Dự báo sớm, chủ động giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra

Theo Dantri 16/05/2020 13:49

Thủ tướng đánh giá cao công tác dự báo, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng, do đó đã khắc phục tốt hạn hán và mặn xâm nhập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giúp sản xuất lúa được mùa.

Dự báo sớm, chủ động giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra

Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị trực tuyến về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 vừa diễn ra chiều 15/5 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác truyền thông trong thiên tai và nhấn mạnh việc tiếp tục phải chú trọng công tác truyền thông, thông tin sớm cho người dân, các cấp chính quyền.

Thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường và trái quy luật. Bão mạnh, siêu bão, mưa đặc biệt lớn, ngập lụt diện rộng, lũ quét, lở đất, rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mạnh, dông lốc, sét đánh xảy ra khắp vùng miền cả nước, suốt cả năm và ngày càng trầm trọng. Trung bình mỗi năm thiên tai gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP, lấy đi nhiều thành quả, làm chậm sự phát triển ở nhiều khu vực, tác động sâu sắc tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công tác này, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các công trình phòng, chống thiên tai; đưa ra nhiều biện pháp phòng, chống hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác quốc tế… Đặc biệt là nhờ sự vào cuộc của chính những người dân, công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua đạt kết quả tích cực hơn.

Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác dự báo, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng, do đó đã khắc phục tốt hạn hán và mặn xâm nhập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giúp sản xuất lúa và lương thực vẫn được mùa. Năm qua, tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống thiên tai là gần 11.000 tỷ, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai.

Với tình trạng thiên tai trên thế giới như hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, phải được quán triệt. Đặc biệt năm 2020 phải nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ dự báo, diễn biến sát tình hình, không để chủ quan ở bất cứ cấp nào, đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu, khẩn trương hoàn thành, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời và đặc biệt ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phòng chống thiên tai của các địa phương. Đồng thời nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo là vấn đề quan trọng trong dự báo, đặc biệt là của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khí tượng thuỷ văn, tăng cường hợp tác quốc tế trong dự báo…

Kiến nghị mở rộng xã hội hoá hoạt động khí tượng thuỷ văn

Tại hội nghị, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cho biết, năm 2019, diễn biến thiên tai khí tượng thuỷ văn có nhiều đặc điểm phức tạp và xuất hiện nhiều trị số cực trị, nhiều giá trị kỷ lục về mưa lớn, nắng nóng đã được ghi nhận.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo ngành khí tượng thuỷ văn theo dõi, dự báo có độ tin cậy cao, sát diễn biến tình hình, kịp thời gửi đến Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chính quyền địa phương các cấp, cộng đồng xã hội, người dân để chỉ đạo, ứng phó hiệu quả 19 đợt không khí lạnh, 3 áp thấp nhiệt đới, 8 cơn bão, 15 đợt nắng nóng, đặc biệt đợt nắng nóng trong tháng 6-8/2019 có nhiều điểm vượt ngưỡng giá trị lịch sử và 15 đợt mưa lớn diện rộng...

Đặc biệt, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn đã chỉ đạo hệ thống các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác dự báo phục vụ, bổ sung các bản tin cảnh báo sớm, dài hạn về hạn mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên. Qua đó đã góp phần làm giảm thiểu được thiệt hại do hạn mặn cũng như thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch sản suất nông nghiệp.

Dự báo sớm, chủ động giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra - 1

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn phát biểu tại hội nghị.

Ông Trần Hồng Thái cho rằng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2020 được nhận định sẽ là một trong những năm nóng hơn trung bình, kéo dài số năm nóng nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa.

Ở Việt Nam, năm 2020 sẽ diễn biến theo hướng khô hạn, thiếu nước vào nửa đầu năm trên phạm vi cả nước; mưa nhiều, bão, lũ tập trung vào nửa cuối năm, nhất là khu vực Trung Bộ. Dự báo khả năng có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Như vậy, số lượng bão năm 2020 dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tập trung ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020. Bão mạnh có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2019.

Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa trên phạm vi toàn quốc. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ đến muộn vào khoảng cuối tháng 5.

Mùa đông 2020-2021 có khả năng bắt đầu sớm, các đợt không khí lạnh sẽ hoạt động mạnh dần từ tháng 10/2020 và gia tăng tần suất hoạt động trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Tổng cục Khí tượng thuỷ văn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin số liệu về cơ sở hạ tầng, hoạt động phát triển kinh tế- xã hội để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo tác động của thiên tai, đặc biệt lũ quét, sạt lở đất.

“Khoa học và thực tiễn cho thấy, muốn dự báo được, ngoài những thông tin khí tượng thuỷ văn thì cần thiết phải có nhiều thông tin về địa chất, quy hoạch giao thông vận tải, xây dựng, dân cư, các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội có liên quan, tác động tới điều kiện khí tượng thuỷ văn”-ông Thái phân tích.

Tổng cục này cũng kiến nghị Chính phủ cho phép mở rộng quy mô, phương thức và loại hình xã hội hóa hoạt động khí tượng thuỷ văn, từ đầu tư trạm quan trắc, thu hút tư nhân tham gia vào lĩnh vực này để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Mạnh dạn cho phép thí điểm hợp tác công tư để khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện ngành khí tượng thuỷ văn đang được quản lý, sử dụng.

“Việc xã hội hóa chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ của ngành khí tượng thuỷ văn trong phòng chống thiên tai, phát triển bền vững trong thời gian tới và giảm sự phụ thuộc vào kinh phí từ ngân sách Nhà nước”-ông Thái khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự báo sớm, chủ động giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO