Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Người học chủ động tạo việc làm

Minh Long 30/11/2016 00:18

Hầu hết các tỉnh được khảo sát đều báo cáo đạt và vượt chỉ tiêu lao động có việc làm, song phần lớn là việc làm sau học nghề vẫn là nghề nông nghiệp và người học chủ yếu tự tạo việc làm. Tỷ lệ người học được đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng chiếm tỷ lệ rất thấp, có tỉnh chỉ đạt dưới 10%.

Trên đây là một trong kết quả đáng chú ý qua cuộc khảo sát “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (theo Đề án 1956) do Oxfam tiến hành tại 15 cộng đồng dân cư thuộc 7 tỉnh trong cả nước (Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Đăk Nông, Ninh Thuận và Trà Vinh).

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Người học chủ động tạo việc làm

Đào tạo nghề cho bà con DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Người học nghề loay hoay tìm việc

Mục tiêu của Đề án 1956 trong giai đoạn 2011- 2015 là “tối thiểu 70% lao động sau học nghề có việc làm”. Với mục tiêu này tại các tỉnh được khảo sát hầu hết đều báo cáo đạt và vượt chỉ tiêu 70% lao động có việc làm trong giai đoạn 2010-2014.

Theo báo cáo nghiên cứu, chỉ tiêu “70% lao động sau học nghề có việc làm” không phản ánh đúng hiệu quả đào tạo nghề trên thực tế (do người tự làm nông nghiệp vẫn đang hành nghề dù có tham gia lớp học nghề hay không, do có việc làm chưa chắc dẫn đến tăng năng suất và thu nhập).

Do đó, Quyết định 971/QĐ-TTg (sửa đổi Quyết định 1956/QĐ-TTg) đã đưa ra 2 chỉ tiêu hiệu quả phù hợp hơn là “ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn”.

Ông Hoàng Xuân Thành, đơn vị tư vấn, Tổ chức Oxfam cho biết, cán bộ các cấp được tham vấn đều đồng ý rằng, cần tập trung vào đánh giá 2 chỉ tiêu này bằng phương pháp phù hợp. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn thực hiện nên tại tất cả các địa bàn khảo sát không có số liệu thống kê.

“Cấp trung ương cần có chính sách riêng đặc thù với khu vực đồng bào Tây Nguyên vì nếu căn cứ theo mục tiêu chung của cả nước thì các địa bàn có đông đồng bào nghèo DTTS sẽ khó đạt được tỷ lệ 70% lao động có việc làm”-Đại diện Sở LĐ-TBXH tỉnh Đăk Nông đề xuất.

Thực tế kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, hình thức có việc làm phổ biến nhất là tự tạo việc làm (43-74%), vì người học nghề nông nghiệp hoặc nghề tiểu thủ công nghiệp tại chỗ vẫn đang làm những nghề đó.

Trong khi đó, tỷ lệ người học được đơn vị/doanh nghiệp tuyển dụng chiếm tỷ lệ thấp (nhất là ở các tỉnh Đăk Nông, Trà Vinh và Quảng Trị chỉ đạt dưới 10%). Có rất ít người học nghề được bao tiêu sản phẩm hoặc thành lập tổ hợp tác/HTX.

Cần tích hợp các chính sách

Cũng theo kết quả nghiên cứu thì cơ chế lập kế hoạch và phân bổ ngân sách đào tạo nghề vẫn còn nhiều hạn chế. Việc xác định nhu cầu và lập kế hoạch dạy nghề và các hỗ trợ kèm theo chưa được lồng ghép vào quá trình lập kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội theo phương pháp có sự tham gia ở cấp xã, cũng như chưa gắn với lập kế hoạch của các ban ngành liên quan như khuyến nông, khuyến công và NHCSXH. Hiện chưa có tiêu chí và qui trình phân bổ ngân sách đào tạo nghề đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Tình trạng đầu tư lớn cho các trung tâm dạy nghề ở tất cả các huyện là không cần thiết và gây lãng phí nguồn lực. Điều phối, phối hợp các bên ở các cấp địa phương trong công tác đào tạo nghề chưa tốt, bản chất là do cách nhìn đào tạo nghề vẫn theo nghĩa hẹp (phát triển kỹ năng) chưa theo nghĩa rộng hơn (cải thiện sinh kế và tăng thu nhập).

“Các chính sách hỗ trợ học nghề chưa được tích hợp, vẫn đang tồn tại ở nhiều văn bản khác nhau, với cơ quan chủ trì riêng và dòng ngân sách riêng. Ban chỉ đạo/Tổ công tác thực hiện Đề án 1956 hoạt động chưa hiệu quả, chưa thể hiện rõ vai trò “chỉ đạo” và “điều phối” các hoạt động đào tạo nghề giữa các bên liên quan.

Sở Nông nghiệp và PTNT chưa thực sự đóng vai trò chủ trì chỉ đạo, quản lý chung về dạy nghề nông nghiệp. Sự phối kết hợp giữa ngành khuyến nông, khuyến công với đào tạo nghề 1956 theo cách tiếp cận “tiểu dự án” còn hạn chế” Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Phó Giám đốc Quốc gia, tổ chức Oxfam tại Việt Nam nói.

Từ các phát hiện trên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị cần tích hợp chính sách, trong đó gộp các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng khác nhau (người khuyết tật, phụ nữ, thanh niên, người nghèo/người DTTS ở địa bàn đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất…) vào chung một văn bản, áp dụng chung cơ chế và quy trình thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Người học chủ động tạo việc làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO