Để giữ thị trường 100 triệu dân

Minh Phương 30/10/2020 07:30

DN Việt có rất nhiều lợi thế cạnh tranh khi tận dụng các cơ hội đến từ các FTA. Song, nếu không chủ động nâng sức cạnh tranh, sân nhà sẽ rất khó giữ. Đó là những nhận định tại Diễn đàn “Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới” do Bộ Công thương tổ chức sáng 29/10, tại Hà Nội.

Hàng Việt ngày chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Ảnh: Quang Vinh.

Cơ hội và thách thức

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã trở thành một trào lưu chung trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa, đồng thời mở rộng hợp tác kinh tế được nhiều quốc gia lựa chọn.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, không đứng ngoài quá trình đó, Việt Nam hiện tại thành viên của nhiều FTA. Trong số 13 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).

“Cùng với việc gia nhập WTO từ năm 2007, việc tham gia các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội có được từ các FTA, chúng ta cũng phải đối diện với áp lực cạnh tranh không nhỏ khi hàng hóa ngoại nhập đang được rộng cửa đổ bộ vào thị trường trong nước. Hiệp hội DN Châu Âu (Eurocham) ước tính, đến năm 2035, hàng xuất khẩu của EU sẽ tăng khoảng 29%, tương đương khoảng 15 tỷ EUR. Không riêng gì hàng hóa từ EU, hàng hóa từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc... cũng sẽ tiếp tục tràn mạnh vào thị trường trong nước. Đó là những áp lực lớn mà các DN Việt Nam phải đối diện.

Trong bối cảnh khó khăn đó, theo bà Lê Việt Nga, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang trở thành một điểm nhấn quan trọng khẳng định sức mạnh của hàng Việt. 10 năm qua, hàng hóa trong nước luôn có một vị thế nhất định trong lòng người tiêu dùng Việt Nam, khi mà 88% người tiêu dùng Việt khẳng định họ quan tâm tới cuộc vận động, gần 70% xác nhận họ sẽ ưu tiên mua và sử dụng hàng của DN trong nước sản xuất.

Lan tỏa mạnh mẽ Cuộc vận động

Để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ EU cũng như các quốc gia khác khi các FTA được thực thi, giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các DN cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ... Và với lợi thế am hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt, các DN trong nước chủ động cung ứng những sản phẩm tốt nhất, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân Việt Nam, khai thác tốt nhất lợi thế sân nhà... Khi người Việt đã tin dùng và đồng hành với DN Việt, những áp lực cạnh tranh đến từ các FTA sẽ giảm thiểu.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhấn mạnh, tham gia các FTA thế hệ mới với rất nhiều nội dung vừa truyền thống vừa phi truyền thống được kỳ vọng đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã có những đề xuất về giải pháp, khuyến nghị các DN Việt Nam vượt qua khó khăn, nỗ lực nâng sức cạnh tranh để tự tin bước vào một sân chơi mới.

Kể từ khi Cuộc vận động đi vào cuộc sống, đã có những thay đổi rất rõ nét về tư duy tiêu dùng của người Việt. Hàng Việt Nam đã được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, tỷ lệ người Việt sử dụng hàng Việt ngày càng gia tăng.

Dù vậy, không thể phủ nhận những khó khăn mà cộng đồng DN sẽ phải đối diện khi hàng hóa nước ngoài ngày càng rộng cửa thâm nhập vào thị trường trong nước. Nhìn rõ những được khó khăn, thách thức đó, bà Ánh cho biết, với trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, thời gian tới Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyên. Theo bà Ánh, nếu như giai đoạn trước, Cuộc vận động chủ yếu hướng đến người tiêu dùng, thì giai đoạn này sẽ chú trọng hướng đến các DN. Làm sao để mỗi DN nhận thức đầy đủ những điều kiện, yêu cầu khi tham gia các FTA.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ phát huy trách nhiệm của MTTQ Việt Nam thực hiện phản biện xã hội để làm sao các chính sách, văn bản pháp luật khi được ban hành sẽ khả thi, phù hợp với thực tế để tạo điều kiện phát triển cho DN.

Ở thời điểm hiện tại, hàng Việt được đánh giá rất cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên các quầy, kệ. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao, cụ thể Co.op mart hàng Việt chiếm 90-93%, Satra chiếm 90-95%,Vinmart chiếm 96%, Vissan chiếm 95%, Hapro chiếm 95%. Tại các kênh phân phối nước ngoài, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm 65-96%...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để giữ thị trường 100 triệu dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO