Sống khỏe nhờ nghề truyền thống

Nguyễn Tấn Quảng 15/11/2019 08:00

Ở miền núi, tới nay nhiều nghề thủ công truyền thống vẫn được bà con duy trì. Nhất là với những nghề độc đáo thì thu nhập từ nghề là khá tốt. Trong bài viết này, xin được giới thiệu chút ít về nghề chạm bạc của bà con người Nùng và nghề rèn của bà con người Mông.

Sống khỏe nhờ nghề truyền thống

Nghề rèn của bà con người Mông.

Nghề chạm bạc có từ lâu đời với bà con người Nùng xã Pờ Ly Ngài và xã Nàng Đôn (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang). Hai xã này có tới hơn 95% số dân là đồng bào dân tộc Nùng. Người già trong xã kể rằng, nghề chạm bạc đã có từ rất lâu đời, không ai biết chính xác là có từ bao giờ. Nó được truyền lại từ đời ông đến đời cha, sang đời con, đời cháu. Chạm bạc không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn phản ánh nét văn hóa độc đáo và tài năng của các nghệ nhân khi làm ra nhiều loại trang sức tinh xảo.

Cũng cần lưu ý rằng, bạc và các trang sức làm từ bạc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây. Nói như người già ỏ xã Pờ Ly Ngài thì trang sức bạc là hồn cốt, là tập tục. Nếu không đeo bạc, người Nùng không biết nguồn cội, không biết tổ tiên.

Ðể tạo nên những món đồ trang sức chất lượng cao, người thợ bạc phải tìm kiếm, sử dụng nguyên liệu là bạc hoa xòe và bạc miếng, rồi sử dụng những dụng cụ thủ công như kéo cắt, kìm vặn, búa đập, đế gỗ, nồi đun, cân tiểu ly… để làm. Nhẫn, vòng tay, xà tích, trâm cài đầu, cúc bạc với những họa tiết, hoa văn tinh xảo, gần gũi với cuộc sống con người ra đời từ những bàn tay nghệ nhân khéo léo. Vì thế, người làm nghề chạm bạc rất được tôn trọng. Tuy nhiên, nghề này rất kén người. Phải là người tỉ mẩn, nhẫn nại mới theo được nghề, vì tất cả các công đoạn để làm ra những sản phẩm đều đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì mới tạo ra được những họa tiết tinh tế. Ở xã Nàng Đôn cũng như xã Pờ Ly Ngài, sản phẩm bạc của người Nùng khác biệt và nổi trội hơn hẳn so với ở nhiều nơi khác bởi họa tiết tinh tế, mẫu mã đa dạng, cân đối ở thủ pháp xử lý sáng tối. Có được điều đó là do bà con rất kén chọn nghệ nhân, chỉ những người đầy đủ tố chất theo nghề này mới được truyền dạy nghề.

Hiện tại, thu nhập bình quân của một người thợ chạm bạc ở đây được hơn 10 triệu đồng/tháng.

Còn với đồng bào Mông, nghề rèn được coi là một sự độc đáo. Nghề rèn thủ công của đồng bào Mông có từ lâu đời. Trước kia, hầu như gia đình người Mông nào cũng có một lò rèn riêng để làm ra những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Cũng chính vì thế mà trong các bản người Mông bao giờ cũng có những người thợ rèn đạt trình độ xuất sắc. Sản phẩm rèn của người Mông vẫn nổi tiếng bởi độ bền, độ tinh xảo với bí quyết riêng.

Thợ rèn người Mông có thể rèn được nhiều sản phẩm khác nhau. Trước hết và phổ biến nhất là những công cụ được sử dụng nhiều trong sinh hoạt, lao động sản xuất hàng ngày như dao, rìu, liềm, thuổng, cuốc, xẻng... Chúng vốn được làm từ thép nên sản phẩm rất bền, sử dụng đến mòn vẹt mà vẫn còn rất sắc bén.

Mỗi người thợ rèn đều tích lũy được cho mình kinh nghiệm, kĩ năng của nghề rèn truyền thống. Trong đó, việc đốt lò là rất đặc biệt. Người Mông không dùng than đá mà dùng than củi cây trong rừng hay than củi từ cành tre già. Người thợ hoàn toàn chủ động được nhiệt độ của lò rèn- điều rất quan trọng để có được một sản phẩm tốt. Tới nay, hầu hết các lò rèn vẫn sử dụng các công cụ truyền thống, làm thủ công, từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, làm tay cầm… ít có sự can thiệp của máy móc. Và chính điều đó đã làm nên sự đặc biệt của những sản phẩm rèn của bà con người Mông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống khỏe nhờ nghề truyền thống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO