Có nên can thiệp công nghệ để làm sạch biển?

Hạnh Nguyên 27/08/2016 09:05

Đó là băn khoăn của nhiều đại biểu tại Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, được UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức sáng 26/8. Câu hỏi này đã được các nhà khoa học giải đáp tại hội nghị.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết: Ngay sau khi sự cố môi trường xảy ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời triển khai chính sách của Trung ương và ban hành cách chính sách của tỉnh để hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Điều đáng chú ý là từ đầu năm đến nay ngoài hỗ trợ gạo, tiền, lãi suất, mua bảo hiểm y tế cho người dân bị ảnh hưởng, các tổ chức, doanh nghiệp, UBND tỉnh còn hỗ trợ triển khai đóng mới 28 tàu cá trên 90CV, trong đó đóng mới từ sau sự cố môi trường đến nay là 25 chiếc, cải hoán 6 tàu cá trên 90CV.

Có nên can thiệp công nghệ để làm sạch biển?

Cá chết trắng dạt vào bờ tại Vũng Ánh (Hà Tĩnh), tháng 4/2016. (Ảnh: TL).

Chủ động giám sát nguồn thải

Ông Đặng Ngọc Sơn thông tin: Đối với công tác quan trắc giám sát chất lượng môi trường tại KKT Vũng Ánh và Nhà máy Formosa, Bộ TN&MT đã thành lập tổ công tác, phối hợp với tỉnh để giám sát việc khắc phục sự cố và thực hiện các cam kết của Formosa. Đang lập dự án và chuẩn bị triển khai lắp đặt Trạm quan trắc tự động độc lập tại KKT Vũng Áng thuộc phường Kỳ Phương (ngoài hàng rào dự án Formosa). UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và thực hiện cam kết của Formosa.

UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung chỉ đạo các Nhà máy có lượng xả thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao phải tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và cập nhật dữ liệu trực tuyến 24/24 giờ hàng ngày về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát theo quy định.

Ngoài ra, Hà Tĩnh đã yêu cầu Formosa lắp đặt thiết bị lấy mẫu tự động quan trắc bổ sung 8 thông số để đảm bảo quan trắc đủ 14 thông số (nhiều hơn 2 thông số nước thải theo quy định đó là chì và sunfua), hoàn thành việc lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải được 9/9 ống khói theo báo cáo ĐTM được duyệt.

Ông Hoàng Văn Thức- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng nhấn mạnh: “Đối với kiểm soát phát thải của Formosa ra biển, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập đoàn giám sát để giám sát toàn bộ quy trình xả thải của Formosa, yêu cầu Formosa thực hiện nghiêm cam kết đã ký với Bộ TN&MT và khắc phục toàn bộ sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Hiện tại, có 6 cán bộ trực tiếp giám sát tại Formosa, trong đó có 3 cán bộ của Bộ TN&MT và 3 cán bộ của tỉnh Hà Tĩnh. Về máy móc, bắt đầu từ 22-7 có lắp 2 trạm quan trắc tự động, một trạm tại khu xử lý nước thải sinh hóa, một trạm tại khu xử lý nước thải công nghiệp, ông Thức thông tin thêm.

Làm sạch biển như thế nào?

Tại hội nghị, đã có nhiều câu hỏi đặt ra cho nhóm nghiên cứu. Trong đó, nổi cộm là các ý kiến như: Sự cố môi trường do Formosa xả thải bắt đầu từ KKT Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh) trở vào, vậy khu vực phía Bắc từ như huyện Nghi Xuân có bị ảnh hưởng hay không, hải sản ở vùng này có an toàn không? Giải pháp nào để làm sạch biển? Các nhà khoa học có những tác động gì để góp phần làm sạch biển nhanh hơn?...

Trả lời câu hỏi, để dẫn đến sự cố môi trường như thế, Formosa đã dùng bao nhiêu tấn hóa chất? Vì sao sự cố xả thải lại dẫn đến thảm họa môi trường? Theo TS Trịnh Văn Tuyên (Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường) do Formosa luyện than cốc để làm ra thép nên mức độ gây ô nhiễm lớn hơn rất nhiều so với cán từ phôi sang thép vì thường thì chất lượng than kém mới chọn để làm than cốc.

Thời gian đầu, phần sinh học trong nước thải của Formosa chưa hoạt động hiệu quả, hiện nay theo tôi được biết thì Formosa đã nhập, nuôi cấy xong sinh vật vi sinh và bắt đầu phát huy hiệu quả. Khi hệ sinh học chưa hoạt động hiệu quả buộc phải dùng Fe2 để xử lý, Fe2 nếu dùng ít thì không hiệu quả mà dùng nhiều sẽ dư. Nếu phần Fe2 dư khi ra môi trường, đặc biệt nước biển sẽ càng nguy hiểm hơn.

Nói về việc vai trò của các nhà khoa học trong việc làm sạch biển, TS Trịnh Văn Tuyên cho biết: Môi trường biển có cơ chế tự làm sạch. Các nhà khoa học sẽ giám sát để môi trường biển không tiếp tục bị thải ra những chất gây ô nhiễm.

Trước băn khoăn của các đại biểu là tại sao Chính phủ không mời các nhà khoa học quốc tế có kinh nghiệm về giải quyết sự cố môi trường như Nhật Bản để nghiên cứu và đưa ra giải pháp hữu hiệu hơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cũng cho biết: Quá trình điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung ngoài các bộ, ngành trung ương còn có sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế đến từ các nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... Kết quả đã được công bố mang tính khách quan, khoa học, trung thực.

Liên quan đến câu hỏi các quy chuẩn của Việt Nam có tương đồng với quốc tế hay không, ông Hoàng Văn Thức nhấn mạnh, các quy chuẩn của Việt Nam được xây dựng từ thực tiễn khách quan về công tác bảo vệ môi trường và khi xây dựng các quy chuẩn Bộ TN&MT đều tham khảo các quy chuẩn của các nước trên thế giới. Đối với quy chuẩn về phát thải ngành công nghiệp có các mức hàm lượng tương đồng với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc…

“Việc kiểm soát xả thải của Formosa ra môi trường thì chúng ta đã kiểm soát được dưới mức quy chuẩn cho phép. Giám sát tại nguồn là một trong những phương án hết sức quan trọng để chúng ta đẩy nhanh tiến độ làm sạch biển. Khi nguồn đã kiểm soát được, dưới chuẩn thì lượng tồn lưu trong biển với cơ chế tự làm sạch của biển thì quá trình làm sạch sẽ nhanh hơn”, ông Thức nhấn mạnh.

GS.TS Mai Trọng Nhuận cho biết: Ở vùng biển huyện Nghi Xuân, theo dòng chảy tầng đáy chảy từ Bắc vào Nam vì thế nguồn từ Formosa xả ra thì chỉ ảnh hưởng vùng phía Nam còn vùng phía Bắc an toàn, cá biển ăn được. Hai nữa ở dòng chảy nước mặt, hàm lượng nước biển tầng mặt đều thấp hơn tiêu chuẩn nên vùng biển Nghi Xuân an toàn ngay cả khi sự cố đang xảy ra vào tháng 4/2016.

Với câu hỏi chúng ta có nên can thiệp công nghệ vào môi trường để làm sạch biển hay không? GS Mai Trọng Nhuận khẳng định: Đối với môi trường nước thì chắc chắn không có công nghệ nào làm sạch được nước biển và cũng không cần thiết. Với môi trường trầm tích, chúng tôi đang tiếp tục theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nước, mức độ suy giảm độc tố cả không gian, thời gian cùng với đề xuất giải pháp là có áp dụng công nghệ hay không. Nhưng với số liệu chúng ta có được hiện nay thì với khả năng tự làm sạch của môi trường biển cũng như kết quả tại thời điểm này thì trước mắt chúng tôi dự kiến là chưa nên áp dụng việc can thiệp công nghệ. Nếu có thì phải kiểm tra kỹ việc tác động môi trường của việc áp dụng công nghệ đấy có bị phát tán hay không và khả năng phát tán như thế nào. Nếu có áp dụng phải làm thử ở vùng nào đó và hoàn toàn được thì mới áp dụng rộng rãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên can thiệp công nghệ để làm sạch biển?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO