Công tác dân tộc: Xoá bỏ tự ti và cung cách làm ăn nhỏ lẻ

L.Sơn 01/12/2016 09:15

Chiều 30/11, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; xác định là trách nhiệm của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị được thể hiện bằng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc là văn bản pháp quy cao nhất, quan trọng nhất được Chính phủ ban hành từ trước tới nay về công tác dân tộc với 13 nhóm chính sách và công tác quản lý nhà nước về dân tộc.

Nghị định số 05 đã tạo khuôn khổ pháp luật để thống nhất nhận thức và hành động trong công tác dân tộc. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và ban hành Chương trình hành động để thực hiện; ban hành Chỉ thị số 28 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, phê duyệt nhiều đề án, chương trình, chính sách dân tộc.

Trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn quan tâm, bố trí 136.000 tỷ đồng cho vùng dân tộc miền núi và chính sách dân tộc (riêng 9 chính sách cho Ủy ban Dân tộc trực tiếp quản lý đã bố trí 27,5 nghìn tỷ đồng); tổng dư nợ tín dụng chính sách cho khu vực này đến cuối năm 2015 cũng đạt gần 136.000 tỷ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi rõ nét.

Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định, đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

Đó là, các quy định tại Nghị định là quy định chung, liên quan đến nhiều lĩnh vực, chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhóm chính sách; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chưa được thường xuyên, liên tục.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Các địa phương phải năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm để thúc đẩy sự phát triển nhanh, không nên chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương. Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, động viên sức mạnh của cả hệ thống chính trị, có những ưu đãi chính sách để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh, lựa chọn ra mô hình tiên tiến như cánh đồng mẫu lớn, trang trại lớn ở một số địa phương, tạo công ăn việc làm, phát triển các mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương, xoá bỏ tự ti và cung cách làm ăn nhỏ lẻ, gắn với các chính sách “bà đỡ” của Nhà nước với đầu tư của doanh nghiệp và tín dụng của ngân hàng, lựa chọn ngành nghề có lợi thế để đào tạo nghề cho bà con như phát triển du lịch, chăn nuôi đại gia súc, trồng rau, hoa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chăn nuôi, có chính sách đất đai tốt để bà con góp đất tham gia vào chuỗi giá trị hàng hoá, sản phẩm của mình.

Muốn làm được điều này đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo sát sao của người đứng đầu, các bộ cùng làm, xây dựng các mô hình tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công tác dân tộc: Xoá bỏ tự ti và cung cách làm ăn nhỏ lẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO