Cấp bách tái cơ cấu, xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng

L.Bình 12/04/2017 08:35

Chiều qua, 11/4, Chính phủ đã họp chuyên đề để cho ý kiến vào dự Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu cùng với phương án đề nghị sửa đổi bổ sung các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Đây là những dự luật sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu tại phiên họp.
(Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), về về cơ bản, các tổ chức tín dụng yếu kém đã được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ, ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt một số tổ chức tín dụng đang nỗ lực tự xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, từ thực tiễn đã cho thấy quy định về thẩm quyền của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khi xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chưa đầy đủ, đi cùng với việc thiếu các giải pháp hỗ trợ tài chính hiệu quả để phục hồi các tổ chức tín dụng yếu kém. Do vậy, cần ban hành Luật riêng để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành các Luật riêng về cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp thiết để tạo khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Việc ban hành Luật về cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu cũng là yêu cầu cấp bách của thực tiễn để thực hiện hiệu quả, khả thi việc cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu, góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả của hệ thống TCTD, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn đẩy mạnh tái cơ cấu các TCTD thì phải có nguồn lực. Nhưng tìm nguồn lực cho tái cơ cấu ở đâu? Các chuyên gia tài chính, nhà làm luật, quản lý... đều đồng tình “trước hết và chủ yếu phải từ xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các TCTD. Theo đó, không nên sử dụng tiền nhà nước cho tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt có thể dùng nguồn lực nhà nước. Nhưng Nhà nước, Chính phủ không thể cứ bỏ vốn ra để xử lý các vấn đề thua lỗ, yếu kém, thậm chí là thiếu trách nhiệm, vi phạm hình sự của các TCTD. Không phải chúng ta hỗ trợ TCTD để cứu sống bằng mọi giá. Hỗ trợ để tháo gỡ tới mức tốt nhất để TCTD xử lý nợ xấu, nhưng phải trên quan điểm thị trường.

Sử dụng nguồn lực nào cho TCTD, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước, thì “đây là bài toán chi phí cơ hội của cả một nền kinh tế. Không có khái niệm xin - cho ở đây, lợi ích quốc gia là trên hết, và chúng ta phải lựa chọn một phương pháp khôn ngoan trong hội nhập quốc tế”. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nghĩa là ngân hàng có bệnh. Nếu đã là bệnh thì cần có thuốc chữa bệnh và thầy chữa bệnh. Linh hồn của Luật này, theo ông Phước bên cạnh các trình tự xác định các TCTD yếu kém trong diện kiểm soát đặc biệt... thì cần phải tiếp cận thêm một cách khác nữa. Đó là làm sao để sử dụng nguồn tiền, thay mặt cho nguồn lực nhà nước không mất đi, nhưng tạm ứng, đi trước để tạo ra cú hích cho hệ thống ngân hàng. Đó mới là linh hồn của luật là tái cơ cấu. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế.

Sau khi nghe ý kiến các thành viên Chính phủ, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc hoàn thiện các quy định về tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu là việc rất cần thiết, rất cấp bách, nếu chậm trễ sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình điều hành kinh tế - xã hội. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đồng ý xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và dự thảo luật sửa đổi bổ sung sửa đổi một số điều của Luật các TCTD, để trình Quốc hội xem xét cùng lúc.

Sửa cùng lúc 32 luật liên quan Luật Quy hoạch

Về các phương án đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua rà soát có tới 44 luật liên quan, trong đó có 12 luật đang trong quá trình sửa đổi. Trong số 32 luật còn lại, có 28 luật chỉnh sửa một số điều và 4 luật (Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị) cần sửa nhiều hơn. Theo phương án 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trước mắt sửa 28 luật, 4 luật còn lại sửa sau. Theo phương án 2, cần lùi lại thời gian để sửa cùng lúc 32 luật.

Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị theo phương án 2, theo đó khi trình Luật Quy hoạch tại kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ đề nghị đưa danh mục 32 luật cần sửa vào phụ lục, sau đó đưa nội dung sửa đổi 32 luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian tới. “Thực hiện phương án 2 là để có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng phải bảo đảm hoàn thành trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và quá trình sửa đổi phải diễn ra chặt chẽ, dân chủ, công khai”, Thủ tướng yêu cầu. Thủ tướng nêu rõ, tại kỳ họp bắt đầu từ ngày 22-5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận nhiều báo cáo và các dự luật. Chính vì vậy, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các báo cáo, tờ trình liên quan, không để chậm trễ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấp bách tái cơ cấu, xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO