Nỗi lo sông 'nuốt' đê

Nguyễn Chung 29/06/2019 07:00

Chỉ trong khoảng gần 2 năm trở lại đây, hàng chục ha đất bãi bồi của người dân tại xã Định Hải, huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã bị dòng sông Mã “nuốt” chửng. Nguyên nhân chính vẫn do tình trạng khai thác cát vô tội vạ của doanh nghiệp gây ra.

Nỗi lo sông 'nuốt' đê

Tình trạng sạt lở đang diễn ra từng ngày tại Định Hải.

Hàng chục ha đất biến mất

Không khó để nhận ra, dọc tuyến sông Mã, đoạn chảy qua các thôn: Trịnh Điện, Trịnh Thôn, Ái Thôn... thuộc xã Định Hải, huyện Yên Định (Thanh Hóa) đang bị sạt lở rất nghiêm trọng. Đây đang là thời điểm nắng nóng kéo dài, nhưng từng phút trôi qua, đất bãi bồi vẫn theo nhau lở ào ạt xuống lòng sông.

Dẫn chúng tôi xuống tận sát bờ sông, một cán bộ xã Định Hải (xin giấu tên) không giấu được sự bức xúc của mình, chỉ ra phía giữa sông cho biết: Chỉ khoảng hơn 1 năm về trước, ngoài kia vẫn còn là khu bãi bồi dài hàng trăm mét, màu mỡ, quanh năm được phủ bởi màu xanh của ngô, khoai, đậu, lạc… thì nay đã biến mất như chưa hề tồn tại. Nếu trước kia, sông luôn gắn liền với mọi sinh hoạt của người dân trong làng thì bây giờ, họ không thể ra sông tắm táp hay cho gia súc uống nước vì đường ra sông không còn.

“Cứ đà này, chỉ vài tháng nữa là sạt đến chân đê!”- vị cán bộ xã nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại đây có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, tạo ra những hàm ếch lớn, những vách đất dựng đứng cao khoảng 6 - 8 m chênh vênh. Nhiều vết nứt lớn chạy theo hình cung, ăn sâu vào phía đê và có nguy cơ đổ ụp xuống phía dưới lòng sông Mã bất cứ lúc nào. Được biết, xã Định Hải có khoảng 26 ha đất bãi bồi phù sa dọc bờ sông Mã thuộc các thôn Trịnh Điện, Thịnh Thôn, Ái Thôn, Duyên Lộc. Riêng thôn Trịnh Điện có trên 8 ha đất bãi bồi. Nhưng tình trạng khai thác cát tràn lan diễn ra rầm rộ khiến cho hàng trăm mét bờ sông Mã bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống sản xuất, nhà cửa của nhân dân. Tình trạng sụt lở đất bờ sông Mã nặng nhất vẫn là thôn Trịnh Điện, có đoạn dài cả trăm mét, sâu 30-40 m.

Tìm hiểu thêm từ phía người dân, được biết: Tình trạng sạt lở sông Mã xảy ra suốt nhiều năm qua, đặc biệt là vào khoảng 2 năm trở lại đây. Cứ sau mỗi đợt mưa lũ, hàng trăm mét vuông đất sản xuất nông nghiệp của người dân nằm sát bờ sông lại bị nuốt chửng. Trước tình trạng trên, người dân đã dùng nhiều biện pháp để giảm thiểu sạt lở như: Trồng cỏ voi, cây lưu niên để giữ đất… nhưng tất cả mọi biện pháp của bà con không thể chống chọi trước sức mạnh của “hà bá”.

Nguyên nhân chính vẫn là do khoảng từ năm 2013, một doanh nghiệp được chính quyền cấp phép cho khai thác cát tại đây. Mỗi ngày có hàng chục thuyền trọng tải lớn, thi nhau cắm vòi xuống lòng sông hút cát. Ban đầu họ hút cát giữa sông, đúng mốc giới quy định. Khi lòng sông hết cát, đêm đêm họ cho thuyền vào sát bờ để hút trộm. Khi dân phát hiện báo chính quyền tới thì thuyền lại kéo ra giữa dòng, khi chính quyền đi thì họ lại quay lại.

“Chúng tôi nhiều lần phản ánh sự việc với xã, huyện, thậm chí kéo cả lên xã phản đối, nhưng tình trạng khai thác cát gây sạt lở đất bãi bồi của người dân vẫn diễn ra. Cứ như vậy, đất đai, hoa màu theo nhau trôi tuột xuống lòng sông. Cả xã có hơn 30 hộ sống ngoài sông, nếu cứ để tình trạng hút cát như thế thì nhà cửa của dân cũng có nguy cơ sạt cả xuống sông, gây ảnh huởng đến chân đê”- bà Trịnh Thị T bức xúc cho biết.

Chính quyền bất lực hay dung túng?

Bức xúc trước nạn khai thác cát trộm, người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi lên xã, huyện để kiến nghị. Tuy nhiên, những ý kiến chỉ được tiếp nhận và dừng lại ở việc xem xét. Mới đây nhất, vào ngày 21/6, do quá bức xúc, người dân đã kéo lên xã để yêu cầu doanh nghiệp dừng mọi hoạt động khai thác cát ngoài chỉ giới.

Trước thực trạng trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Cung - Chủ tịch UBND xã Định Hải, ông Cung cho biết: Chỉ trong 2 năm về đây nhậm chức chủ tịch xã, ông cũng đã có đến 4 lần tiếp các đoàn liên ngành về làm việc theo kiến nghị của dân. Tuy nhiên, lần nào họ cũng kết luận là phía doanh nghiệp chưa hút cát ra ngoài mốc chỉ giới! “Đây là khu vực đất phần trăm mà xã giao khoán cho các hộ dân. Sắp tới chính quyền sẽ cho rà soát lại diện tích đất bị sạt lở. Nếu hộ nào mất đất thì sẽ giảm thuế đúng theo phần diện tích đã mất!”, ông Cung nói.

Đồng thời, ông Cung cũng thản nhiên cho biết thêm: “Việc sạt lở là có, nhưng không nghiêm trọng như người dân phản ánh? Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, việc tỉnh cấp mỏ cho họ khai thác cát thì không thể tránh được chuyện sạt lở. Khi nhận được phản ánh của người dân, xã đã làm tờ trình lên huyện, sau đó liên ngành đã về kiểm tra. Cách đây mấy ngày cũng có đoàn liên ngành về kiểm tra và vẫn kết luận Cty Nam Lực (đơn vị được cấp phép khai thác mỏ cát) chưa ảnh hưởng đến vị trí ngoài cấp phép”?.

Đem vấn đề sạt lở tại Định Hải đến UBND huyện Yên Định, chúng tôi được ông Hà Duyên Lục-Trưởng phòng TNMT tiếp, nhưng ông Lục từ chối cung cấp mọi thông tin liên quan đến vấn đề sạt lở và hoạt động của mỏ cát tại Định Hải. Đồng thời, ông Lục cũng yêu cầu phóng viên phải ghi lại câu hỏi và chuyển qua email thì ông mới trả lời?.

Về sự việc trên, ông Lưu Vũ Lâm- Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: Huyện đã nhận được kiến nghị của người dân xã Định Hải. Huyện cũng đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh báo cáo về thực trạng sạt lở ở đây.

“Để xử lý tình trạng sạt lở tại Định Hải, huyện đã kiến nghị tỉnh phê duyệt phương án làm kè sông và kiểm tra lại hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp”- ông Lâm nói. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được tiếp cận với tờ trình của UBND huyện gửi UBND tỉnh thì ông Lâm vòng vo: “Tôi không giữ và cũng không nhớ anh em nào cầm nữa!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo sông 'nuốt' đê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO