Coi trọng tính tín sử trong bộ Quốc sử Việt Nam

Hương Lê (thực hiện) 01/03/2017 08:35

Đó là khẳng định của GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc- Phó Chủ nhiệm Đề án Khoa học xã hội cấp quốc gia “Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” trong cuộc trò chuyện với PV Báo ĐĐK. Theo ông, có sự thật chưa đủ tư liệu để tiếp cận, có sự thật vì lý do an ninh quốc phòng chưa thể công bố. Nhưng những sự kiện trình bày trong bộ sử phải là sự thật, phải bảo đảm tính xác thực lúc biên soạn.

Một số công trình nghiên cứu của các nhà sử học Việt Nam.

PV: Thưa GS, thông tin quanh bộ Lịch sử Việt Nam mới (bộ Quốc sử lớn nhất từ trước nay) do GS.NGND Phan Huy Lê trình bày mới đây đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong đó có nội dung xác lập những quan điểm mới cho những khoảng trống của lịch sử. Điều này cũng đồng nghĩa rằng trong bộ quốc sử tới, chúng ta sẽ có một số quan điểm mới. Vậy những khoảng trống và hướng lấp đầy những khoảng trống ấy được thể hiện cụ thể ở những giai đoạn lịch sử nào, thưa GS?

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc: Lịch sử Việt Nam trước hết phải được hiểu là lịch sử của cộng đồng người sống trên đất Việt Nam từ khi có con người xuất hiện cho đến nay. Nhiều công trình sử học của Việt Nam từ trước đến nay thường chỉ trình bày lịch sử Việt Nam theo một dòng chảy chủ đạo là từ các nền văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn, dẫn đến sự ra đời của nước Văn Lang, Âu Lạc, trải qua 1.000 năm Bắc thuộc đến Đại Việt, Đại Nam và Việt Nam, mà không đề cập đến các dòng lịch sử Chămpa và Phù Nam ở phía Nam.

Cũng có không ít bộ sử trình bày lịch sử Việt Nam chỉ như là lịch sử Nam tiến của người Việt, nghĩa là người Việt tiến về phía Nam đến đâu thì bắt đầu chép sử Việt Nam đến đó. Cách chép sử như thế là chủ quan, phiến diện, không phản ánh đúng tiến trình lịch sử đất nước, dẫn đến những quan niệm sai lệch rằng lãnh thổ phía Nam là vùng đất mới được khai phá mà bỏ quên những di sản lịch sử, văn hoá hết sức quan trọng làm nên lịch sử Việt Nam. Lịch sử Việt Nam cần phải được quan niệm là lịch sử của tất cả các cộng đồng cư dân, các quốc gia, các nền văn minh từng hình thành, tồn tại và phát triển trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay và quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam vừa mở rộng, vừa quy tụ, trong đó quy tụ luôn luôn là xu hướng chủ đạo.

Trong toàn bộ lịch sử lâu dài và oanh liệt của dân tộc Việt Nam, lịch sử chống ngoại xâm luôn luôn là nội dung xuyên suốt, bao trùm. Nhưng lịch sử chống ngoại xâm không phải là toàn bộ lịch sử dân tộc, mà trái lại sự phát triển kinh tế, những thành tựu về văn hoá, xã hội... mới chính là cơ sở tồn tại và phát triển của đất nước, là sức mạnh vật chất và tinh thần để dân tộc Việt Nam vượt qua những thử thách hiểm nghèo, làm nên những chiến công thần kỳ trong sự nghiệp chống ngoại xâm. Vì thế, bộ Lịch sử Việt Nam 30 tập lần này sẽ tập trung trình bày về lịch sử kinh tế, lịch sử văn hóa, lịch sử xã hội một cách căn cơ và bài bản, phản ánh khách quan, chân thực và toàn diện toàn bộ quá trình lịch sử đất nước.

Các bộ sử trước đây thường chỉ tập trung vào các sự kiện chính trị, quân sự lớn, sự thay đổi của vương triều, của chế độ xã hội, trong khi đó quần chúng mới là những người sáng tạo ra lịch sử, là chủ nhân chân chính và đích thực của lịch sử đất nước. Lịch sử Việt Nam phải được trình bày là lịch sử chung của cả nước, của mọi tầng lớp xã hội và của toàn thể nhân dân.

Để đạt được mục tiêu trên, bộ sách phải được xây dựng trên nguyên tắc tôn trọng tính khách quan của lịch sử, dựng lại một cách tương đối đầy đủ, toàn diện và chính xác, trên phạm vi toàn quốc, toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc cho đến nay.

Thưa GS, từ lâu vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nhất là trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cuộc chiến tranh biên giới luôn là mối quan tâm lớn của chúng ta. Vậy, những vấn đề này sẽ được đề cập trong bộ quốc sử mới như thế nào để góp phần vừa tôn trọng lịch sử, vừa hòa giải với quá khứ?

- GS.NGND Phan Huy Lê- Chủ nhiệm Đề án, đã chỉ đạo cho chúng tôi: “Nguyên tắc cao nhất của Sử học là phải tôn trọng sự thật lịch sử. Dĩ nhiên có sự thật chưa có đủ tư liệu để tiếp cận, có sự thật vì lý do an ninh quốc phòng chưa thể công bố. Nhưng những sự kiện trình bày trong bộ sử phải là sự thật, phải bảo đảm tính xác thực trong hiểu biết của nhà sử học lúc biên soạn. Cần coi trọng tính “tín sử” của bộ Quốc sử”. Trên tinh thần này, tôi tin là vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, vấn đề chiến tranh biên giới… đã được giới sử học nghiên cứu từ lâu, sẽ được trình bày trong bộ Lịch sử Việt Nam 30 tập, đáp ứng yêu cầu của một bộ “tín sử”.

Thưa GS, việc ra đời một bộ Quốc sử mới có đồng nghĩa với việc chúng ta phải thiết kế lại giáo trình giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay?

- Nếu thành quả nghiên cứu mới của tập thể hơn 200 tác giả, mà nói đúng ra là của cả một thế hệ các nhà sử học được đưa vào thiết kế lại sách giáo khoa Lịch sử ở các trường phổ thông thì còn hạnh phúc nào hơn. Chúng tôi nghiên cứu, viết sách, toàn tâm toàn lực xây dựng nên một bộ “tín sử” cũng chỉ mong cho bộ “tín sử” được xã hội thừa nhận và yên tâm sử dụng. Tuy nhiên việc khai thác, sử dụng các thành tựu mới của sử học như thế nào thì nhiều khi lại nằm ngoài khả năng của chúng tôi đấy, vì chẳng hạn như vấn đề đổi mới hay thay đổi nội dung của sách giáo khoa hiện nay là hoàn toàn thuộc quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng ta còn nhớ, vấn đề lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phải được đưa vào thành nội dung quan trọng của sách giáo khoa lịch sử phổ thông, thậm chí tại diễn đàn này Quốc hội cũng từng có chất vấn về vấn đề này.

Bộ Quốc sử mới đang được giới nghiên cứu kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi tâm lý coi truyền thuyết là sử học?

- Truyền thuyết kể ra cũng có cái lõi lịch sử của nó, nhưng cái lõi đó là như thế nào thì phải dùng phương pháp liên ngành, phương pháp so sánh, đối chiếu và phương pháp lọc nhiễu thì may ra mới có thể nhận ra được. Truyền thuyết càng cụ thể, càng chi tiết bao nhiêu thì càng xa rời cái nhân, cái lõi lịch sử bấy nhiêu. Gần đây, có một số người viết sử hoàn toàn chỉ dựa theo truyền thuyết, nên các tác phẩm đó không không được coi là tác phẩm sử học thực sự, nếu không muốn nói là đã góp phần bóp méo, xuyên tạc lịch sử.

Là người trực tiếp tham gia biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam 30 tập, từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn bấy lâu nay, theo ông chúng ta rút ra được bài học gì từ lịch sử, cũng như ứng xử với lịch sử?

- Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống. Đời xưa đã thế, đời nay lại càng phải thế. Vấn đề đặt ra là lịch sử ở đây phải là lịch sử khoa học, khách quan, trung thực, mô tả và đánh giá sự kiện đúng như nó đã từng diễn ra trong lịch sử vậy. Lịch sử Việt Nam, mà nói đúng ra là “tín sử” Việt Nam sẽ giúp chúng ta nhận thức đúng về đất nước, con người Việt Nam, là vốn liếng, là hành trang, là tình yêu và trí tuệ của chúng ta đi đến tương lai. Lịch sử Việt Nam nếu biết cách khai thác sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững đất nước, con người Việt Nam.

Xin GS nói rõ hơn về công việc do ông phụ trách trong bộ Quốc sử Việt Nam. Hiện tiến độ của việc biên soạn bộ Quốc sử mới ra sao? Khi nào sách sẽ được xuất bản?

- Tôi được cử làm Phó Chủ nhiệm Đề án phụ trách các tập Biên niên sự kiện lịch sử Việt Nam và một số mảng tư liệu chung, Chủ nhiệm và Chủ biên tập 5 (1009-1225), đồng chủ biên tập 3 (179 TCN- 905).

Hiện nay chúng tôi đã xây dựng xong đề cương biên soạn chi tiết, về cơ bản đã khai thác và tập hợp được các nguồn tư liệu, xây dựng và thông qua thể lệ, cách thức biên soạn. Mỗi tập đã hoàn thành chương viết thử để rút kinh nghiệm và tập trung viết bản thảo sơ bộ các chương trong năm 2017. Năm 2018 chúng tôi vẫn tiếp tục bổ sung tư liệu, hoàn thành bản thảo hoàn chỉnh tất cả các tập.

Trân trọng cảm ơn GS!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Coi trọng tính tín sử trong bộ Quốc sử Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO