Cà phê liên tiếp mất mùa

Q.H 28/09/2015 10:26

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2015-2016 là niên vụ thứ ba liên tiếp cây cà phê bị mất mùa, gây thiệt hại lớn đối với các nông hộ và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, vì thế sản lượng cà phê niên vụ 2015-2016 có khả năng giảm từ 20% so với kế hoạch. 

Nguyên nhân giảm sản lượng được cho là do từ đầu niên vụ, các tỉnh vùng trọng điểm cà phê như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai bị hạn nặng, kéo dài khiến hàng chục nghìn ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh bị thiếu nước tưới chết khô hoặc khô cành, rất khó khăn trong việc chăm sóc phục hồi.

Tại tỉnh Đắk Lắk, nơi có diện tích cà phê nhiều nhất nước, trên 204.500ha, mùa khô vừa qua có 47.835ha cà phê bị thiếu nước tưới làm chết khô hoặc khô cành, giảm năng suất, sản lượng 15-20% so với niên vụ trước. Mặt khác, diện tích cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém, hiệu quả kinh tế thấp ngày càng tăng trong khi việc thực hiện tái canh chậm. Chỉ riêng các tỉnh Tây Nguyên diện tích cà phê trên 20 năm tuổi (già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh) cần phải trồng tái canh từ nay đến năm 2020 là hơn 120.000ha. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên các nông hộ, doanh nghiệp triển khai trồng tái canh cà phê còn hạn chế, tiến độ chậm.
Thời điểm hiện nay, quả cà phê đang bước vào giai đoạn chắc hạt, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê tập trung chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh để tăng kích thước, trọng lượng nhân cà phê, giảm tình trạng rụng quả non, hy vọng giảm bớt thiệt hại do mất mùa.
Mới đây, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam phối hợp với tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo Đề xuất mô hình bảo hiểm nông nghiệp cho cây cà phê, vấn đề thể chế và kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực về quản lý rủi ro trong nông nghiệp cho cây cà phê thông qua bảo hiểm nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển của bảo hiểm nông nghiệp có sự liên kết công, tư tại Việt Nam.
Ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đề xuất có 14 mô hình bảo hiểm nông nghiệp cho cây cà phê như: mục tiêu bảo hiểm, rủi ro, địa bàn, quyền lợi, năng suất, phạm vi, giá trị, thời kỳ bảo hiểm… Ông Trần Công Thắng đề xuất, trước mắt triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho cây cà phê ở hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, nơi hai địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất cả nước về rủi ro bảo hiểm gồm: hạn hán, mưa sớm, mưa lớn gây lũ, mưa đá nhằm giảm thiệt hại về kinh tế cho các nông hộ sản xuất càphê trên địa bàn.

Nhiều ý kiến tập trung thảo luận về phí bảo hiểm, số tiền đền bù, giá trị chịu rủi ro được tính bằng năng suất bình quân trong 5 năm gần nhất, mức độ của phạm vi bảo hiểm được xác định sau khi phân tích rủi ro dựa trên số liệu thời tiết và năng suất để đảm bảo khả năng chi trả cho các nông hộ. Các nông hộ sản xuất cà phê có thể chọn mức phạm vi bảo hiểm khác nhau như 100%, 90%, 80% hay thấp hơn phụ thuộc vào nhu cầu quản trị rủi ro và khả năng chi trả. Mức phạm vi bảo hiểm càng cao thì phí bảo hiểm càng cao…
Hiện nay, cả nước có 641.700 ha cà phê và là một trong những ngành hàng nông nghiệp sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cà phê đã đạt trên 3,55 tỷ USD. Trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh cà phê cũng ẩn chứa nhiều rủi ro như bão lũ, hạn hán, sương giá, dịch bệnh, biến động về giá… cần được khắc phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cà phê liên tiếp mất mùa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO