Đêm tìm về thị xã ngày xưa

Bùi Việt Phương 18/01/2018 11:25

Bây giờ, dẫu có dừng chân ít phút ở cửa hàng, siêu thị hay tạt qua quán trà đá, đã thấy dân phường này, phường nọ nói từ thành phố chơn chu lắm. Khác hẳn với những rè rặt, ngập ngừng như ngày phố mới lắp đèn đỏ, làm dải phân cách và… không dắt gia súc qua thành phố.

Đêm tìm về thị xã ngày xưa

Hai tiếng "thị xã" đã mờ nhòe như đôi mắt những người già ngồi đầu ngõ mỗi khi con cháu lỡ nhắc đến cái tên gọi ngày xưa ấy. Thị xã cổ xưa với biết bao buồn vui đã sinh ra từ một quèn sông Đà, từ tiếng hò lấp sông ngăn dòng xây thủy điện, từ những giọt mồ hôi thầm lặng mà thánh thót của tuổi hai mươi.

Sáng mùa hè những năm đầu thế kỉ mới, nắng lên cao phản chiếu màu sơn của những dãy nhà cao tầng. Xe cộ nối đuôi nhau qua chiếc cầu cứng cáp nối liền hai bờ sông. Cây cầu đã xóa nhòa đi ranh giới của quê bên tả ngạn với phố bên hữu ngạn. Cây cầu đã đưa những đôi vợ chồng trẻ với tiếng con thơ bập bẹ về xanh tươi lại những khu phố cũ kĩ. Hiển nhiên, thị xã cũng đã mất đi nhiều vẻ sâu lắng trong chiếc áo mới mang tên thành phố náo nhiệt ấy. Nhưng nếu ta biết lắng nghe thì vẫn nhận ra mạch trong trẻo đó.

Ai từng đọc bài thơ Thị xã ra quân của cô giáo Nguyễn Thị Mai khi tiễn các em nam sinh viên Trung học Sư phạm của tỉnh ra chiến trường, hẳn sẽ nhớ nhất là cảnh phố đêm bên hữu ngạn: Ngã ba phố mình thênh thang mọi khi/ Sáng nay ứ dòng xe cộ/ Nhường cho khách lên đường/Mậu dịch bách hóa mở sớm hơn ngày thường/Đông con gái vào mua bút sổ/ Chị bưu điện luôn tay, lòng cởi mở/Trao tập phong bì và những con tem. Bỗng dưng có đêm, đưa người nhà ra chuyến xe sớm về quê, đang miên man hoài niệm gốc gác ông bà phía con đường hút nẻo, chợt nhận ra phố xá bên này đã thức dậy. Nhưng thật lạ, không phải là phố của những shop, show room mà những hàng nước chè, đồ gia dụng, bánh cuốn… nhỏ lẻ ngày thường khuất lấp. Họ cởi mở hỏi han, đối đáp với nhau qua những quãng phố dài vắng lặng nghe rõ thổ âm người Bất Bạt xưa lên lập nên phố Phương, chợ Lâm. Đã là người phố cũ thường nhà cửa khiêm nhường, đôi khi chật chội nhưng phong thái tao nhã. Có cụ bà mỗi tháng chỉ dăm ba ngày rảnh việc mới xay bột làm đúng vị bánh giò quê.

Có ông cụ chữa đồng hồ, buổi gặp khách tâm đầu ý hợp đàm đạo đến xế trưa chỉ vì một chiếc đồng hồ Rolex. Chú ngựa kéo xe cuối cùng của thị xã đang buộc dưới chân cột đèn thi thoảng lại rũ bờm như sốt ruột đợi ngày mới lên lại cùng chủ dong duổi quanh thành phố mới. Những kí ức của thị xã chỉ còn lại thế ư? Nào đâu những chuyến xe ngựa nối phố Chăm có những người con gái đẹp. Hay ngược về phố Thái, nơi những chàng Việt kiều từ xứ Xiêm về nước khởi nghiệm thuyền chài mà vẫn giữ được vẻ lịch lãm, tuấn tú. Nào đâu những dãy nhà ngói đỏ nề nếp gia phong, đường rợp bóng xà cừ xanh thẫm. Thời gian vừa là chứng nhân cho cũ xưa, vừa sẽ chứng minh sự thay đổi ấy bằng sự quy mô, hiện đại hơn nhưng vẫn ấp iu những vẻ đẹp tao nhã, cổ kính ấy.

Ngược về bên tả ngạn, núi Đúng vẫn đứng đó bên những dẫy nhà cao tầng như một biểu tượng kì vĩ. Cơn gió mát từ mặt sông như nhắc ta đang trở lại với một kí ức sôi động của những phố công trường. Đêm ở bên bờ trái này là giấc ngủ sâu của công nhân lao động, viên chức, thợ thuyền. Chẳng mấy hàng quán thức khuya, dậy sớm. Những người trung niên hay trẻ tuổi ở những con phố mới có tuổi đời chòm chèm hai chục năm. Không một bóng người nhưng nhìn về tứ phía vẫn thấy ồn ào, sôi nổi của những mảng khối của những công trình kiến trúc, cảng, máy xưa trong ánh sáng điện đường. Không gian đầy sức sống bởi tên gọi của từng con dốc, tên ngõ. Đây là dốc Năng Lượng, Cảng Nghiêng, Chạm Trộn. Dưới kia là ngõ Thủy Công, ngã ba Dân Dụng, chợ Công Nghiệp II…

Những năm cuối thế kỉ trước, qua khoảng sân giữa những khu chung cư bỏ hoang, trong tai tôi chợt vẳng tiếng đàn ghi ta của ban nhạc sông Đà trong những đêm văn nghệ sôi động khí thế lấp sông. Giật mình nhìn lại, chỉ còn cỏ mọc hoang, những ca sĩ, nhạc công xưa người thì đã về quê lập nghiệp, người đi thồ hàng giúp vợ, thi thoảng vẫn cất tiếng hát một mình khi nấu bữa cơm chiều. Nhưng giờ các khu chung cư hộp diêm theo kiến trúc Nga ấy đã đông kín những hộ gia đình trẻ. Người miền núi đã quen dần với nhà tầng. Đêm trời oi bức khó ngủ mắt vẫn ngóng về núi nhớ mái sàn quê cũ. Trước kia, nơi đây thường ngập lụt những bận Thủy tinh dâng nước "đánh ghen". Ngấn nước cứa vách đá trong núi sâu chỉ còn là kí ức, dòng Đà Giang hôm nay đã thuần dưới hai bên bờ kè đá hộc, những bài phù sa xưa cứng cáp cho nhà mới mọc lên.

Tả ngạn tuy mới mẻ nhưng đâu phải không có những niềm tự hào cổ kính. Ngôi trường đã gần 70 năm tuổi mang tên người anh hùng Hoàng Văn Thụ đã thành cái địa danh cửa miệng "trường Hoàng". Nào là nhà tôi gần trường Hoàng, trên phố trường Hoàng. Bao lớp học sinh đã đi đến và đi, đi xa lắm tận trời đất Âu, trời Mĩ hay có người chỉ lặng lẽ cắt tóc, bán nước chè bên bờ tường của trường mà vẫn không quên tự hào khi nhắc tới. Cổ kính còn là khi ngày ngày tôi và mọi người tất tả rau dưa nơi cái chợ Vồ. Tên chợ nghe lạ nhưng lần theo dấu các công trình thủy điện khác thì thấy tên chợ Vồ, chợ Bóp cũng vui vui như miếng thịt, con cá, mớ rau mua vội về với bữa cơm để người công nhân kịp đi ca. Dân chợ vẫn khiêm nhường từng món hàng cũ, lặng lẽ là vài ba cửa hàng may ít danh tiếng nhưng hợp gu những người trong phố. Mấy hàng mộc quanh năm bán ghế thờ, bàn thờ mộc mạc cho hàng xóm, láng giềng. Là những hàng bún bánh mở cả ngày, nhưng vẫn không quên nhường vỉa hè cho người ngoại ô lên bán mớ rau, bắp ngô. Có lần gặng hỏi, ông chủ ngoài tứ tuần bảo cứ làm ăn nhúc nhắc thế, chẳng việc gì cấm đoán người ta, vừa bán vừa sống với phố phường, thanh đạm mà vui. Tưởng đã ngừng lời ông lại tiếp:

- Thành phố mình mới mọc lên, còn phải xây dựng, thay đổi nhiều từ cái cốt thị xã cũ như nó bền, nó đậm. Tiếng xuôi, tiếng Mường như là cái nền rồi mới tiếng Anh, tiếng Pháp. Đến cửa hàng này xem cũng được, ngồi nói chuyện cũng được, ưng thì mua, cần thì mua.

Đêm về nằm căn gác mái căn nhà ngói hai tầng chắc xây từ lâu lắm, vẫn nghe tiếng xe xúc, xe lu từ đâu về. Thành phố vẫn còn đang xây dựng như từng người dân thành phố mới còn đang xây dần niềm tin. Hơn mười năm cầu bắc qua sông nối hai bờ quê-phố đã hòa nhập làm một. Vậy mà chỉ hai trăm mét qua cầu, cứ thấy ngỡ ngàng khi đã sang đến phố cổ Phương Lâm, rồi lại trở về từ trên cầu nhìn xuống bờ trái đã đổi thay từng ngày như trong một ngày cổ tích. Đi tìm lại một thị xã trong kí ức, chỉ gặp một thành phố hôm nay. Không, chẳng có điều gì là vẻ đẹp vĩnh viễn, chỉ có sự chuyển mình bền bỉ và linh hoạt là niềm vui bất tận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đêm tìm về thị xã ngày xưa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO