Cắt giảm điều kiện kinh doanh

Nguyên Khánh 18/10/2018 10:00

Đã qua hơn 2 tháng kể từ mốc thời gian Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành có phương án cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bất hợp lý trong tổng số 6.191 điều kiện. Tới nay mới cắt giảm được 1.517 điều kiện, vẫn còn tới 2.277 ĐKKD cần tiếp tục cắt giảm.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh

Cắt giảm thủ tục kinh doanh vẫn là vấn đề khó.

Để hối thúc các bộ ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng trong trong 2 ngày 16 và 17/10 Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có các cuộc làm việc với nhiều bộ ngành hối thúc các đơn vị này đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt bỏ những ĐKKD được cho là gây khó cho doanh nghiệp (DN).

Câu chuyện thủ tục hành chính, ĐKKD, rồi kiểm tra chuyên ngành gây khó cho DN, có lẽ cộng đồng DN thấm thía nhất. Ngay tại cuộc kiểm tra 4 bộ gồm: Giao thông vận tải (GTVT), Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, rất nhiều thủ tục được cho là gây khó cho DN đã được liệt kê. Điều đó cho thấy “rừng” thủ thục dù đã dần được “phát quang” nhưng vẫn còn không ít ĐKKD còn gây cho DN không ít nỗi đoạn trường.

Dẫn chứng về việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 năm 2014 của Bộ GTVT về kinh doanh và ĐKKD doanh vận tải bằng xe ô tô còn nhiều bất cập. Cụ thể như quy định xử lý vi phạm, 7 ngày liên tục vi phạm thì thu hồi phù hiệu: “Vậy thì lái xe vi phạm 6 ngày, ngày thứ 7 nghỉ, ngày thứ 8 vi phạm thì xử lý như thế nào. Quy định như thế là tạo kẽ hở”. Ông cũng lo ngại trước quy định DN phải đến Sở GTVT để được cấp phù hiệu tăng cường: Bởi “DN phải đến Sở 52 lần 1 năm thì còn thời gian đâu làm việc nữa”.

Nói về “ rừng” ĐKKD trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, trước đó, ông đã không đủ bình tĩnh để đọc hết 43 trang Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và ĐKKD doanh vận tải bằng xe ô tô. Nguyên cớ của bức xúc này nằm ở những quy định được gọi là ĐKKD trong dự thảo trên, nhưng bản chất là các thủ tục hành chính hoặc là những điều kiện can thiệp quá sâu vào quyền kinh doanh của DN.

“Tại sao cơ quan nhà nước phải quy định taxi tính cước theo đồng hồ tính tiền (hoặc thông qua phần mềm) căn cứ vào km xe lăn bánh, thời gian chờ đợi... Cách tính cước thế nào là do DN tự quyết định. Đây cũng là cách tạo dư địa cho các DN cạnh tranh, nhờ đó người tiêu dùng sẽ hưởng lợi, thì tại sao phải quy định cứng? Các hãng hàng không đã được quyền tự quyết định giá, tại sao taxi thì không?”- ông Cung đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Vì sao Bộ GTVT lại quy định đơn vị kinh doanh bến xe có quyền kiểm tra điều kiện đối với xe ô tô, lái xe và xác nhận vào lệnh vận chuyển; cho xe xuất bến vận chuyển hành khách nếu đủ điều kiện, không cho xe xuất bến đối với các trường hợp không đủ điều kiện? Tại sao không tư duy theo hướng, đơn vị kinh doanh bến xe là DN, cũng phải đặt mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, sẽ phải tìm cách phục vụ tốt nhất cả nhà xe để họ chọn làm bến đỗ? Quản lý nhà nước là tạo điều kiện để các bến xe cạnh tranh, thu hút nhà xe, chứ không thể bắt bến xe làm việc của cơ quan quản lý nhà nước”- ông Cung phân tích.

Đó chỉ là một trong số những bức xúc về ĐKKD được các DN, các chuyên gia phản ánh với một lĩnh vực cụ thể. Thực tế, còn rất nhiều ĐKKD vô lý, được nhân danh quản lý nhưng kết cục là gây khó dễ cho DN.

Phát biểu tại cuộc làm việc với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tư pháp về việc chậm ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các ĐKKD, sáng 17/10, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: “Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quyết liệt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều yêu cầu các cơ quan Chính phủ cải cách phải đi vào thực chất. Nhưng người dân vẫn nghi ngại chưa thực chất, thể hiện ở chỗ chậm tiến độ, so với thời hạn ngày 15/8 thì đến nay đã quá 2 tháng nhưng vẫn chưa hoàn thành việc cắt giảm”, Do đó, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 30/10 là hạn cuối cùng để hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, ĐKKD. Sau thời điểm 30/10, sẽ có đánh giá chi tiết, cụ thể về kết quả, chất lượng cắt giảm các điều kiện, thủ tục, mặt được, mặt không được, công bố công khai cho DN biết.

Cũng theo Bộ trưởng, tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội rất đầy đủ, thực chất về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm ĐKKD, nếu bộ nào làm không tốt “chắc chắn các đại biểu sẽ rất quan tâm và chất vấn chính các Bộ trưởng”.

Để công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các ĐKKD thiết thực hơn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên chỉ rõ, dư địa tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay không phải tiền mà chính là thể chế và cơ chế đang trói buộc. “Qua đợt này có cái nhìn tổng thể về hệ thống thể chế dựa trên nền tảng công nghệ, cơ chế nguyên tắc hoàn toàn mới”.

Lý do của mọi lý do dẫn đến sự chậm trễ này được ông Thiên “điểm mặt” đó là vẫn còn tình trạng một số bộ ngành duy trì cơ chế xin cho, kéo thủ tục về phía mình, đẩy rủi ro cho xã hội. Nói là kiểm tra chặt chẽ nhưng không kiểm tra gì cả cuối cùng đẩy rủi ro cho xã hội.

Do vậy, phải sử dụng cách tiếp cận về quy chuẩn, tiêu chuẩn, phải để DN làm công khai chịu trách nhiệm, Nhà nước giám sát. Đồng thời thông tin chuyên ngành phải kết nối với nhau chứ ông này kiểm tra xong ông khác xuống để “gặp riêng” cho tiện thì khó.

Đặc biệt, phải coi DN là động lực phát triển kinh tế, thay vì đối tượng quản lý, phải đóng thuế, phải kiểm tra... bất chấp “sức khỏe” của họ ra sao, những rào cản họ phải đương đầu ngày càng gay go ra sao, họ cần gì để đủ sức cạnh tranh trong tình hình hội nhập mới. Từ tư duy đó mà đổi thay cách nghĩ, cách đối xử với những người làm giàu cho đất nước, nếu vẫn cứ kiểu quản lý gây khó thì DN cũng khó có thể “lớn” được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cắt giảm điều kiện kinh doanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO