Cơ hội với người nuôi tôm

Phương Nguyên 18/08/2016 11:15

Con tôm có một thị trường rất rộng. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, chúng ta có cơ hội biến thách thức thành lợi thế, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long khi nước biển dâng, khi hạn mặn thì chúng ta sẽ chuyển một bộ phận từ lúa sang thủy sản.

Cơ hội với người nuôi tôm

Cần đưa con tôm thành mặt hàng chiến lược quốc gia.

Nói về lợi thế ngành tôm, ông Đặng Quốc Tuấn- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt- Úc cho biết, Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng ASEAN với 600 triệu dân, nên giờ làm con tôm không phải cho 90 triệu người trong nước ăn, mà cho cả 600 triệu người. Việt Nam đã tham gia tới 15 hiệp định thương mại tự do, đặc biệt, nếu tham gia TPP, nghiễm nhiên Việt Nam sẽ “loại” được 2 đối thủ lớn là Ấn Độ và Indonesia do 2 nước này không được tham gia hiệp định. Việt Nam có thể hoàn toàn mong đợi vào TPP, các quốc gia nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam có Mỹ, Nhật, Úc nằm trong khối TPP.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để nâng tầm được tôm Việt thì cái cần nhất là nâng cao giá trị gia tăng, làm sao đảm bảo giá trị tăng liên tục, mà muốn làm như vậy chúng ta phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực cho ngành tôm. Một trong những khâu then chốt để tăng chất cho ngành tôm, đó chính là giống.

Từ con tôm và sự hướng tới thị trường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức cực lớn, mà không giải được, thì sẽ thụt bị lùi. Ba thách thức đó là: Thứ nhất, nông nghiệp nước ta là một nền sản xuất nhỏ dựa vào 10 triệu hộ nông dân, mỗi hộ chỉ canh tác 0,3ha, các ngành truyền thống khác cũng vậy với bình quân của các đơn vị sản xuất rất thấp. Đó là một thách thức rất lớn mà khi chúng ta hội nhập toàn cầu không thể chiến thắng, thậm chí ngay trên sân nhà chúng ta sẽ bị thua, đó là điều chắc chắn.

Thách thức thứ hai biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam chúng ta nằm ở vị trí châu Á – Thái Bình Dương với bờ biển dài 3.260km với địa hình ¾ là núi và cao nguyên do đó mức độ tổn thương là 1 trong 3 quốc gia sẽ bị tổn thương lớn nhất và diễn biến trong những tháng đầu năm đã cho thấy rõ điều đó, rồi đây sẽ cực đoan hơn nhiều. Do vậy, nó sẽ làm đảo lộn toàn bộ cấu trúc của sản xuất truyền thống, nếu chúng ta cứ đi theo hướng Đồng bằng sông Cửu Long là lúa, cây ăn trái, là thủy sản; miền Bắc là lúa, miền Trung cũng lúa, chỗ nào cũng lúa, thì sẽ không hiệu quả, mà cần phải chuyển dịch dần sang nuôi tôm.

Thách thức thứ ba, hội nhập sâu rộng, đến giờ này chúng ta đã hội nhập 7 AFTA (hiệp định thương mại tự do) đang tiến hành thực thi và tới đây ký kết tiếp tục 6 AFTA nữa. Có nghĩa Việt Nam là thị trường mở của thế giới và mở ở đây là mở 2 chiều, một mặt chúng ta mở cơ hội hàng hóa đi, nhưng cơ hội đi của chúng ta đang bị thách thức do sản xuất còn manh mún, làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, phải cấu trúc lại nền sản xuất.

Từ những thách thức này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu vấn đề: “Chúng tôi xác định rõ, Việt Nam trong tái cơ cấu thủy sản có một dư địa lớn, đó là con tôm. Chúng tôi khẳng định, con tôm sẽ là một dư địa trước mắt cho phục hồi bù đắp một phần tăng trưởng của ngành nông nghiệp 6 tháng cuối năm. Đó là trước mắt, còn chiến lược con tôm hiện nay được coi là một mặt hàng chiến lược hàng hóa của chúng ta”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương, doanh nghiệp sản xuất tôm cần “sốc lại đội hình”, một mặt duy trì chiến lược, một mặt duy trì con thương mại tốt như hiện nay để ổn định cơ cấu thị phần, nhưng vẫn phải chuẩn bị cho một chiến lược cạnh tranh quyết liệt nay mai đang đặt ra mà mình đã có sẵn nền tảng. Bên cạnh đó, cần đưa tôm thành mặt hàng chiến lược quốc gia để có chính sách tạo động lực để phát triển thương hiệu tôm Việt Nam lớn mạnh trên thị trường thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội với người nuôi tôm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO