Đạo đức xã hội - nhìn từ lễ nghĩa học đường

Ngọc Anh 10/05/2016 10:00

Theo cô Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, sự liên kết chặt chẽ giữa 3 yếu tố giáo dục không thể tách rời là Xã hội - Gia đình - Nhà trường đang ngày càng lỏng lẻo. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc đạo đức người trẻ ngày càng đáng lo ngại…

Đạo đức xã hội - nhìn từ lễ nghĩa học đường

Ảnh minh họa.

Còn nhớ, ngay trong lần đầu tiên tiếp chuyện cánh nhà báo khi vừa nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Thiện đã đặt ra vấn đề đạo đức xã hội và mời cùng đàm luận. Ông tâm sự, đã đến lúc các nhà quản lý nhà nước về văn hóa đừng lo thiếu lễ hội hoành tráng, đừng sợ bảo tàng, tượng đài kém to, kém đẹp. Điều phải nghĩ, phải trăn trở là thực trạng đạo đức ngày càng suy thoái, cái lễ cái nghĩa của người Việt Nam ngày càng bị xem nhẹ… Đó là gốc của mọi rắc rối trong xã hội hiện đại!

Chấn hưng chữ “Lễ”

Gặp tân Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, chỉ vài ngày sau khi ông nhận nhiệm vụ mới, các nhà báo vẫn thấy ông đau đáu với câu chuyện nửa năm về trước. Và ông khẳng định: Việc đầu tiên cần làm của ngành Văn hóa là chấn hưng đạo đức, lễ nghĩa. Muốn làm được, ngành Văn hóa cần sự vào cuộc ngay lập tức, mạnh mẽ, nghiêm túc của ngành Giáo dục và Truyền thông.

Cái cách người đứng đầu ngành Văn hóa đặt vấn đề hoàn toàn trực diện, sòng phẳng và đậm tính gợi mở. Tức là phần việc nào của ngành Giáo dục, và Truyền thông tham gia với liều lượng bao nhiêu và tập trung vào những nhóm đối tượng nào, tất cả đều phải rõ ràng!?

Những bậc cao niên kể rằng, thời xưa, chữ “Lễ” rất được coi trọng trong mỗi gia đình. Từ nhỏ con cái đã được dạy phải vâng lời người lớn, đi thưa về gửi. Lễ giáo trong từng gia đình, tôn ti trật tự được coi trọng. Nhưng rồi, dần dần, nền giáo dục của chúng ta đã bỏ mất chữ “Lễ” dù vẫn nêu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Người ta càng ngày càng áp dụng dân chủ theo kiểu phương Tây một cách vô lối, mà lãng quên cơ sở văn hóa của người Việt, rời xa đặc tính sinh hoạt, giao tiếp của người Việt.

Người lớn làm gương trẻ nhỏ

Vấn đề là xã hội có dám tuyên chiến thực sự với nạn “vô đạo đức” không? Nếu chúng ta vẫn coi nặng giáo dục suông, nặng về kiểu “vận động quần chúng” một cách hình thức thì không bao giờ ngăn chặn và làm giảm được tình trạng “vô đạo đức” ở một bộ phận không nhỏ cư dân.

Một vấn đề không thể không nói đến nữa là muốn ngăn chặn vấn nạn trên thì chính người lớn, những người bề trên phải sống gương mẫu, phải tử tế trước. Một ông bố thích “chém gió”, nói không đi đôi với làm, thất hứa với chính vợ con mình thì làm sao có thể dạy con ý thức trách nhiệm và thái độ nghiêm túc trong học tập, lao động? Một người lãnh đạo thích quyền lợi mà không muốn chịu trách nhiệm, muốn giữ quyền hành mà không đủ trình độ để lo công ăn việc làm cho nhân viên thì sao có thể là tấm gương cho cấp dưới học tập về tinh thần tập thể vì mục tiêu chung?

Những năm gần đây hiện tượng học sinh coi thường nội quy nhà trường, hỗn láo với thầy cô... khiến dư luận bao phen dậy sóng. Không ít giáo viên đã thốt lên bất lực “phải chăng đã đến thời thầy phải sợ trò”. Liệu chúng ta cứ đào tạo ra những những học sinh giỏi, những sinh viên xuất sắc, cho "ra lò" hàng loạt thạc sĩ, tiến sĩ để làm gì? Khi thành tích và học vị thì đạt được tối đa còn điều tối thiểu là kính trọng thầy, cô họ, biết ơn cha mẹ, yêu quê hương và sẵn sàng phục vụ đất nước thì nhiều người không làm được!

Bắt đầu từ giáo dục

Rõ ràng đạo đức của học sinh đang thách thức năng lực của các thầy, cô giáo và cả chính nền giáo dục. Cô Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng, nếu xã hội không nỗ lực xây dựng một nền giáo dục bình đẳng, dân chủ, kỷ cương và đổi mới theo kịp các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới thì mọi nỗ lực dạy dỗ người trẻ đều thất bại.

“Trường của chúng tôi đã làm và nhận thấy việc trang bị cho thế hệ trẻ đầy đủ kiến thức sống, kỹ năng sống an toàn lành mạnh, không bị lệch lạc về đạo đức, có niềm tin vào bản thân và xã hội; ở một thời điểm nhất định còn quan trọng hơn cả kiến thức nhà trường. Chất lượng công dân tương lai, những người có kỹ năng, có đạo đức là nhân tố cốt lõi quyết định sự bảo toàn và phát triển đất nước, quyết định chất lượng cuộc sống và là nền tảng vững chắc để xây dựng những giá trị xã hội, là nguồn lực quan trọng nhất đắp xây cuộc sống thanh bình và hạnh phúc cho mọi gia đình, tạo sự phát triển bền vững cho toàn xã hội”.

Cũng theo cô Oanh, sự liên kết chặt chẽ giữa 3 yếu tố giáo dục không thể tách rời là Xã hội - Gia đình - Nhà trường đang ngày càng lỏng lẻo. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc đạo đức người trẻ ngày càng đáng lo ngại, tình trạng học sinh hỗn láo, bạo lực gia tăng trong nhà trường.

Xã hội, gia đình và nhà trường chưa tạo cho học sinh những nhận thức đúng về chuẩn mực văn hóa ứng xử giữa người với người; thậm chí giữa thực tế đời sống xã hội và đời sống trong gia đình có nhiều điều trái ngược, mâu thuẫn với những điều nhà trường cố gắng vun đắp, dạy dỗ các em. Điều đó khiến các em dần đánh mất niềm tin vào những giá trị đạo đức làm nền tảng cho nhân cách người trẻ.

Trong khi đó, kỹ năng sống của người trẻ chưa tốt, các em không có cách giải quyết vấn đề thích hợp mà chủ yếu hành xử theo bản năng. Cùng với đó vẫn chưa có các biện pháp hay quy định về pháp luật để xử lý kỷ luật đủ mạnh để học sinh biết tôn trọng kỷ cương, kỷ luật trong giáo dục. Thực tế đó đang khiến xã hội phải tiếp nhận những "sản phẩm" giáo dục có tri thức nhưng thiếu kỹ năng, lệch lạc và đạo đức và hụt hẫng về niềm tin.

Đã đến lúc, ngành Giáo dục đào tạo cần phải nhận thức rõ phần trách nhiệm của mình trong việc góp sức nâng cao đạo đức xã hội. Xã hội - Nhà trường - Gia đình phải cùng chung sức gìn giữ và phát huy truyền thống nhân nghĩa, hiếu học, cần cù, trung thực của người Việt.

Rồi từ đó, các thầy cô giáo là những người thầy cả về tri thức và tinh thần để vun đắp cho các em một niềm tin vào những giá trị đạo đức tốt đẹp làm kim chỉ nam cho mọi hành động của các em trong gia đình và ngoài xã hội.

Đó chính là con đường để những học trò giỏi, những đứa con ngoan trong gia đình trở thành những thành viên tốt trong xã hội, những công dân sẵn sàng cống hiến trí tuệ và sức lực cho Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo đức xã hội - nhìn từ lễ nghĩa học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO