Đảm bảo công bằng và thực chất

Dung Hòa 20/10/2021 08:00

Hiện nhiều trường tiểu học và THCS tại Hà Nội yêu cầu học sinh ôn tập theo đề cương để tiến tới kiểm tra, đánh giá giữa học kỳ I.

Việc học trực tuyến thời gian qua vốn đã nhiều áp lực, lại vừa khó liền mạch; cùng với đó cũng thiếu hẳn giám sát từ phía giáo viên… Nhiều băn khoăn đang đặt ra là làm sao để việc kiểm tra, đánh giá chất lượng đi vào thực chất.

Cuối năm học trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh Hà Nội nghỉ gần 2 tháng liền. Giáo viên thì trông ngóng chờ hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc kiểm tra cuối năm một cách rất bị động; phụ huynh thì đinh ninh rằng Sở sẽ lấy kết quả bài kiểm tra giữa học kỳ 2 của học sinh. Nhưng rồi sau đó chỉ ít ngày, việc kiểm tra theo hình thức trực tuyến được nhà trường thông báo rốt ráo. Nhiều phụ huynh chia sẻ họ lo “sốt vó” việc trợ giúp con thi trực tuyến. Đã có những chia sẻ chỉ ra rằng, kiến thức trong bài thi của con là công sức tập thể của cả gia đình…

Năm học 2021-2022, theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, các trường có thể triển khai nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá mới thay vì chỉ kiểm tra trên giấy như trước đây. Việc đánh giá định kỳ gồm đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ. Điểm đánh giá định kỳ sẽ được tính vào kết quả tổng kết học kỳ và cả năm học của học sinh.

Vậy việc đổi mới kiểm tra đánh giá bắt đầu từ đâu? Từ việc bỏ nếp đánh giá theo lối mòn cũ, hay việc ra đề kiểm tra theo hướng mới (với học sinh lớp 2 và lớp 6)? TS Lê Thái Hưng, Trưởng khoa Quản trị Chất lượng, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc đầu tiên mà các trường cần làm đó là có hướng dẫn đối với giáo viên các tổ bộ môn để thống nhất với nhau những nội dung và mục tiêu học tập mà chúng ta lựa chọn để dạy cũng như kiểm tra đánh giá. Từ đó, các bài kiểm tra đánh giá phải bám sát được các mục tiêu học tập đó. Bên cạnh đó, khi kiểm tra trực tuyến cần phải có quy chế và yêu cầu. Những yêu cầu này cần phải công khai đối với phụ huynh, học sinh và giáo viên. Ví dụ như đảm bảo các điều kiện: Có camera giám sát, bật “mic” khi học sinh làm bài và cần chuẩn bị thêm những vấn đề xử lý sự cố khi học sinh làm bài bị nghẽn mạng hoặc mất điện thì nhà trường cũng nên có văn bản chính thức để giúp cho học sinh và phụ huynh đỡ lo lắng.

Để bài kiểm tra đánh giá được chính xác và minh bạch, theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), việc kiểm tra đánh giá yêu cầu về tính chính xác và công bằng là điều hết sức quan trọng. Đặc biệt việc này có kèm theo cả việc mục tiêu giáo dục phẩm chất của học sinh, đó là phẩm chất trung thực.

Tuy nhiên, theo ông Thành, việc thực hiện các bài kiểm tra theo quy định của Bộ GDĐT thì các trường phải hết sức lưu ý. Nếu kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến mà có kết quả bất thường, học sinh học bình thường nhưng kết quả thi rất cao hoặc học tốt nhưng kết quả thấp do đường truyền kém, có vấn đề về kỹ thuật thì nhà trường có thể kiểm tra đánh giá lại. Lúc đó, học sinh đó có thể kiểm tra, đánh giá bằng một đề tương đương mà không cùng học sinh khác. Đó cũng là một giải pháp để đảm bảo đánh giá đúng năng lực của học sinh và đảm bảo tính trung thực, công khai, minh bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo công bằng và thực chất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO