Châu Âu gian nan chuyển đổi xanh

Hà Anh 27/05/2023 06:37

Sự phản đối ngày càng tăng đối với các luật mới của Liên minh châu Âu nhằm bảo vệ môi trường đã khiến Ủy ban châu Âu (EC) phải đấu tranh để giữ nguyên vẹn tầm nhìn của mình về quá trình chuyển đổi xanh của châu Âu.

Các quy định về môi trường của EC đang vướng nhiều sự phản đối từ chính các quốc gia trong khối. Ảnh: Reuters.

Trước thềm cuộc bầu cử tại Nghị viện châu Âu vào tháng 6/2024, Liên minh châu Âu (EU) đang chạy đua để hoàn thiện 2 dự luật mang tính bước ngoặt về môi trường: các mục tiêu ràng buộc các quốc gia khôi phục môi trường sống tự nhiên bị hư hại và mục tiêu giảm một nửa việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học vào năm 2030.

Nhiều luật về môi trường của EU đã được thông qua trong 2 năm qua, nhưng mong muốn của một số nhà lập pháp và các quốc gia thành viên đang giảm dần khi các nhóm nông nghiệp cho rằng, nếu tiếp tục thay đổi thì họ phải nhận được nhiều sự hỗ trợ tài chính hơn.

Brussels đã đề xuất các luật về môi trường vào tháng 6 năm ngoái. Nhưng gần đây gia tăng sự phản đối khi các nước EU và các nhà lập pháp chuẩn bị cho các cuộc đàm phán cuối cùng. Nhóm lớn nhất của Nghị viện châu Âu, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) đã kêu gọi hủy bỏ luật môi trường vì cho rằng nó sẽ gây tổn hại cho nông dân.

"Mọi người đều thất vọng với các quy định mới hàng năm. Không một người nông dân nào có thể đoán trước được điều gì đang xảy ra trên mảnh đất của mình, loại quy tắc nào mà họ phải tuân theo trong những năm tới” – nhà lập pháp Peter Liese của EPP nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã đề xuất tạm dừng quy định mới về môi trường của châu Âu để các ngành công nghiệp có thời gian tiếp thu các luật đã được thống nhất. Tuần trước, EC cũng đã trì hoãn một gói đề xuất môi trường theo lịch trình khác, cộng với dự luật về ô nhiễm vi mô, tuy nhiên người phát ngôn của EC từ chối bình luận về lý do trì hoãn.

Trong 2 năm qua, EC đã đề xuất hơn 30 luật được thiết kế để thực hiện các mục tiêu xanh. Mục đích là để hướng các quốc gia tới mục tiêu của EU là không phát thải khí nhà kính ròng vào năm 2050. Hầu hết đã được thông qua thành công, bao gồm giới hạn CO2 chặt chẽ hơn đối với ô tô, chi phí CO2 cao hơn cho các ngành công nghiệp và yêu cầu mở rộng rừng hấp thụ CO2.

Nhiều dự luật còn lại ít tập trung vào lượng khí thải CO2 làm hành tinh nóng lên so với các thảm họa môi trường khác như ô nhiễm, sự suy giảm của quần thể ong và bướm, hoặc tình trạng đất đai kém của châu Âu.

Các quan chức EU cho biết, những cuộc khủng hoảng này cũng quan trọng như biến đổi khí hậu và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn, các hệ sinh thái được phục hồi như rừng và đất than bùn sẽ hấp thụ nhiều khí thải CO2 hơn. Cơ quan Môi trường châu Âu cho biết, lượng khí thải nhà kính từ nông nghiệp - lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các quy luật tự nhiên - hầu như không giảm kể từ năm 2005.

Các nhà khoa học cũng đưa ra cảnh báo rằng, sự suy giảm nghiêm trọng của quần thể côn trùng có tác động nghiêm trọng đến các loài khác và năng suất cây lương thực. "Nếu không có trụ cột tự nhiên, trụ cột khí hậu cũng không khả thi" - người đứng đầu chính sách khí hậu của EU, ông Frans Timmermans nói với các nhà lập pháp EU trong tuần này.

Các nhà vận động lo lắng, việc từ bỏ dự luật sẽ làm suy yếu vị thế quốc tế của EU, sau khi EU vận động toàn cầu hành động tại hội nghị thượng đỉnh COP15 về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc hồi năm ngoái. Tuy nhiên, một số quốc gia cho rằng, nhiều luật môi trường hơn sẽ gây quá tải cho các ngành công nghiệp và có nguy cơ làm giảm sự ủng hộ chính trị đối với các biện pháp xanh.

Thủ tướng Bỉ - ông Alexander De Croo cho biết, cần phải giải quyết việc phục hồi thiên nhiên, kiểm soát thuốc trừ sâu và chất lượng đất, nhưng ông cho rằng đó là "những ưu tiên được xếp hạng thấp hơn" so với việc giải quyết biến đổi khí hậu. Phát biểu tại hội nghị kinh tế Wirtschaftstag, ông Alexander De Croo nhấn mạnh: “Chúng ta có thể đánh mất động lực đã xây dựng nếu đặt quá nhiều gánh nặng lên vai mình với những thách thức không nguy hiểm đến tính mạng như biến đổi khí hậu”.

Còn các nhà ngoại giao EU cho hay, trong các cuộc đàm phán kín, các quốc gia đang tìm kiếm một danh sách dài các thay đổi đối với luật phục hồi thiên nhiên. Đan Mạch và Hà Lan nằm trong số những nước muốn sửa đổi để đảm bảo quốc gia của họ vẫn có thể nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng như trang trại gió ở những khu vực thiên nhiên đang được phục hồi.

Bộ trưởng Bộ Thiên nhiên Hà Lan Christianne van der Wal nói với Reuters: “Chúng tôi không thể làm mọi thứ ở mọi nơi - nhà ở, chuyển đổi năng lượng, phục hồi thiên nhiên và ngăn chặn lũ lụt”.

Trong khi đó, các nhóm nông nghiệp thì nêu quan điểm, nhu cầu về môi trường ngày càng tăng của EU không phù hợp với nguồn tài trợ, điều mà họ cho rằng nên bổ sung cho các khoản trợ cấp nông nghiệp hiện có của EU.

Ngay cả khi các quốc gia tìm được sự thỏa hiệp, Nghị viện châu Âu có thể chặn luật này, nếu các nhóm lập pháp khác đứng về phía EPP. Hai ủy ban của Nghị viện châu Âu trong tuần này đã bỏ phiếu bác bỏ nó, báo hiệu một cuộc bỏ phiếu khó khăn phía trước.

Nhiều nước EU đang cố gắng làm suy yếu các hạn chế ô nhiễm được đề xuất cho các trang trại và giới hạn phát thải khí mê-tan cho các nhà sản xuất năng lượng. Một số thủ đô muốn loại bỏ các giới hạn ô nhiễm xe hơi mới và các mục tiêu năng lượng tái tạo của EU đang bế tắc bởi một cuộc tranh luận về việc liệu có thể đưa năng lượng hạt nhân vào hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu gian nan chuyển đổi xanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO