Nhà ở luôn là nhu cầu bức thiết nhất với công nhân, người lao động. Mặc dù trong những năm gần đây, đã có nhiều chính sách được ban hành, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và cần sự vào cuộc nhiều hơn của các cấp, các ngành và tổ chức Công đoàn.
Cả nước hiện có gần 18 triệu công nhân, lao động nhưng mới có khoảng 20% trong số này có nhà ở ổn định. Đây là số liệu được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra, dẫn chứng cho nhu cầu bức thiết về nhà ở của công nhân, lao động.
Ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho biết, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển - kinh tế gắn liền với công bằng, tiến bộ xã hội.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng tính đến ngày 9/3/2023, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000m2. Các địa phương đang tiếp tục triển khai 418 dự án, quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích hơn 22,5 triệu mét vuông. Kết quả này mới đạt khoảng 64% so với yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp ở các đô thị hiện rất lớn vẫn đang còn rất thiếu.
Chia sẻ thực trạng này, ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, qua khảo sát của tổ chức công đoàn, nhu cầu về nhà ở của công nhân rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết khu công nghiệp, khu chế xuất không đáp ứng được nhu cầu này. Bên cạnh đó, với mức lương tháng trung bình của công nhân từ 6 đến 9 triệu đồng/người như hiện nay, rất khó cho họ có thể mua được nhà ở xã hội. Vì vậy, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể cần có biện pháp hỗ trợ, nên dành 90% quỹ nhà ở xã hội để cho thuê.
Khẳng định vai trò, vị trí của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Nhà nước, doanh nghiệp vẫn là lực lượng chủ yếu trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, sự tham gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân lao động xét trong hiện tại và tương lai là cần thiết, vì đây là tổ chức đại diện cho người lao động.
Để triển khai nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hoàn thành đầu tư thí điểm 1 dự án thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam gồm 5 khối nhà ở cao tầng với 244 căn hộ; một nhà đa năng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn bộ khu đất xây dựng thiết chế.
Đối với việc thực hiện xây dựng nhà ở theo Đề án tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg, đến nay tổ chức Công đoàn cũng đã đầu tư xây dựng công trình nhà đa năng và hạ tầng kỹ thuật tại khu thiết chế công đoàn Tiền Giang.
Trước nhu cầu cấp bách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để “an cư, lạc nghiệp”, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị “Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp”. Tại hội nghị, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.
“Đây là tin vui với rất nhiều người lao động, công nhân làm công ăn lương, đang phải đi thuê nhà trọ có cơ hội được thuê, thuê mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi để ổn định tâm lý, toàn tâm toàn ý cho công việc lao động sản xuất” - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.