Cẩn trọng khi bán 'của để dành'

Hồ Hương (thực hiện) 18/09/2016 08:45

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng cần thận trọng khi bán vốn, thoái vốn nhà nước, không để bị nhóm lợi ích chi phối.

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính thì vốn nhà nước trong các doanh nghiệp lớn giống như “của để dành”, nên cần có sự kiểm soát chặt chẽ, và phải thật sự cẩn trọng.

Quá trình thoái vốn ngoài ngành, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, vì có bộ ngành còn chưa quyết liệt, mặt khác có vấn đề trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp. Họ cũng “tâm tư” vì bán hết vốn thì mình ở đâu? Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính- ông Đặng Quyết Tiến trao đổi về quá trình “bán của để dành” trong thời gian tới.

PV:Thưa ông, việc cổ phần hóa DNNN vẫn chậm. Tính ra trong 8 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng chỉ cổ phần hóa được 4 DN. Bộ Tài chính còn đưa ra giải pháp trong thời gian tới, những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, khẩn trương có phương án thoái vốn để cắt lỗ. Năm này qua năm khác quá trình thoái vốn DNNN, cổ phần hóa DNNN vẫn cứ ì ạch?

Ông Đặng Quyết Tiến: Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, khách quan là do thị trường chứng khoán vốn chịu tác động thế giới cũng như khó khăn nội tại nên nhu cầu và dòng vốn hạn chế, không bán được như mong muốn.

Nhưng quan trọng hơn là có bộ ngành còn chưa quyết liệt, mặt khác có vấn đề trách nhiệm người đứng đầu DN. Họ cũng “tâm tư” vì bán hết vốn thì mình ở đâu? bị chậm cũng còn có thể do vấn đề con người.

Có một thực tế, nhiều DN đã tiến hành CPH nhưng không thực hiện niêm yết trên thị trường. Điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư chiến lược cảm thấy không an tâm. Thưa ông liệu sẽ có chế tài xử phạt ra sao đối với các DN này?

- Theo quy định về việc niêm yết đã được khuyến khích thực hiện và là yêu cầu bắt buộc từ khi ban hành Quyết định số 51/2014, nhưng vẫn chưa có chế tài xử phạt. Đối với các doanh nghiệp đã CPH nhưng vẫn không niêm yết trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cũng đã có kiến nghị và tới đây sẽ nghiên cứu để đưa ra chế tài xử phạt cụ thể với tình trạng này.

Trước mắt, đối với các DN chậm niêm yết đăng ký giao dịch, Chính phủ đã và đang chỉ đạo, đôn đốc người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan chủ sở hữu yêu cầu thực hiện đúng quy định, trừ trường hợp có những yếu tố khách quan chưa đủ điều kiện.

Trong khi chế tài xử phạt còn đang hoàn thiện, cơ quan nhà nước chỉ có thể đề nghị các DN gương mẫu thực hiện; đồng thời nhận thức đầy đủ rằng việc niêm yết trên thị trường chứng khoán mới đảm bảo được sự công khai, minh bạch- một trong những mục tiêu mà việc nâng cao quản trị doanh nghiệp sau CPH hướng tới.

Thưa ông, cuối năm 2015 Chính phủ đã yêu cầu SCIC xây dựng lộ trình bán hết vốn tại 10 DNNN lớn, như Vinamilk, FPT, FPT Telecom, Bảo Minh.... Đây được xem là “những con gà đẻ trứng vàng”, được các nhà đầu tư nước ngoài chờ đón trên thị trường chứng khoán. Đến nay công tác bán vốn nhà nước đã được chuẩn bị như thế nào?

- Với sự chỉ đạo và triển khai quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác CPH và thoái vốn nhà nước tại DN đã có những chuyển biến tích cực. Như trong giai đoạn 2011-2015 đã CPH gần 500 DNNN. Đến cuối năm 2015, Chính phủ cũng yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) “chọn thời gian thích hợp” để thoái hết vốn nhà nước tại 10 DN là: Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh; Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam; Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang; Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên tiền phong; Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk); Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam; Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh; Công ty cổ phần Sữa Việt Nam; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang; Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Viễn thông FPT.

Đẩy nhanh tiến độ đi cùng với việc kiểm soát chặt chẽ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để tránh thất thoát.

Sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, SCIC đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện với Vinamilk ngay trong năm 2016, có 9 DN còn lại cũng thực hiện trong năm nay và đầu năm 2017.

Việc triển khai bán vốn tại các DN này được thực hiện theo một trình tự, lộ trình phù hợp với nguyên tắc thu về lợi ích cao nhất cho Nhà nước đồng thời thúc đẩy thị trường phát triển, không gây biến động lớn làm ảnh hưởng đến việc thoái vốn tại các DN khác có quy mô nhỏ hơn.

Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ giám sát SCIC để đảm bảo tránh gây biến động thị trường chứng khoán, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, công khai, minh bạch, thị trường, cạnh tranh; đảm bảo cao nhất quyền lợi của Nhà nước và cả các cổ đông. Lần đầu tiên bán hàng tốt, số lượng lớn phải thăm dò chứ không thể có món hàng ngon bán hết, cần phải thận trọng. Tôi tin, SCIC sẽ lựa chọn ra phương án hiệu quả”

Theo tính toán, nếu thoái vốn thành công tại các DN này, có thể thu được về khoảng 7 tỷ đô. Nguồn tiền này sẽ được sử dụng như thế nào, thưa ông?

- Một phần sẽ được thực hiện tái đầu tư cho DNNN, còn lại theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Một phần còn lại sẽ sử dụng để chi cho đầu tư phát triển xây dựng các công trình trọng điểm, an sinh xã hội ví dụ như bệnh viện trọng điểm các tuyến; chi hỗ trợ chương trình nông thôn, chống biến đổi khí hậu,... Trong tình hình ngân sách nhà nước còn hạn chế, nếu có thêm nguồn chi đầu tư phát triển này là cần thiết.

Ông có thể chia sẻ về các bước đi tiếp theo để thúc đẩy nhanh quá trình CPH, thoái vốn ngoài ngành trong thời gian tới?

- Theo tôi, một số điểm quan trọng của công tác CPH trong giai đoạn này là sẽ tiến hành trước việc CPH và thoái vốn ở các DN kinh doanh có hiệu quả đúng như Nghị quyết của Đảng. Việc này cần phải được triển khai hiệu quả để tìm được những nhà đầu tư, người mua phát huy được giá trị của vốn nhà nước, thu về nhiều nhất có thể để tái đầu tư.

Bên cạnh đó, trong quá trình CPH, việc thận trọng, tránh làm bằng mọi giá, tránh thất thoát được đặt lên hàng đầu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Với sự thận trọng đó, cơ quan quản lý cũng đang nhận thấy vấn đề định giá DN của các đơn vị tư vấn vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát, kiểm toán lại để xác định rõ giá trị DN và cũng nhằm đánh giá chất lượng của công ty tư vấn để đảm bảo tính đúng, tính đủ, tính chính xác trong hoạt động này.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng khi bán 'của để dành'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO