Lần đầu tiên giới doanh nhân khuyết tật được tôn vinh

Ngọc Kha 16/04/2018 12:38

“Dù mang trong mình khiếm khuyết, nhưng tinh thần, nghị lực, tri thức của họ là tấm gương sáng, là những bài học cuộc sống sinh động khiến nhiều người phải soi rọi, noi theo”, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam Lương Phan Cừ nhận định.

Lần đầu tiên giới doanh nhân khuyết tật được tôn vinh

Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Lương Phan Cừ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Ngọc Kha.

Nhân kỷ niệm ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4/2018, trong hai ngày 16-17/4, tại Hà Nội, lần đầu tiên Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức chương trình: “Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật” và giao lưu “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XV năm 2018.

Ngoài ra, một cuộc tọa đàm “Cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật - Thực tiễn và kiến nghị” cũng được tổ chức tối cùng ngày khai mạc.

Tham dự chương trình có 48 đại biểu người khuyết tật (NKT) là các giám đốc doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất được lựa chọn từ 37 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Mỗi đại biểu đem đến hội thảo một câu chuyện thú vị về quá trình vượt dốc đi lên, thành lập và phát triển doanh nghiệp, cơ sở. Đến từ mọi miền của đất nước, mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện, môi trường, tình trạng khuyết tật khác nhau, trong số đó có những người không một ngày đến trường, nhưng họ đều có chung ý chí, nghị lực bứt phá, vượt qua khuyết tật, luôn tiến lên phía trước.

Anh Nguyễn Quốc Toàn (Phú Thọ), liệt toàn thân chỉ có hai ngón tay còn cử động, đã thành lập Công ty TNHH NQT đưa công nghệ thông tin đến với quê hương mình. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay Công ty đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, đã thi công nhiều công trình trọng điểm, doanh thu hàng năm đạt 6-8 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (Quảng Nam), với niềm đam mê kinh doanh đã cùng chồng thành lập Công ty TNHH Quang Toàn, chuyên mua bán, sửa chữa các loại mô tô, gia công cơ khí. Hàng năm, Công ty nộp ngân sách trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 50 lao động với thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Thanh Hóa), với chiều cao 0,8m, tốt nghiệp cao đẳng kế toán, với chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống “có những nỗi đau phải tự mình chấm dứt, có những nước mắt phải tự mình lau khô, có những nụ cười phải tự mình mang đến, có những hạnh phúc phải tự mình tạo nên”, chị ngẩng cao đầu bằng chiều cao của ý chí và nghị lực. Chị thành lập Công ty TNHH sản xuất - dịch vụ và Thương mại Suri, chuyên sản xuất các mặt hàng bê tông đúc sẵn, bàn ghế đá granite, kinh doanh vận tải, san lấp mặt bằng, cho thuê kho bãi.

Xuất thân từ gia đình bần nông, lại bị khiếm thị nhưng anh Điêu Chính Quốc Tuấn (Bình Phước) luôn xác định phải làm gì đó để không bị phụ thuộc. Không chấp nhận cái nghề đã làm chỉ đủ để kiếm sống, như xay đậu hũ, bán tạp hóa nhỏ, anh nảy ra ý tưởng làm dịch vụ nấu ăn. Cơ sở đã tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên.

Chị Hoàng Thị Khương (Hà Nội), giám đốc Công ty TNHH thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương, đã dạy nghề cho 50 NKT.

Chị Phạm Thị Dung (Thái Bình) dạy nghề may, đan làn móc hộp, nghề làm hương cho hàng trăm NKT và phụ nữ nông thôn quê nhà.

Ông Nguyễn Văn Trung (Hà Nội), giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn, 13 năm qua, từ khi thành lập doanh nghiệp đến nay, đã đào tạo nghề mây tre đan cho hơn 800 người.

Anh Nguyễn Văn Xuân (Bình Định), chủ cơ sở điện máy Vạn Xuân, trong quá trình làm nghề đã đào tạo và kèm cặp trên 20 người, họ đều mở tiệm sửa chữa và mua bán điện tử, điện lạnh với thu nhập ổn định.…

“Dù mang trong mình khiếm khuyết, nhưng tinh thần, nghị lực, tri thức của họ là tấm gương sáng, là những bài học cuộc sống sinh động khiến nhiều người phải soi rọi, noi theo”, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Lương Phan Cừ nhận định.

* Chương trình giao lưu “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XV sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV2 lúc 20h30 ngày 16/4/2018. Đây là sự kiện thường niên của Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam nhằm vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ quỹ Hội để trợ giúp cho NKT, TMC và người có hoàn cảnh khó khăn khác trên cả nước. Tại chương trình, sẽ công bố số tiền và hiện vật quy tiền ủng hộ quỹ Hội trong năm qua của Trung ương Hội là hơn 20 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội đã tổ chức nhiều chương trình trợ giúp có hiệu quả như: Phẫu thuật chỉnh hình, mổ mắt thay thủy tinh thể, dạy nghề cho NKT, tặng xe lăn, xe đạp, học bổng, hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC…

*Tọa đàm “Cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT - thực tiễn và kiến nghị” là diễn đàn để các giám đốc, chủ cơ sở là NKT chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của đơn vị, những khó khăn gặp phải, đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thuế, vốn, đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường…. Qua đó, kiến nghị các cơ quan chức năng sớm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, văn bản pháp luật, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung những quy định phù hợp với tính đặc thù của cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT, của doanh nghiệp do NKT làm chủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lần đầu tiên giới doanh nhân khuyết tật được tôn vinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO