của cán bộ kê khai tàn sản, thu nhập sẽ làm thay đổi nhận thức của người có nghĩa vụ kê khai. Ông Minh cũng cho biết, sau khi chọn được cán bộ cần xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan chức năng sẽ lập tổ kiểm tra. Tiếp đó, tổ này sẽ thẩm tra, xác minh, kết luận cán bộ đó có trung thực trong quá trình kê khai tài sản, thu nhập hay không. Nếu xác định được cán bộ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, tùy từng mức độ có thể bị kỷ luật theo các hình thức của Luật Cán bộ, công chức, thậm chí nếu là lãnh đạo còn bị mất chức, giáng chức.

Thực tế cho thấy tại những cơ quan, địa phương đã tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ trong diện kê khai, nhận được nhiều ý kiến đồng thuận vì rằng 10% ngẫu nhiên đó không phải là con số cuối cùng. Việc chọn ngẫu nhiên để xác minh kê khai tài sản, thu nhập không phải là “lá thăm may rủi”, vì tất cả cán bộ có nghĩa vụ thì phải kê khai tài sản và được xác minh khi có yêu cầu.

Nói như đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) thì để tránh hình thức, thì việc lấy danh sách cán bộ bốc thăm ngẫu nhiên phải chặt chẽ, rõ ràng, công khai, minh bạch. Kết quả xác minh phải công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ, công chức thường xuyên làm việc để mọi người cùng biết. Đồng thời tăng nặng chế tài xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực để góp thêm hiệu quả cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Báo (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) thì kiểm soát tài sản thu nhập là hạt nhân phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Tuy nhiên vẫn đang còn “lỗ hổng để quan tham lách luật”. Vì thế bà Báo cho rằng, cùng với việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, cần xây dựng cơ chế để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ có chức quyền và người thân của họ, kể cả cha mẹ, họ hàng để tránh việc tẩu tán tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bước thử nghiệm cần thiết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO