Đầu năm học, nghĩ về đổi mới giáo dục

Thành Vĩnh 07/10/2020 09:00

Năm học mới đã bắt đầu, khá ngổn ngang, không phải chỉ bởi Covid-19, mà còn vì đây là năm đầu tiên triển khai Chương trình – Sách giáo khoa mới, bắt đầu với học sinh lớp 1. Nghĩa là cùng với đổi mới thi cử trong những năm qua, con tàu Đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục là lên đường. Nhưng xem ra vẫn còn nhiều trăn trở.

Mục đích của đổi mới giáo dục là lựa chọn một triết lý giáo dục để hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực: Học để làm người.

Những người làm giáo dục, bằng nhiều cách, cũng đã làm cho xã hội và người học nhận thức đầy đủ bốn trụ cột của giáo dục. Đó là: Học để biết, Học để làm, Học để làm người, Học để cùng chung sống.
Trong nhiều năm người ta nói kêu ca rất nhiều về giáo dục theo một lẽ giản đơn, giáo dục là vấn đề động chạm đến mọi người mọi nhà. Nhiều năm, người ta kêu về việc thiết kế chương trình quá tải, nhiều kiến thức vừa ôm đồm vừa hàn lâm trong sách giáo khoa, về sự không liên thông chương trình giữa lớp trên với lớp dưới, giữa cấp học cao với cấp học thấp, giữa các bộ môn với nhau bị cắt khúc, khiến phải học đi học lại.

Nhiều năm người ta kêu về việc học để đối phó với các kỳ thi, chương trình chỉ giúp học sinh chuẩn bị cho thi mà đích đến là thi đỗ vào một trường đại học.

Nhiều năm người ta kêu về việc chỉ có một bộ sách giáo khoa, khiến thầy cô không có lựa chọn nào khác.

Cũng trong những năm qua, người ta hay nói về việc trang bị kỹ năng sống, theo một cách hiểu là học ít thôi…

Nói đổi mới giáo dục không có nghĩa là chúng ta chê giáo dục giai đoạn cũ. Cần phải đánh giá đúng những đóng góp của giáo dục trong thời gian qua, vì nếu không có sản phẩm của giáo dục của thời kỳ trước, làm sao ta kịp thời có được nguồn nhân lực phục vụ cho xây dựng phát triển kinh tế xã hội cho thời điểm hiện tại, cho thời kỳ đổi mới này.

Xét cho công bằng, thì đổi mới thi cử đã rõ nét trong những năm qua mà đổi mới quan trọng nhất là đã gộp 2 kỳ thi thành một, chỉ còn kỳ thi Quốc gia. Đánh giá học sinh cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ. Và mấu chốt nhất của giáo dục phổ thông là đã đổi mới Chương trình – Sách giáo khoa, theo hướng giảm tải, theo hướng một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, giảm số lượng môn học...
Thế nhưng vừa mới bắt đầu, người ta đã lại tiếp tục chỉ trích việc loạn sách giáo khoa. Nghĩa là nhận thức xã hội chưa theo kịp với tư duy đổi mới. Vì đã quá nhiều năm quan niệm cho rằng sách giáo khoa phải là chuẩn mực duy nhất đã ăn sâu vào xã hội. Cần có thời gian để thích nghi với việc sách giáo khoa chỉ là để minh họa cho chương trình học.

Cũng như vừa mới bắt đầu năm học mới, cũng vẫn tiếp tục nhiều ý kiến khác nhau về những quy định trong trường học, như là học sinh có được dùng điện thoại trong giờ học hay không. Cũng như là đổi mới gì thì đổi mới, đầu năm học vẫn râm ran câu chuyện lạm thu. Những vấn đề quá mệt mỏi của câu chuyện xã hội hóa giáo dục.

Trong khi đó, suy cho cùng, mục đích của đổi mới giáo dục là lựa chọn một triết lý giáo dục để hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực: Học để làm người.

Đi tìm triết lý giáo dục có vẻ như là ám ảnh khôn nguôi đối với nhiều nhà nghiên cứu giáo dục những năm qua. Tới mức nhiều người đã nói đến nó như một nguyên nhân dẫn đến kết quả chưa thực sự thành công như mong đợi của các lần đổi mới trước đây. Trong khi đó, mục tiêu của giáo dục theo chúng tôi đã được ghi khá đầy đủ trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI). Đó là: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Chẳng phải đạt tới mục tiêu đó chính là thực hiện được triết lý giáo dục học để làm người trong đó hình thành một thế hệ người Việt Nam mới đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Một thế hệ lớn lên ngoài kiến thức thì có đầy đủ kỹ năng sống trong cộng đồng và vun đắp quan hệ cộng đồng, tự chủ, dám chịu trách nhiệm, có tâm hồn phong phú và có khả năng thích ứng.

Lại nhớ rằng nhiều năm trước khi bàn về đổi nền giáo dục, các chuyên gia đã tranh cãi xem chọn đâu là khâu đột phá: đổi mới thi cử trước, đổi mới chương trình và sách giáo khoa trước hay chọn đột phá là đổi mới giáo viên (tức là đổi mới các trường sư phạm). Cuối cùng, thì đổi mới “căn bản và toàn diện” nền giáo dục Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI. Và khâu thi cử được chọn đổi mới đầu tiên, Chương trình và Sách giáo khoa cũng đã chính thức bước vào lộ trình đổi mới. Có lẽ cũng còn quá sớm nhưng mục tiêu “căn bản và toàn diện” vẫn chưa thấy đích đến.

Nói đổi mới giáo dục không có nghĩa là chúng ta chê giáo dục giai đoạn cũ. Cần phải đánh giá đúng những đóng góp của giáo dục trong thời gian qua, vì nếu không có sản phẩm của giáo dục của thời kỳ trước, làm sao ta kịp thời có được nguồn nhân lực phục vụ cho xây dựng phát triển kinh tế xã hội cho thời điểm hiện tại, cho thời kỳ đổi mới này. Những giáo sư, tiến sĩ tên tuổi như hôm nay đều được học từ những chương trình giáo dục chúng ta đang có. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải đổi mới toàn diện nền giáo dục để đáp ứng và theo kịp những đòi hỏi của cuộc sống, sự phát triển của xã hội.

Đổi mới trong lộ trình loay hoay về những quy định trong trường học có dùng điện thoại hay không, đánh giá, kỷ luật, khen thưởng học sinh như nào… đang cho thấy một tính chất chưa “toàn diện”. Phải đặt nghiên cứu giáo dục trong tổng thể chính trị- kinh tế- văn hóa- xã hội vì suy cho cùng, giáo dục là đào tạo con người thích ứng với hoàn cảnh xã hội. Vì thế, đổi mới không đơn giản là thay đổi hay giảm tải chương trình – sách giáo khoa. Nếu tất cả những nhà khoa học giỏi giang đều muốn gài gắm những kiến thức giỏi giang của mình vào chương trình và sách giáo khoa thì đương nhiên nó sẽ trở thành quá tải.

Bắt đầu từ triết lý giáo dục để dạy làm người chứ không phải dạy những thứ quá lớn lao. Nhưng ngay cả khi đã có chương trình – sách giáo khoa mới, ngay khi đã đổi mới khá nhiều trong thi cử, đánh giá học sinh… thì cái cảm giác ngổn ngang trong đổi mới giáo dục có vẻ như vẫn còn nguyên đấy. Mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông lại bàn chuyện này, chuyện khác của ngành giáo dục thì tức là chúng ta chưa có một đề án tổng thể cho đổi mới. Không đổi mới tư duy làm giáo dục một cách hệ thống, thì đổi mới, nếu không khéo, lại vướng vào vòng luẩn quẩn cũ là cải cách chắp vá.

Nhân dân sẵn sàng đóng góp với Nhà nước để cùng lo cho con mình thành người hữu ích, nhưng không có nghĩa là nhân danh xã hội hóa, để tính thực dụng của thị trường chi phối cả học đường. Giáo dục dù thế nào vẫn cứ được xem là một lợi ích công, cung cấp cơ hội học tập phổ thông bình đẳng cho trẻ em không phân biệt giàu nghèo. Sự chênh lệch giầu nghèo trong giáo dục phải được giải ở bên ngoài nhà trường, bằng các cách nào đó.

Đổi mới giáo dục, kể cả Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (làm lại chương trình và sách giáo khoa), rồi cải tiến thi cử cũng đều là đang trong lộ trình “đổi mới toàn diện và căn bản”. Nhưng với những gì đang diễn ra thì quan điểm đúng đắn được đưa ra trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI dường như chưa thực sự được cụ thể hóa đầy đủ trong hành động. Rõ ràng, bất cập đã bộc lộ từ khâu thi cử đến việc chuẩn bị lực lượng giáo viên làm nòng cốt cho đổi mới giáo dục. Đổi mới chương trình và sách giáo khoa liệu có ích gì khi trình độ sinh viên ngành sư phạm (tức là giáo viên trong tương lai) đang ở mức chuẩn đầu vào thấp? Thực tế cải cách giáo dục qua nhiều lần cho thấy nếu còn tiếp tục đổi mới chắp vá, thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ, mà chỉ tính chuyện làm mới chương trình và sách giáo khoa và thay đổi phương thức thi cử, thì đổi mới cách ấy còn xa mới có tính căn bản và toàn diện.

Nhân dân sẵn sàng đóng góp với Nhà nước để cùng lo cho con mình thành người hữu ích, nhưng không có nghĩa là nhân danh xã hội hóa, để tính thực dụng của thị trường chi phối cả học đường. Giáo dục dù thế nào vẫn cứ được xem là một lợi ích công, cung cấp cơ hội học tập phổ thông bình đẳng cho trẻ em không phân biệt giàu nghèo. Sự chênh lệch giầu nghèo trong giáo dục phải được giải ở bên ngoài nhà trường, bằng các cách nào đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu năm học, nghĩ về đổi mới giáo dục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO