Khiếu nại, tố cáo đông người có xu hướng gia tăng

H.Vũ 19/10/2017 09:10

Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội cho thấy, tình hình công dân đến địa điểm tiếp công dân của Quốc hội, đoàn ĐBQH có giảm về số lượt người nhưng đơn thư gửi đến các đoàn ĐBQH và ĐBQH lại tăng so với cùng kỳ. Theo đánh giá của Ban Dân nguyện, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, số vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, đông người có xu hướng gia tăng.

Cụ thể, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTV Quốc hội, đoàn ĐBQH và ĐBQH đã tiếp 8.028 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh về 3.372 vụ việc, giảm so với cùng kỳ năm trước 1.094 lượt người và 3.516 vụ việc. Trong khi đó, các đoàn ĐBQH, ĐBQH đã tiếp 6.646 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về 2.183 vụ việc, trong đó có 262 lượt đoàn đông người. So với kỳ trước giảm 8,76% số lượt người và 59,19% số vụ việc, tuy nhiên số lượt đoàn đông người tăng, chủ yếu ở đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình với 153 lượt.

Đáng lưu ý, đơn thư thuộc lĩnh vực hành chính có nội dung tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm khoảng 60- 65% tổng số đơn thư. Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài chính, ngân sách và trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Còn đơn thư thuộc lĩnh vực tư pháp có nội dung tập trung chủ yếu liên quan đến việc kêu oan, bỏ lọt tội phạm, đề nghị xem xét giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Trong hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo Ban Dân nguyện, dù đã được các cơ quan của Quốc hội, các đoàn ĐBQH quan tâm, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, tiến hành giám sát với nhiều hình thức. Tuy nhiên, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, đoàn ĐBQH, ĐBQH còn chưa thường xuyên, chủ yếu là giám sát qua báo cáo, ít giám sát vụ việc cụ thể, nhất là đối với những vụ việc tồn đọng, kéo dài nên kiến nghị giám sát còn thiếu cụ thể, chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan sau giám sát.

Đặc biệt, việc gắn kết giữa hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư với giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa chặt chẽ; chưa thực sự quan tâm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau hoạt động giám sát; chưa quyết liệt trong việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét lại và giám sát cho đến khi giải quyết dứt điểm vụ việc nên hiệu lực, hiệu quả giám sát còn hạn chế.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo Ban Dân nguyện là do các đoàn ĐBQH chủ yếu chỉ có 1 đại biểu chuyên trách nên việc tổ chức và tiến hành hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo tại địa phương có những khó khăn nhất định. Ngoài ra, một số ĐBQH lại là người đứng đầu cơ quan ở địa phương, là cơ quan bị giám sát nên đôi khi cũng ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong việc xác định các nội dung giám sát của đoàn.

Một nguyên nhân khác được Ban Dân nguyện xác định chính là việc, hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định ràng buộc về trách nhiệm hay chế tài xử lý cụ thể đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khi không thực hiện hoặc thực hiện chậm, thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị giám sát về khiếu nại, tố cáo của cơ quan tiến hành giám sát nên hiệu quả giám sát chưa cao.

Từ thực trạng tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Ban Dân nguyện đã kiến nghị, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTV Quốc hội, các đoàn ĐBQH, và ĐBQH nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; gắn trách nhiệm tiếp công dân với việc xử lý đơn thư và hoạt động giám sát, chất vấn. Đoàn ĐBQH, ĐBQH dành thời gian thỏa đáng thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, tích cực theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, nắm vững chính sách, pháp luật để giải thích cho công dân.

Ban Dân nguyện cũng kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên đôn đốc trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành đúng Luật Tiếp công dân; công khai lịch tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Trường hợp cần thiết tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khiếu nại, tố cáo đông người có xu hướng gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO